Hàng ngàn tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khó thu hồi

27/02/2024 06:40 GMT+7

Việc cơ quan chức năng khó thu hồi từ doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho thấy sự bất ổn của quỹ này.

Bộ liên tục "thúc" DOANH NGHIỆP trả quỹ

Bộ Công thương vừa có công văn giục Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp gấp số tiền doanh nghiệp (DN) này nợ Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu về ngân sách với số tiền nợ quỹ và lãi phạt chậm nộp khoảng 612 tỉ đồng.

Hàng ngàn tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khó thu hồi- Ảnh 1.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu mối vi phạm quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

NHẬT THỊNH

Trước đó khoảng 1 tháng, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã có công văn hối thúc DN này nộp trả số tiền nợ quỹ nhưng không kết quả. Hải Hà Petro là một trong 7 DN đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ kết luận đã sử dụng quỹ sai mục đích BOG, không kết chuyển về tài khoản quỹ và để lại tài khoản thanh toán của DN thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền lên gần 8.000 tỉ đồng. Trong số này, có 3 DN đầu mối đã từng bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Số tiền nợ Quỹ BOG xăng dầu của Công ty Hải Hà tính đến cuối tháng 11.2023 là 612 tỉ đồng. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỉ đồng và bị Bộ Công thương rút giấy phép đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối xăng dầu.

Ngoài Hải Hà Petro, một DN đầu mối xăng dầu khác là Xuyên Việt Oil cũng đã bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu từ tháng 8.2023. Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn dừng thông quan sản phẩm xuất nhập khẩu của 2 DN này từ cuối tháng 1 vừa qua. Đến nay, nhiều lãnh đạo cao cấp của 2 DN này bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát…

Trong văn bản gửi Hải Hà Petro, Bộ Công thương dẫn quy định cho biết Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ BOG xăng dầu. Bộ này đồng thời là đơn vị kiểm tra, kiểm soát nguồn nộp, cũng như chấp hành quy định về thu nộp và xử lý theo thẩm quyền hành vi vi phạm về thuế, phí, các khoản thu khác. Còn Bộ Tài chính khẳng định cơ quan này có các biện pháp để cưỡng chế, thu hồi tiền chiếm dụng của DN. Tuy nhiên, do vụ án đang điều tra nên cần phối hợp, chờ phán quyết từ phía cơ quan công an. Như vậy, việc thu hồi tiền Quỹ BOG xăng dầu từ các DN sai phạm này khá gian nan, chưa biết đến bao giờ.

Theo quy định tại Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ BOG xăng dầu được lập tại DN khi Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh cho DN đầu mối. Quỹ chỉ được sử dụng trong trường hợp khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hộiđời sống nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc trích và chi sử dụng quỹ này không đúng mục đích trong thời gian dài.

Nên có đơn vị trung gian giữ quỹ

Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách thuộc Hội Các nhà quản trị DN VN, cho rằng việc để Quỹ BOG xăng dầu tại tài khoản các DN đầu mối ngay từ đầu đã sai vì quỹ chỉ được sử dụng khi cơ quan quản lý cho phép. Nay DN bị rút giấy phép rồi, làm thế nào để hối thúc họ chuyển tiền về? "DN sử dụng tiền này cho việc khác và vi phạm bị xử phạt nhiều lần trước khi bị bắt, bị rút giấy phép kinh doanh cơ mà", ông Đức nói.

Phải quy định một cơ quan trung gian quản lý quỹ này hoặc tối thiểu phải quy định bắt buộc phong tỏa quỹ này. Quan trọng nhất là quỹ nhằm bình ổn giá xăng dầu nhưng không bình ổn được thị trường đúng bản chất.


—Luật sư Trương Thanh Đức (Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách thuộc Hội Các nhà quản trị DN VN)

"Nghị định 83 quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ BOG xăng dầu; tại Thông tư liên tịch 39/2014 và thông tư 103/2021 quy định Quỹ BOG xăng dầu được thương nhân đầu mối hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại, nghiêm cấm sử dụng quỹ để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác ngoài việc để bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, các quy định trên chỉ có giá trị khuyến nghị vì không hề có cơ chế, biện pháp cụ thể cần thiết để bảo đảm rằng nó phải được giữ nguyên trên thực tế", luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Tại kết luận thanh tra vào đầu tháng 1 vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng cơ quan quản lý Quỹ BOG xăng dầu có sự đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp và phân công nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) và Bộ Công thương (đơn vị phối hợp quản lý), trong quá trình kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối. Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn cho ngân hàng thương mại về quản lý Quỹ BOG xăng dầu, gây ra tình trạng 7 DN sử dụng quỹ sai mục đích với tổng số tiền là hơn 7.927 tỉ đồng. Số tiền này đã được giữ trong tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ mà không được chuyển về tài khoản quỹ.

Từ đó, luật sư Đức kiến nghị: "Phải quy định một cơ quan trung gian quản lý quỹ này hoặc tối thiểu phải quy định bắt buộc phong tỏa quỹ này. Quan trọng nhất là quỹ nhằm BOG xăng dầu nhưng không bình ổn được thị trường đúng bản chất. Nếu muốn giữ Quỹ BOG xăng dầu trong bối cảnh hiện nay, nên sửa đổi quy định về quỹ là với mức giá thế giới thế nào, sẽ được chi bình ổn bao nhiêu. Ví dụ, giá dầu từ 70 - 80 USD/thùng sẽ không được nhận quỹ; giá dầu thế giới tăng lên 90 USD/thùng, được chi quỹ cho 5 USD; lên 100 USD/thùng, được chi

7 USD… Không thể lập quỹ kiểu giá dầu tăng thì chi ồ ạt; giá tăng nữa, hết tiền rồi, lấy gì mà chi? Đó là chưa nói giá tăng liên tục, nhưng vì sợ biến động, không cho chi đồng nào như trong thời gian qua".

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính cũng cho rằng, việc thu hồi số tiền Quỹ BOG xăng dầu tại các DN hoàn toàn có thể thực hiện được, thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc thu hồi sớm khá khó khăn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, việc Bộ Công thương liên tục phát công văn hối thúc DN nộp quỹ do DN tuy bị rút giấy phép hoạt động đầu mối xăng dầu, nhưng các dòng tiền của DN vẫn còn luân chuyển nơi này nơi kia, nên vẫn có thể chuyển về để trả ngân sách được. Thậm chí, ngay cả khi DN tuyên bố phá sản, từ khoản định giá tài sản của DN, cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể tính toán, ưu tiên thu hồi tiền nhà nước trước. Số nợ tiền Quỹ BOG xăng dầu có thể thu về được, nhưng chắc phải có thời gian…

Ngoài ra, theo ông Thịnh, quản lý Quỹ BOG xăng dầu có nhiều vấn đề trong công tác giám sát. Việc trích lập và xả Quỹ BOG xăng dầu không được chú ý, do diễn biến giá không tăng quá đột biến, nên có thể việc kiểm tra, giám sát bị lơi lỏng. Nguy cơ chiếm dụng quỹ rất dễ tiếp diễn khi chúng ta vẫn để quỹ lưu tại tài khoản của DN lập ra, trong khi có nhiều đơn vị khó khăn kinh doanh. Cần thay đổi cách quản lý và có công tác kiểm tra, giám sát quỹ theo từng kỳ điều chỉnh giá.

Bộ Công thương trong vai trò quản lý hàng hóa, xuất nhập khẩu, biết nguồn hàng của DN bán ra, mua về bao nhiêu, sẽ nắm số dư quỹ rất chi tiết. Thế nên, nên chăng xác định trách nhiệm quản lý quỹ này cho một cơ quan nhất định và chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.


PGS-TS Đinh Trọng Thịnh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.