Ngày 31.7, ông Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, đã đại diện 2.483 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, và giám đốc các sở GD-ĐT, Nội vụ, về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong thư, các thầy cô giáo mong muốn TP.Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.
Theo các giáo viên này, thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên. Nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi, gây ra nhiều bất công.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đường bày tỏ: "Tôi và các bạn cùng học một trường đại học, ra trường, mỗi bạn về một địa phương nơi mình sinh sống. Cùng một xuất phát điểm, bằng cấp như nhau, cống hiến như nhau...
Nhưng bạn tôi ở tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, được tăng lương, trong khi tôi ở thủ đô phải thi và có thể trượt vì ngoại ngữ thế hệ 7X chúng tôi không thể học giỏi và so sánh được với thế hệ trẻ hơn, thì rõ ràng cuộc thi không công bằng".
Trong các giáo viên gửi thư kiến nghị, 100% đề xuất nguyện vọng được xét tuyển. Trong đó, có giáo viên 59 tuổi, chỉ còn 1 năm công tác.
Nơi xét, nơi thi?
Các giáo viên cũng phản ánh nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Bình Dương, Gia Lai… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển.
Ngày 30.11.2021, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 34/2021 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư này có một số điểm mới về thăng hạng giáo viên từ 15.1.2022 là gộp chung quy định về điều kiện thi và xét thăng hạng giáo viên từ bậc mầm non, THCS và THPT công lập.
Thông tư trên quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II như sau: "Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học".
Tuy nhiên, Công văn số 2368/SGDĐT-TCCB ra ngày 6.7.2023 của Sở GD-ĐT Hà Nội lại hướng dẫn về việc hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Còn công văn của Sở Nội vụ Hà Nội trong mục 2 cũng hướng dẫn "hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng".
Cả hai công văn đều không chỉ rõ đối tượng viên chức nào thì được xét, đối tượng viên chức nào phải thi, khiến các trường THPT cũng lúng túng trong việc thực hiện; gây ra lo lắng đối với giáo viên THPT, nhất là đối với những người đã cống hiến từ 30 năm trở lên, đang hưởng ngạch lương viên chức giáo viên THPT hạng III (mã V.07.05.15).
Ngoài ra, cùng trên địa bàn Hà Nội, giáo viên bậc THCS ở Q.Bắc Từ Liêm có quyết định của Sở Nội vụ từ tháng 11.2022 về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II và xếp lương đối với viên chức. Như vậy, giáo viên THCS, tiểu học, mầm non được xét nâng hạng chứ không phải thi.
Vì vậy, giáo viên các trường THPT công lập Hà Nội kiến nghị Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ Hà Nội quyết định cho xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II theo quy định tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT mà không phải thi, để đảm bảo sự công bằng về chế độ chính sách và giảm bớt áp lực cho giáo viên.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ngày 13.6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đang tham mưu bỏ thi thăng hạng viên chức, hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.
Ngày 14.4, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về việc tổ chức, thực hiện xét hoặc thi thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức đang làm công tác giảng dạy ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này đã điều chỉnh những bất cập của thông tư cũ, tuy nhiên, muốn được đăng ký để xét thăng hạng II, giáo viên tiểu học và THCS ngoài các yêu cầu khác thì cần đạt 2 điều kiện: chức danh nghề nghiệp hạng III 9 năm và cần tốt nghiệp đại học 9 năm.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 quy định giáo viên THCS cần có trình độ đại học 1 năm. Trước luật này, giáo viên cấp THCS chỉ cần trình độ cao đẳng; giáo viên cấp tiểu học chỉ cần trình độ đào tạo trung cấp.
Bình luận (0)