Hàng 'nóng' lộ diện tại Eurosatory 2014

19/06/2014 05:50 GMT+7

Các phái đoàn đến từ hơn 100 quốc gia đang tụ hội tại sự kiện công nghệ quân sự thuộc dạng lớn nhất hành tinh ở Paris.

 Hàng “nóng” lộ diện tại Eurosatory 2014
Sự kiện Eurosatory chủ yếu tập trung vào vũ khí/khí tài cho bộ binh - Ảnh: Eurosatory.com

Sự kiện Triển lãm công nghệ vũ khí Eurosatory 2014, do Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Pháp tài trợ, đã bắt đầu diễn ra từ đầu tuần và kéo dài đến 20.6 tại Paris. Theo AFP, quan chức nhiều nước trên toàn thế giới đã đổ xô đến thủ đô nước Pháp để thưởng lãm công nghệ quốc phòng hiện đại đến từ hơn 1.500 công ty ở khắp 5 châu. Pháp đã gửi thư mời chính thức cho 160 phái đoàn quan chức từ 108 nước. Mỹ là phía hiện diện đông đảo nhất tại Eurosatory, với 137 công ty tham gia, kế đến là Đức (118), Anh (105) và Israel (51). Hai sự vắng mặt đáng chú ý trong danh sách khách mời là Nga và Ukraine. Đại diện chính thức của hai nước này không xuất hiện vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine. Dù nhận được thư mời, sự hiện diện của đại gia vũ khí mới nổi Trung Quốc bị hạn chế gắt gao và các công ty nước này chỉ được phép giới thiệu các thiết bị an ninh dân sự.

Bất chấp tình trạng ngân sách quốc phòng bị cắt giảm tại Mỹ và châu u, quy mô triển lãm năm nay tăng 6% so với năm 2012. Như thường lệ, sự cạnh tranh trong thị trường vũ khí trên bộ hết sức khốc liệt, và số quốc gia tham gia mảng kinh doanh này tăng từ 53 lên 57 nước. Tổng cộng có hơn 250 loại xe quân sự và an ninh, cùng ít nhất 60 rô bốt được trình làng trong năm nay.

Công nghệ vũ khí mới

 

Sơ lược về Eurosatory

Sự kiện Triển lãm công nghệ quân sự Eurosatory được tổ chức 2 năm/lần, chủ yếu tập trung vào vũ khí dành cho bộ binh, hệ thống phòng không, các thiết bị viễn thông, công nghệ máy tính... Khoảng 1.500 công ty quốc phòng đến từ 58 nước tham gia triển lãm lần này, đồng thời thu hút 58.000 quan chức quân sự và các nhà thầu từ 90 nước, theo trang Eurosatory.com.

Các công ty Israel đã mang đến một loạt vũ khí mới tại Eurosatory, bao gồm hệ thống vũ khí điều khiển từ xa Duke, được thiết kế để lắp bên dưới trực thăng Black Hawk. Được chế tạo nhằm trang bị cho các trực thăng không vũ trang, loại súng mới nằm gọn trong ca bin của máy bay. Khi cần đến, hai cánh tay cơ khí sẽ bốc ụ súng khỏi khoang trực thăng và gắn nó dưới gầm máy bay, sẵn sàng nã đạn. Vì kích thước quá lớn gây trở ngại khi trực thăng hạ cánh, ụ súng sẽ được gấp vào trong cabin trước khi đáp. Trung tâm của hệ thống này là khẩu ATK Bushmaster, được trang bị thêm cảm biến quang điện, nặng tổng cộng khoảng 0,5 tấn nếu kèm theo đạn dược, và được bán với giá 1,2 triệu USD.

Bên cạnh đó, nhà thầu quân sự Israel cũng công bố xe thiết giáp chiến đấu mới, phù hợp với điều kiện địa hình phức tạp và có thể được trang bị hệ thống phòng thủ Bright Arrow. Hệ thống gồm súng máy kết hợp các hệ thống phát hiện mối đe dọa và sẵn sàng tấn công phá hủy lựu đạn và rốc két bắn từ súng phóng lựu. Trong khi đó, nhánh sản xuất vũ khí của Tập đoàn Allen Vanguard trình làng thiết bị phá sóng cỡ nhỏ, chuyên trị các thiết bị gây nổ được điều khiển bằng sóng vô tuyến (RCIED). Có tên là Solo, thiết bị phá sóng mới nặng khoảng 4,5 kg, dễ dàng được mang theo và sử dụng được nếu nạp pin đầy đủ. Công ty có trụ sở tại Canada cho hay thiết bị phá sóng giá rẻ là vũ khí lý tưởng chống lại những mối đe dọa về RCIED đang lan tràn tại các khu vực chiến sự như Iraq, Syria...

Về phần mình, hãng chuyên về vật liệu thông minh D30 của Anh giới thiệu nón chống sốc dành cho binh sĩ nơi chiến trường. Nón TRUST (viết tắt từ cụm công nghệ vô hiệu hóa và giảm chấn thương) được thiết kế theo dự án hỗ trợ tài chính của chính phủ Anh sau khi số ca chấn thương đầu của binh sĩ thuộc lực lượng liên quân ở Afghanistan và Iraq gia tăng. Trong khi đó, nhà thầu CMI Defence cung cấp tháp pháo Cockerill XC-8 dành cho xe tăng thiết giáp CV90 do BAE Systems sản xuất. Dù đây là vũ khí được giới thiệu cùng với CV90, loại xe chiến đấu nặng 25 tấn có nhiều phiên bản khác nhau. Tháp pháo có cỡ 105 mm hoặc 120 mm, và binh sĩ có thể chuyển đổi giữa hai loại nòng khác nhau.

Nhật Bản ra mắt

Sự hiện diện mạnh mẽ của các thế lực quốc phòng quốc tế tại Eurosatory năm 2014 phản ánh sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi như Đông Nam Á và Nam Mỹ. Các nước như Chile, Colombia, Mexico và Peru đều mở rộng hầu bao mua sắm vũ khí, và trong ngày đầu tiên, nhà thầu Thales đã giành được hợp đồng lớn từ Mexico City. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi Tokyo được phép xuất khẩu vũ khí sau 3 thập niên bị cấm, công nghệ quốc phòng Nhật Bản đã hiện diện tại Eurosatory 2014, theo Đài NHK. Trong đợt ra quân lần này, các tên tuổi nổi tiếng như Fujitsu, Kawasaki Heavy Industries, Mitsubishi Heavy Industries, Toshiba và 10 công ty khác đã trình làng sản phẩm của mình, có thể kể đến xe thiết giáp, trực thăng... Hiện vẫn còn nhiều trở ngại trước khi Nhật Bản có thể giới thiệu công nghệ quân sự ra thị trường toàn cầu, dù một số đối tác quốc tế đã bày tỏ ý định hợp tác với các công ty nước này, chẳng hạn như Úc muốn mua tàu ngầm hiện đại của Tập đoàn Mitsubishi và Kawasaki. Ngoài Nhật Bản, những quốc gia/lãnh thổ lần đầu tiên xuất hiện tại Eurosatory năm nay còn có Iraq, Argentina, Colombia và Hồng Kông.

Thụy Miên

>> Phe nổi dậy Syria nhận vũ khí mới
>> Iran tiết lộ nhiều vũ khí mới
>> Đài Loan thử nghiệm vũ khí mới
>> Philippines, Indonesia có vũ khí mới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.