Từ 12 giờ hôm nay 25.5, UBND TP.Hà Nội tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tụ tập đông người. Trước thông tin này, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn đã thu dọn bàn ghế, treo biển bán mang về để tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, sáng 25.5, trước giờ thực hiện thông báo, nhiều nhà hàng, quán ăn trên phố Duy Tân, Cốm Vòng, Hồ Tùng Mậu… đã chủ động thu dọn bàn ghế, ngừng đón khách đến ăn trực tiếp.
Hầu hết các quán ăn đã treo biển bán mang về, không ít quán đóng quán, dừng bán hẳn chờ đến khi có thông báo mới. Một vài quán ăn chuẩn bị nguyên liệu từ trước cố phục vụ khách đến 12 giờ, khách vừa ăn vừa cho nhân viên thu dọn bàn ghế.
"Khách đang ổn, dịch lại bùng phát"
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (48 tuổi, chủ quán phở trên đường Cốm Vòng, Q.Cầu Giấy) cho hay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bà đã nghĩ đến việc phải đóng cửa hàng. Tối qua (24.5) sau khi nhận được thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động, bà không thấy bất ngờ, chấp nhận tuân thủ để đảm bảo thực hiện các quy định phòng dịch.
“Tôi cũng đoán trước từ lúc dịch bùng phát lại vì nếu một ngày bán trực tiếp sẽ có nhiều người ngồi ăn, không kiểm soát được. Nhà tôi nghỉ luôn, không bán online nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, thu nhập hằng ngày với cả các bạn nhân viên cũng phải nghỉ hết. Tôi cũng chỉ biết động viên mọi người, không biết làm thế nào vì giờ dịch đang căng như vậy”, bà Thu chia sẻ.
|
|
Vì kinh doanh hàng phở, bà Thu đã chuẩn bị nguyên liệu từ chiều qua nên sáng nay cố bán đến 12 giờ rồi đóng cửa. Bà hi vọng mọi người nâng cao ý thức, tuân thủ quy định phòng dịch để nhanh mở bán trở lại, có thu nhập nuôi sống gia đình.
“Hôm qua tôi đã chuẩn bị hàng thì tối muộn tôi mới nhận được thông báo. Bán phở nên phải ninh xương từ đầu giờ chiều, nước dùng phải đun, chuẩn bị từ trước đó. Năm ngoái đến tận giờ không biết phải đóng cửa mấy lần rồi, cứ lượng khách đang ổn ổn chút dịch lại bùng phát. Vài tháng lại phải dừng bán, kinh doanh hàng ăn mùa dịch là khó khăn nhất. Trước 12 giờ trưa, cứ có khách thì cố gắng bán và cho nhân viên dọn dần bàn ghế để nghỉ hẳn”, bà Thu nói.
Tuân thủ phòng dịch
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng (47 tuổi, chủ quán bún cá trên phố Duy Tân) cho hay đến sáng nay mới biết thông báo đóng cửa từ UBND TP. Bà treo biển bán hàng mang về, miễn phí ship với hy vọng có lượng khách ít ỏi, bù tiền mặt bằng duy trì việc kinh doanh.
“Thông báo đóng cửa có từ tối qua nhưng sáng nay nhân viên nói tôi mới biết, thành ra giờ tối bán nốt đến giờ đó rồi nghỉ. Hôm qua, tôi có nhập hàng vì không biết. Thôi đành bán mang về, chủ trương thế nào mình cứ làm vậy”, bà Hồng chia sẻ.
|
|
|
Theo bà Hồng, việc chuyển sang bán mang về khiến lượng khách giảm xuống trầm trọng. Bà cũng chủ động chuẩn bị nước sát khuẩn, đeo khẩu trang khi mang bún cho người giao hàng để đảm bảo an toàn.
“Sáng giờ không có người ăn luôn, mọi người nghe tin như thế nên cũng không ra ăn luôn. Tôi mong mọi người cứ phòng dịch an toàn để hết hẳn, nhanh trở lại cuộc sống bình thường. Tôi chuyển sang bán mang về, miễn ship luôn nhưng cũng không có khách, giờ đang chờ khách quen”, bà Hồng buồn bã nói.
Anh Vũ Tiến Thanh (30 tuổi, chủ quán cà phê trên đường Hồ Tùng Mậu) cũng chuyển sang bán mang về sau khi có thông báo. Không được bán trực tiếp khiến lượng khách giảm xuống 70% nhưng anh phải chấp nhận vì đó là quy định phòng dịch.
“Kinh doanh cà phê chủ yếu mọi người đến ngồi trực tiếp, trò chuyện với nhau nên giờ bán mang về không có khách mấy”, anh Thanh cho biết.
|
|
Bình luận (0)