Hàng quán 'miễn phí' cơm, cà phê, trà sữa... cho người chống dịch đến khi TP.HCM hết giãn cách

11/06/2021 11:49 GMT+7

Sau 1 tuần chiến dịch ‘tiếp sức tiền tuyến’ được khởi động đã có hơn 10 hàng quán ở TP.HCM tự chuẩn bị các phần cơm, nước, bánh bao, trà sữa... gửi đến đội ngũ chống dịch Covid-19 , đang ngày đêm tất bật, căng mình mong TP.HCM sớm hết giãn cách.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều hàng quán, bếp ăn ở TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí nhiều quán ăn phải tạm đóng cửa. Vốn liên kết với nhiều nhà hàng quán ăn, chương trình “tiếp sức tiền tuyến” được PITO (công ty nền tảng công nghệ đặt dịch vụ ăn uống) đứng ra tổ chức để làm “hậu phương” hỗ trợ lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Trợ lý giám đốc pha cà phê, nhà hàng nấu cơm “tiếp sức tiền tuyến” chống Covid-19

Góp bữa ăn cho lực lượng chống dịch Covid

Đại diện đơn vị sáng lập chương trình, anh Nguyễn Hồ Mạnh Khang giải thích thêm, mỗi đơn vị nhà hàng có những thế mạnh nào sẽ góp sức theo thế mạnh đó. Trong đó, có đơn vị ủng hộ trà sữa, cà phê sữa, bánh bao, cơm gà... và nhiều mạnh thường quân ủng hộ tài chính để duy trì hoạt động “tiếp sức tiền tuyến”.

Chị An cùng tình nguyện viên đóng hộp cơm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Nhờ vậy, các phần ăn gửi cho y bác sĩ, các tình nguyện viên ở các chốt trực sẽ đa dạng hơn. Tùy vào nhu cầu tại từng điểm chốt, anh Khang sẽ liên hệ với những nhà hàng tham gia chương trình để gửi tặng những thực phẩm phù hợp như cơm hay cà phê, nước uống.
Đơn vị của anh Khang sẽ đóng vai trò kết nối với Quận Đoàn tại những khu vực có nhiều điểm nóng ở TP.HCM như Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú,... Sau khi các nhà hàng hoàn tất khâu chuẩn bị và đóng gói, PITO sẽ hỗ trợ vận chuyển để trao cho Quận Đoàn đi phân phát các nơi.

Cơm được chuẩn bị và nấu hoàn thiện trong vòng 2 ngày

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Gần một tuần phát động, hiện chương trình đã trao hơn 1.500 phần ăn, nước uống cho các bác sĩ và tình nguyện viên chống dịch. “Những mô hình kinh doanh nhà hàng, bếp ăn, cà phê là những ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vì không thể tổ chức tiệc và buôn bán tại chỗ. Dù mọi người gặp khó khăn nhưng đều cố gắng hỗ trợ trong khả năng của mình khiến tôi rất cảm động”, anh chia sẻ.
Bếp ăn của chị Nguyễn Thanh An ( 36 tuổi). Vì không tổ chức tiệc lớn, doanh thu của bếp xem như giảm một nửa. Nhễ nhại mồ hôi vì nấu cơm giữa trời trưa nắng, chị An chia sẻ cảm thấy rất vui vì được nấu cơm cho đội ngũ tiền tuyến chống dịch. Đây là lần thứ hai chị An tham gia nấu cơm, ngày đầu tiên là vào ngày 6.6, bếp của chị đã nấu hơn 200 phần cơm và lần này là 250 phần cơm.

Cơm sau đó được vận chuyển đến cho các Quận Đoàn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm, chị An phải đặt gà từ hôm trước, sau đó phải sơ chế sạch sẽ. Qua hôm sau mới mua rau, nấu cơm để đảm bảo độ tươi. Một lần chuẩn bị và hoàn tất quá trình nấu nướng đóng hộp và vận chuyển sẽ mất khoảng 2 ngày vì số lượng gà lớn đến 80kg.
Qua từng phần ăn, chị An mong muốn góp sức mình mang lại sức khỏe và ủng hộ tinh thần cho các bác sĩ và các tình nguyện viên đang căng mình chống dịch.
“Lần đầu tiên nấu cơm gà mắm nhĩ mọi người ăn xong khen cơm ngon, nên mình thấy vui lắm, tự nhiên hết mệt. Vẫn còn các bác sĩ và các tình nguyện viên, lực lượng chức năng ở các chốt trực chống dịch thì mình vẫn còn nấu như thế này”, chị nói.

Người dân hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu rón rén ăn mừng gỡ phong tỏa Covid-19

Góp sức đến khi hết giãn cách xã hội

Tranh thủ nghỉ ngơi, chị Huỳnh Mạnh Phương (23 tuổi) một tình nguyện viên tại bếp ăn của chị An cho biết buổi sáng vừa đi hiến máu nhân đạo xong thì tranh thủ đến bếp cơm để phụ nấu cơm.
Chị Phương bộc bạch: “Trưa giờ bếp ăn khá là nóng nhưng mọi người vẫn làm việc với cường độ rất là hăng say. Tuy ai cũng khó khăn nhưng mọi người đều chia sẻ và cùng nhau góp sức phòng chống dịch bệnh”.
Chị Nguyễn Huỳnh Thúy Nga (25 tuổi, trợ lý giám đốc vận hành Charm Club) tại Q.3 (TP.HCM) chia sẻ từ khi TP giãn cách xã hội, chị đã tham gia 2 lần ủng hộ cà phê cho các điểm chốt kiểm dịch. Dự tính đơn vị của chị Nga sẽ tiếp tục phát cà phê đến ngày 16.6 với số lượng là 2.500 phần.

Giảm khách, nhiều quán trà sữa, quán cà phê gửi tặng đồ uống cho lực lượng chống dịch

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cho cà phê vào những chai nhựa đã chuẩn bị trước, chị cho biết những phần cà phê này góp cho anh chị ý bác sĩ và lực lượng chống dịch có thêm động lực, tỉnh táo để làm việc, chăm sóc người bệnh. 
Cà phê hạt sau khi nhập về sẽ được xay mịn nhuyễn ra, sau giai đoạn ra phin cà phê rồi thì sẽ pha chế theo những công thức riêng của công ty, đóng gói vào chai nhựa rồi vận chuyển đi. Thay vì đóng sẵn cà phê vào ly, quán của chị Nga cẩn thận cho cà phê vào các chai nhựa để tránh đổ vỡ và có thể để được lâu hơn.

Phần cơm được dán thêm khẩu hiệu "Cảm ơn" gửi đến những người sử dụng

Ảnh: M.K

“Ngày đầu tiên sau khi đã đóng gói xong, công ty giao cà phê đi nhưng không tài xế nào nhận cuốc vì ngại qua vùng có dịch. Sau khi đổi vài lần cũng có người nhận và việc vận chuyển cũng hoàn tất”, chị Nga cười kể lại kỷ niệm đáng nhớ.

150 ly trà sữa đã được gửi đến Q.Tân Phú

Ảnh: M.K

Chuỗi lây nhiễm Covid-19 liên quan chung cư Ehome 3 ở TP.HCM đang rất phức tạp

Tương tự, ủng hộ 150 ly trà sữa cho tuyến đầu chống dịch ở Q.Tân Phú, chị Khánh Linh (đại diện của hệ thống trà sữa hoa Hướng Dương) cho biết cũng như những hàng quán khác, hệ thống quán trà sữa của chị Linh phải cắt giảm nhân viên, chỉ bán mang về và bán qua các ứng dụng giao hàng online.
Chị tâm sự từ khi TP.HCM bùng phát dịch chị đã rất muốn đóng góp một phần nào đó để cùng chống dịch nhưng đang loay hoay không biết làm sao thì may mắn được phía PITO liên hệ. Sau lần ủng hộ đầu tiên, chị Linh cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hàng quán khác và chương trình cho đến khi TP.HCM hết giãn cách xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.