Hàng về đầy ắp chợ, khách vẫn vắng
Chúng tôi đến chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) - một trong những ngôi chợ sỉ truyền thống, chuyên bán các mặt hàng thực phẩm, gia vị, đồ khô, mứt, bánh kẹo… lớn nhất TP.HCM - vào giờ trưa. Đây cũng giờ cao điểm cho những xe tải đổ hàng xuống chợ. Các năm trước dịch Covid-19, từ đầu tháng 11 âm lịch là hàng hóa về chợ tấp nập, người vào ra mua bán chật như nêm. Đi xe máy đến chợ vào khung giờ này khó lòng kiếm được chỗ để gửi xe. Thế nhưng hiện nay mặt tiền chợ vẫn đang thông thoáng, thưa thớt.
Đường Trần Bình bên hông chợ xe cộ vào ra đông đúc hơn, chủ yếu xe gắn máy và vài chiếc xe tải chở hàng. Hai người đàn ông trạc hơn 50 tuổi đang đẩy một xe chở các loại đậu, nấm... vào trong, vừa đi vừa bảo: "Làm một cuốc rồi về". Hỏi ra mới biết, đây là cuốc xe hàng đầu tiên trong ngày của cả hai, thời gian còn lại họ chủ yếu đi giao hàng và chạy xe ôm. Ông Thăng, chạy xe ôm khu vực trước chợ, chép miệng: "Thường tui chở hàng hóa đi cho khách nhiều hơn là chở người. Nay ngồi trước chợ sáng giờ mới có một cuốc đi giao hàng cho sạp quen bên Q.Tân Bình. Nhiều người cũng đặt giao hàng bằng xe công nghệ, nhưng mối quen vẫn chọn mình, có điều không người đặt hàng thì mình lấy gì mà giao".
Thưởng tết có tín hiệu lạc quan
Tuấn, nhân viên phụ bán hàng tại quầy sạp K.H ngay mặt tiền chợ, vừa nhiệt tình giới thiệu với khách các món mới phục vụ tết, vừa quảng bá: "Mua vài ký cũng được giao miễn phí".
Bà T., chủ sạp P.T trong lồng chợ, cho biết vợ chồng bà đã kinh doanh tại chợ Bình Tây hơn 20 năm nay, nhưng "chưa bao giờ chứng kiến việc mua bán đìu hiu" và khách mua sắm cũng "ưu ái hàng giá thấp" nhiều như lúc này. Sạp P.T cũng là một trong những sạp có lượng đồ khô về nhiều nhất, đặc biệt là các loại hạt. Theo bà T., nếu so với giá cả vào mùa tết năm ngoái, giá một số mặt hàng hạt và mứt, bánh ở chợ cao hơn khoảng 10 - 12%. Đặc biệt, giá mứt truyền thống dù ít người mua sỉ nhưng vẫn tăng do giá đường tăng. Chẳng hạn, các loại mứt me, dừa, gừng, sen... cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg, dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Thế nhưng các loại kẹo cân ký lại giảm mức tương đương, giá các loại kẹo dẻo, kẹo bắp, kẹo me, kẹo chuối... dao động từ 70.000 - 120.000 đồng/kg, thấp hơn giá bán cùng loại tại chợ này năm ngoái từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Tại chợ tết năm nay, những loại bánh kẹo không nhãn mác, màu sắc bắt mắt được giới thiệu của Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản... có giá khá mềm, từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Hay ô mai đào hồng sấy khô từ Trung Quốc về chỉ có giá 90.000 đồng/kg, táo đỏ Hàn Quốc 80.000 đồng/kg… Tại sạp của bà T., loại hạt "sang" và có giá cao nhất là hạt mắc ca đã bóc vỏ, giá 500.000 - 550.000 đồng/kg, hạt dẻ đã bóc vỏ giá 450.000 đồng/kg, hai loại này chưa bỏ vỏ giá lần lượt 200.000 đồng và 220.000 đồng/kg. Và theo chủ sạp thì "ít khách hỏi mua, chỉ một số công ty đặt biếu với số lượng chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. Các loại hạt còn lại dao động từ 70.000 - 130.000 đồng/kg. Đặc biệt, hạt hướng dương so với mọi năm giảm mạnh từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, về 70.000 - 80.000 đồng/kg. Mọi năm, giá hạt hướng dương loại 1 tại chợ này từ 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng đồ khô, mứt, bánh về chợ bán tết trong tháng 11 âm lịch chưa có những mặt hàng nhập khẩu "sang, xịn, mịn" như mọi năm. Đặc biệt, hàng nhập khẩu cao cấp như chà là sấy khô nguyên cành Ấn Độ, nho khô loại lớn của Mỹ, hồng dẻo Hàn Quốc... hàng tết tại sạp nào cũng có nhưng đến thời điểm này lùng hết chợ Bình Tây "bói" không ra hàng loại 1.
Tại chợ An Đông (Q.5), khi được hỏi những sản phẩm mới phục vụ tết, chủ sạp B.T giới thiệu bánh hạnh nhân nhân sữa, bắp tan chảy giá 130.000 đồng/kg, nhiều loại kẹo bán ký nhập từ Thái Lan, Trung Quốc có giá 110.000 - 130.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nhập từ Thái có giá khá mềm, thấp hơn cả bánh kẹo nội địa. Vậy hàng nhập từ Mỹ, Nhật, Hàn, Ấn Độ... mọi năm ngập chợ năm nay thế nào? Chủ sạp B.T cho biết: "Tiểu thương không dám lấy hàng sang về bán, bởi cũng không có người hỏi mua. Người đến chợ giảm nhiều, mua hàng qua zalo lúc này cũng ít, nên đa số hàng về bây giờ vẫn còn cầm chừng lắm".
Theo chị Tâm, chủ một sạp bán sỉ và lẻ các mặt hàng thực phẩm khô tại chợ An Đông, nhu cầu mua sắm tết của khách giảm nhiều, cả qua mạng, qua zalo. Không chỉ giảm về lượng khách mà lượng hàng mua cũng giảm 30%/khách. Đáng nói, những mặt hàng khô từng bán tết rất chạy như tôm khô loại lớn, vi cá, hạt điều đóng hộp... nay hầu như "đứng yên", đa số hỏi mua hàng giá mềm và nói thẳng hàng giá cao không mua được.
"Khoảng 3-4 năm trở lại đây, bán hàng vào mùa tết giảm liên tục. Kinh tế khó khăn khiến người mua sắm giảm dần, Việt kiều về nước mua hàng biếu tặng cũng có giảm, trong khi dạng khách này chiếm phần lớn. Việc sụt giảm nhanh một phần cũng do người mua thay đổi thói quen mua sắm, chủ yếu thích mua qua các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, nhu cầu mua sắm biếu, tặng, dùng tết năm nay giảm nhiều", bà Tâm chia sẻ.
Công nhân nhịn nhậu dành tiền mua vé máy bay tết, rưng rưng: 'Cả năm không có dư!'
Hết thời đắt xắt ra miếng, hàng giá rẻ lên ngôi
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, vừa đi một loạt các chợ truyền thống bán lẻ và chợ bán buôn như Đồng Xuân (Hà Nội) và trước đây có vào Bình Điền, Bình Tây (TP.HCM)... cho hay: Thường nhu cầu sắm tết qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là mua sắm nội thất, sơn sửa nhà cửa; tháng 11 tập trung mua đồ khô. Lúc này việc tăng trữ hàng đồ khô tại chợ sỉ thường rất lớn, và người mua về bán lẻ các thứ bánh kẹo, hạt, măng, miến... cũng diễn ra trong tháng 11 âm lịch này. Còn lại 10 ngày trước Tết Nguyên đán mới tập trung hàng tươi sống.
Chiếu theo "lịch" trên thì việc mua sắm đang vào giai đoạn 2, nhưng theo ông Phú, sức mua chưa thấy khởi sắc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Nhu cầu ăn không cao, sụt giảm, còn tiền thưởng chưa có, chưa rõ ràng. "Nay xu hướng mua sắm chi li hơn, dò giá cả nhiều hơn và tâm lý phổ biến là muốn mua hàng dùng được, giá rẻ hơn. Khác hoàn toàn tư duy "đắt xắt ra miếng" trước đây. Năm nay người dân đón một cái tết bình thường, khó có sự xông xênh, mà trái lại thắt chặt chi tiêu hơn", ông Vũ Vinh Phú nhận xét.
Hàng giá rẻ lên ngôi dịp Tết
Về lâu dài, để người tiêu dùng tìm đến chợ nhộn nhịp vào mùa tết như trước, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về chất và lượng. Văn hóa chợ vẫn rất quan trọng, vẫn cần thiết cho một bộ phận dân chúng, song cũng chính chợ lại tạo ấn tượng không tốt lắm về giá cả, chất lượng. Đa số chợ sỉ và lẻ vẫn chưa tuân thủ niêm yết giá. Thậm chí niêm yết nhưng vẫn trả giá được. "Có ai vào siêu thị để mặc cả như ở chợ không? Mặc cả mua bán đôi khi được coi là văn hóa chợ song nó lại khiến người tiêu dùng giảm niềm tin", ông Phú đặt vấn đề.
Thứ hai, đa số chợ ít được quan tâm đầu tư, nhất là các chợ cấp 3, cấp 4 nên người có tiền, cho dù ít, thích tiếp cận không gian mua bán văn minh tại siêu thị hơn là vào chợ. "Để chợ tết nói riêng và chợ sỉ, lẻ mua sắm hằng ngày nói chung phát triển bền vững, theo tôi, cần có cuộc cách mạng cải cách mạnh mẽ từ tư duy nhà quản lý đến tiểu thương. Nhiều nơi quản lý bên ngoài buông lỏng về chất lượng, giá cả, nhưng lại siết thu phí, khiến người dân bỏ chợ, tiểu thương cũng bỏ chợ...", chuyên gia này nói.
Theo Sở Công thương TP.HCM, các hệ thống phân phối, chợ đầu mối và doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã và đang gia tăng lượng hàng thiết yếu dự trữ phục vụ cho nhu cầu mua sắm tăng cao cuối năm. TP có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động đều đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết. Những ngày cận tết, phương án đưa ra là nguồn hàng cung ứng tăng gấp 2-3 lần so ngày thường.
Bình luận (0)