Hàng Tết thấp thỏm chờ sức bật cuối năm

05/12/2023 04:17 GMT+7

Theo truyền thống, dịp lễ tết, cuối năm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm trên thị trường sẽ tăng mạnh, tạo cú hích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, năm nay thị trường đang vừa chạy đua tích trữ vừa lo ẩn số sức mua.

Hàng tết không thiếu, chỉ lo thiếu người mua

Đó là khẳng định của bà Lê Thị Bích, chủ cơ sở bánh kẹo, mứt truyền thống tại H.Củ Chi (TP.HCM), bởi đơn đặt hàng từ khách sỉ ở chợ Bình Tây (Q.6), chợ An Đông (Q.5) đến giờ phút này vẫn "chưa thấy gì cả". "Mứt, bánh truyền thống vẫn được mua vào mỗi dịp tết, có năm các siêu thị cũng đặt hàng làm, giao sớm. Năm nay siêu thị báo làm sớm, nhưng số lượng chưa bằng 50% so với năm ngoái, giá không thay đổi. Còn các tiểu thương ở chợ là mối ruột của cơ sở, đặt hàng theo tuần lại chưa báo sẽ tăng lấy hàng hay không. Những mặt hàng của chúng tôi chủ yếu sản xuất ngắn ngày, nên không dám làm trước, chỉ trữ đường. Giá đường năm nay cũng tăng, nên nhất cử nhất động đều phải chờ khoảng nửa tháng nữa", bà Bích nói.

Hàng tết tại chợ, siêu thị đã sẵn sàng, chỉ còn chờ người muaẢnh: NHẬT THỊNH

Hàng tết tại chợ, siêu thị đã sẵn sàng, chỉ còn chờ người mua

NHẬT THỊNH

Đại diện Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina dự báo: "Thị trường bánh kẹo mùa Tết 2024 sẽ tăng khoảng 5 - 10% so với Tết 2023. Thế nhưng nhu cầu và thói quen mua sắm mùa tết của người tiêu dùng (NTD) hiện nay đã thay đổi: dè dặt hơn vì khó khăn và tiêu dùng thông minh hơn…, nên họ chỉ lựa chọn những sản phẩm có uy tín, giá cả hợp lý với mục đích chi tiêu rõ ràng. Năm nay, công ty sẽ cung cấp ra thị trường 32.000 tấn bánh kẹo phục vụ mùa tết với tiêu chí quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý".

Hàng Tết không thiếu, chỉ lo thiếu người mua

Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở nem chả Quang Hậu, lại khá bi quan khi đánh giá nhu cầu mua chả ăn tết, biếu tết năm nay có thể giảm 40%. "Năm nào cận tết cũng than khó, nhất là sau đại dịch. Thế nhưng năm nay lại không thấy khó nữa mà thấy lượng người ngưng mua, ngưng đặt hàng tăng mạnh. Các khách hàng ruột của chúng tôi thường mua biếu tết đến nay lắc đầu không đặt. Hoặc có đơn vị đặt nhưng số lượng giảm 30 - 40%. Chúng tôi vẫn kỳ vọng "phép màu" nào đó đối với mặt hàng thực phẩm chế biến trong tháng cận tết. Chứ lúc này đây, 2 tháng trước tết, chưa thấy mùa xuân", ông Hậu nói.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc nhãn hàngcà phê nông sản Meet More, cho biết: "Tình hình cuối năm nay sức mua dự báo rất thấp, năm trước khách hàng lớn nhất của Meet More là các doanh nghiệp (DN), công ty đặt hàng hộp quà tết để biếu tặng, nhưng năm nay gần như chưa có động tĩnh gì. Thậm chí hồi tháng 6 có đối tác liên hệ đặt trước 500 hộp quà nhưng bây giờ hỏi lại thì họ lừng khừng, có thể sẽ đổi ý. Trước diễn biến sức mua này, tôi đã phải điều chỉnh kế hoạch, tết năm nay chỉ làm cầm chừng, có đơn hàng đến đâu thì làm đến đó chứ không tung ra sản phẩm mới hay mẫu mã mới".

Bán lẻ lo giảm giá, tích trữ hàng chờ thời

Ngược lại, các nhà phân phối lại tỏ ra lạc quan nên tích trữ hàng cũng tăng hơn. Giám đốc vận hành hoạt động Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng thông tin, năm nay lượng hàng tết tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op (Co.opmart, Co.op Food, Co.op Extra…) tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng 50% so với ngày thường. Dự đoán được xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm của NTD dịp tết năm nay nên Saigon Co.op cũng tính toán, cân đối thu chi để bảo đảm giá hàng hóa ổn định và thực hiện nhiều ưu đãi cho khách hàng. Hiện hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đang thiết kế các phần quà tết giá bình dân, từ 149.000 - 199.000 đồng/phần.

Hàng Tết thấp thỏm chờ sức bật cuối năm - Ảnh 2.

Hàng tết đã vào mùa, đang chờ người tiêu dùng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho NTD, các DN phân phối, sản xuất cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, mang tính ứng dụng cao.

Đại diện MM Mega Market cho biết tăng 20 - 30% tổng lượng dự trữ hàng hóa cho tết và liên tục làm việc với các nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng. Ngoài ra, siêu thị sẽ triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, mức giảm từ 10 - 30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

Lạc quan hơn, ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, kiêm Tổng công ty CP dầu thực vật Tường An, phân tích: "Nhu cầu mua sắm trong dịp tết cổ truyền vẫn sẽ được NTD quan tâm bởi đây vẫn là truyền thống đặc trưng, là mùa lễ hội lớn nhất của người Việt. Theo tôi, NTD năm nay sẽ có xu hướng mua sắm thông minh, tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Tương tự, các DN tặng quà tết cho nhân viên cũng tập trung chọn nhóm sản phẩm thiết yếu để nhân viên có thể sử dụng hằng ngày. Các hộ gia đình cũng sẽ ưu tiên những sản phẩm uy tín, chất lượng để chăm chút cho mùa tết. Vì vậy, những thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường với mức giá ổn định, mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường Tết 2024".

Theo ông Tùng, công ty sẽ tận dụng triệt để hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thực phẩm thiết yếu, tăng cường làm việc cùng các đối tác B2B, kênh thương mại điện tử, kênh mua sắm giải trí - xúc tiến thương mại trên mạng xã hội nhằm quảng bá hình ảnh và đưa các sản phẩm, combo tết của Tường An đến gần hơn với NTD.

Sở Công thương TP.HCM cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm nay đạt khoảng 578.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ, nhưng chưa đạt so với trước dịch Covid-19, thể hiện tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi đó, bên cạnh xuất nhập khẩu và đầu tư công, trụ cột thứ ba đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của TP.HCM là tiêu dùng.

Đẩy mạnh khuyến mại tập trung

Ngày 4.12, Bộ Công thương tổ chức lễ phát động Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia nhằm kích cầu tiêu dùng trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ đây đến Tết Nguyên đán.

Các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị hàng tết  với tâm lý dè dặtẢnh: Phạm Hùng

Các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị hàng tết với tâm lý dè dặt

PHẠM HÙNG

"Bộ Công thương tin tưởng với sự hưởng ứng của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các DN, đặc biệt là từ hàng chục triệu NTD VN, Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023 sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) Lê Mạnh Phong cho biết đến nay đơn vị gần như hoàn tất công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024. Các kế hoạch về lượng hàng thống nhất với các nhà cung cấp lớn; việc mở rộng lượng hàng dự trữ cũng như hậu cần cũng đã được tính toán; các chương trình khuyến mãi, giảm giá dịp tết cũng đã được thống nhất triển khai. Theo đó, chương trình khuyến mãi sẽ được thực hiện liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12.2023 gồm toàn bộ các mặt hàng từ thực phẩm khô, tươi sống đến hàng gia dụng, thời trang... Ðặc biệt, GO!, Big C sẽ chú trọng nhiều vào các mặt hàng thiết yếu và hàng phục vụ ngày tết, giỏ quà tết với các mức giảm giá phù hợp; đồng thời chiết khấu sâu và nhiều hình thức khuyến mại.

Sở Công thương TP.HCM cũng thông tin, để kích tiêu dùng, lượng hàng bình ổn thị trường mùa tết năm nay chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản… Sở này dự báo sức mua mùa Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Các DN tham gia bình ổn giá thị trường cũng sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét, qua quan sát các kênh phân phối cho thấy nguồn hàng đổ về dồi dào, nhất là tại các siêu thị. Tuy nhiên, lượng người mua chưa nhiều, còn quá sớm để sắm sửa tết. Tâm lý của nhiều nhà sản xuất là ngóng tin thị trường. Trao đổi với một số nhà sản xuất giò chả, bánh kẹo cho thấy họ dự trữ nguồn hàng có tăng, nhưng không bằng những năm trước. DN cũng chuẩn bị tinh thần năm nay thu nhập của người lao động giảm, mất việc làm nhiều, giá cả lại tăng…, chắc chắn kỳ vọng vào sức mua tăng mạnh là điều rất khó. Tuy nhiên, các mặt hàng tươi sống phục vụ 3 ngày tết sẽ tăng mua vào 1 - 2 tuần trước tết.

"Vấn đề của cơ quan quản lý là phải kiểm soát được giá cả hàng hóa trong những ngày cao điểm. Đặc biệt, giá heo hơi đang xuống mức thấp nhất 5 năm, nhưng giá thịt đang "trên trời", cơ quan quản lý cần biết và hành động ngay. Tôi mới vào siêu thị gần nhà, trong khi heo hơi rớt dưới mốc 50.000 đồng/kg, thịt heo trong siêu thị vẫn có mặt hàng trên 260.000 đồng/kg", ông Phú dẫn chứng.

Nỗ lực kích cầu thị trường

Các DN sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, NTD nhiều cơ hội tiếp cận hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp. Với hiệu ứng kết nối cung - cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và DN sẽ chủ động phối hợp để triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện… tại địa phương để không những thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến VN.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)

Giúp khách hàng tiết kiệm tối đa

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ vừa công bố vào giữa tháng 11 vừa qua, phản ứng phổ biến của khách hàng khi thị trường có biến động giá là sẽ chọn thương hiệu rẻ hơn, mua gói lớn hơn để tiết kiệm và mua các sản phẩm khuyến mãi. Nắm bắt tâm lý này, Saigon Co.op liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi dưới nhiều hình thức: trợ giá hàng ngàn mặt hàng, tung thêm các mặt hàng nhãn riêng có giá rẻ hơn từ 5 - 25% so với mặt hàng dẫn đầu cùng loại... để giúp khách hàng tiết kiệm tối đa, sẵn sàng bước vào cao điểm mua sắm cuối năm với những ngày lễ lớn: Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.