Bà Doãn Thị Thành-Phó Giám đốc Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro), đơn vị có chuỗi 25 siêu thị bán lẻ, lo lắng: Năm nay đơn vị đã lên kế hoạch dự trữ hàng từ tháng 11, trong đó hàng thiết yếu dự trữ gần 30 tỷ đồng.
Vừa bán vừa lo
Tuy nhiên, đến thời điểm này hàng hóa bán được chưa nhiều, mà sức tiêu thụ lại giảm mạnh. “Chúng tôi tung vốn mua dự trữ hàng tăng 20%, nhưng thực ra lượng hàng không tăng bằng tốc độ năm ngoái vì tỷ lệ tăng giá trong năm nay đã hơn 10%”-Bà Thành cho biết.
Về giá, theo bà Thành, tùy từng mặt hàng, có cao hơn khoảng 5-10%, nhưng không tăng đột biến. Trước tình trạng sức mua giảm, Hapro tập trung cao điểm 10 ngày trước Tết, theo thói quen của người tiêu dùng nhiều năm nay, với việc mở thêm ra nhiều điểm bán, hay chào mời đến tận các cơ quan, xí nghiệp.
Hôm qua (14/1), Sở Công Thương Hà Nội kết hợp với các cơ quan liên quan như quản thị trường, hiệp hội siêu thị...., tiến hành đợt kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trong dịp tết tại các siêu thị. Ngoài kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhãn mác, lực lượng chức năng còn kiểm soát việc niêm yết giá cả, nguồn gốc sản xuất, các chương trình giảm giá, khuyến mãi. |
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC cho biết, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết được Big C chuẩn bị từ tháng 9, với lượng hàng gần 120 tỷ đồng. Nhưng sức mua vẫn tăng không đáng kể.
“Hiện sức mua đã tăng so hơn với ngày thường khoảng 20%, còn về giá so với mặt bằng năm ngoái có cao hơn do nhiều yếu tố. Riêng các mặt hàng rau, củ, quả giảm 20-25%; thịt bò, lợn giảm so với trong năm”- Ông Dũng cho hay.
Nhận định chung về thị trường Tết Hà Nội, theo ông Dũng khả năng chỉ tăng trưởng khoảng 5-15%, thay vì 20-30% như các năm trước, và khó có khả năng sốt giá đột biến.
Với gần 100 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong dịp Tết, ông Nguyễn Anh Điệp-Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Bài Thơ Rosa (với năm siêu thị lớn) lại tỏ ra lạc quan, kỳ vọng vào những ngày còn lại cuối năm.
“Khó khăn chung thì đã rõ. Nhưng phong tục truyền thống một năm có Tết nên sức mua các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng thực phẩm, sẽ không giảm. Hiện sức mua bắt đầu nhích lên và sẽ tăng mạnh vào các ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt ngày Ông Công Ông Táo”- Ông Điệp tin tưởng.
Siêu thị chạy đua, dân hưởng lợi
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, khẳng định, đến thời điểm này sức mua và lượng tiêu thụ của người dân vẫn rất thấp. Theo ông Phú, năm nay nhiều đại lý, nhà phân phối, siêu thị thận trọng và dè dặt trong việc dự trữ, nhập hàng Tết.
“Hiện nhiều nhà phân phối, siêu thị vừa bán vừa xem xét thị trường, chứ không có chuyện giành giật hay tích trữ hàng hóa như mọi khi. Hơn nữa, nếu không có sự mềm dẻo trong chính sách giá để kích thích sức mua, cạnh tranh về giá với thị trường tự do thì tình trạng bị tồn đọng, không bán được trong dịp Tết ở các siêu thị là không tránh khỏi”- Ông Phú nói.
Để kích cầu sức mua các nhà phân phối, siêu thị từ nhỏ đến lớn đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi. Năm nay hàng nội bày bán tại các siêu thị chiếm trên 80%.
“Thị trường xuất khẩu nhiều khó khăn, rồi chủ trương các siêu thị ủng hộ hàng nội. Hơn nữa do suy thoái kinh tế, người tiêu dùng tiết kiệm, chi tiêu dùng hàng nội. Đây là những lý do hàng nội chiếm tỷ trọng cao hơn, nhất là các mặt hàng thiết yếu như, bánh, kẹo...”- Ông Nguyễn Anh Điệp, Tổng Giám đốc Siêu thị Bài Thơ Rosa nói.
Theo Nguyễn Tú / Tiền Phong
Bình luận (0)