Hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp

31/05/2024 20:51 GMT+7

Hiện tỉnh Hải Dương có 258 điểm xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, phải xác định rõ chủ thể quản lý đất lâm nghiệp, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả quản lý, kiên quyết xử lý, tháo dỡ dứt điểm.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tính đến đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh tồn tại 268 điểm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông lâm trường và nhiều công trình vi phạm trên đất nông nghiệp thuộc TX.Kinh Môn và TP.Chí Linh.

Trong đó, có 89 công trình trên đất nông nghiệp, 179 công trình trên đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông lâm trường ở TP.Chí Linh do Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương quản lý. Các công trình này đã xây dựng từ lâu, chủ yếu là nhà tạm, lán trại để chứa dụng cụ, vật tư nông nghiệp cho hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Trên đất trồng cây ăn quả, một số hộ xây dựng nhà ở.

Tại TX.Kinh Môn, trong tháng 4, ông Nguyễn Ngọc Chiến (trú tại xã Quang Thành) đã phải tự nguyện tháo dỡ hệ thống công trình đồ sộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích hơn 5.000 m2.

Công trình nhà ở của ông Chiến được xây dựng từ đầu năm 2020. Sau khi phát hiện gia đình ông Chiến đào móng, xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, UBND xã Quang Thành đã phạt hành chính 4 triệu đồng và yêu cầu ông Chiến khôi phục lại tình trạng của đất. Tuy nhiên, ông Chiến tiếp tục sử dụng thùng container lắp đặt 2 tầng.

Hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp- Ảnh 1.

Công trình xây dựng trái phép của ông Nguyễn Ngọc Chiến thời điểm chưa phá dỡ

C.T.V

Ông Chiến còn lắp dựng nhà ở bằng gỗ xoan 2 tầng, diện tích khoảng 140 m2. Ngoài ra, ông Chiến xây dựng công trình phụ dài 12 m, rộng 4 m, cao 2,5 m có kết cấu móng, tường xây gạch chỉ, mái lợp tôn và một số công trình phụ trợ khác như lán để xe, chòi uống nước, bể cá koi, sân cổng...

Tại xã Quang Thành có gần 100 công trình khác xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp, 80 công trình xây dựng trái phép trên hành lang thủy lợi.

Cũng trong tháng 5, UBND TP.Chí Linh đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý vi phạm hành vi xây dựng công trình trái phép tại P.Cộng Hòa và P.Hoàng Tiến. Theo đó, trong thời gian qua, một số hộ dân làm nhà kiên cố trên đất nhận khoán của Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương giao sử dụng trồng cây lâu năm thuộc địa bàn 2 phường trên.

UBND TP.Chí Linh đã giao UBND P.Cộng Hòa và Hoàng Tiến chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra.

Hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp- Ảnh 2.

Công trình vi phạm xây dựng trái phép trên đất rừng của gia đình các ông Nguyễn Đại Thắng, ông Phan Thành Hòa, ông Phạm Quốc Đôn

C.T.V

Kết quả kiểm tra, xác minh, hộ ông Đỗ Văn Thi nhận khoán đất trồng cây ăn quả với Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương tại lô 11 khoảng 4, tiểu khu 5 thuộc khu dân cư Tân Tiến (P.Cộng Hòa, TP.Chí Linh). Năm 2019, ông Thi xây dựng công trình trái phép với diện tích 146,06 m2. Ông Thi đã bị UBND TP.Chí Linh xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay chưa chấp hành.

Ngoài ra, còn có các hộ gia đình ông Nguyễn Đại Thắng, ông Phan Thành Hòa, ông Phạm Quốc Đôn (cùng ở khu dân cư Tiên Sơn, P.Cộng Hòa), ông Dương Hoài Bắc (ở khu dân cư Tân Tiến, P.Hoàng Tiến, cùng TP.Chí Linh) nhận khoán đất trồng cây ăn quả và đất rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương quản lý đều xây dựng trái phép với diện tích từ 68 m2 đến 130 m2.

Các hộ gia đình này đều đã bị chính quyền xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả, đã và đang chấp hành việc tháo dỡ, trả lại hiện trạng.

Trước tình trạng xây dựng công trình trái phép tràn lan trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngày 29.5, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, nhấn mạnh cơ quan chức năng phải xác định rõ chủ thể quản lý đất lâm nghiệp, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, ông Bản yêu cầu các cấp chính quyền phải có phương án xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với những vi phạm phát sinh từ khi luật Lâm nghiệp có hiệu lực (từ năm 2019 đến nay), phải kiên quyết xử lý, tháo dỡ dứt điểm.

Còn các vi phạm cũ, xây dựng từ lâu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND TP.Chí Linh và TX.Kinh Môn rà soát, phân loại vi phạm, việc phân loại căn cứ theo quy định của pháp luật trong thời gian còn hiệu lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.