Hàng trăm giảng viên chinh phục 'nóc nhà thế giới', được xác lập kỷ lục Việt Nam

20/01/2025 18:28 GMT+7

352 cán bộ, giảng viên đã hoàn thành việc chinh phục 25 đỉnh núi trong và ngoài nước, trong đó có 'nóc nhà thế giới' Everest và đỉnh núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro. Hoạt động này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam vào ngày 18.1.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho biết từ tháng 3 đến hết tháng 12 năm 2024, có 352 cán bộ, giảng viên và nhân viên khối giáo dục FPT đã lần lượt tham gia chương trình "Lên ngàn - Làng giáo chinh phục 25 đỉnh cao" trong và ngoài nước, trong đó có "nóc nhà thế giới" Everest và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Hàng trăm giảng viên chinh phục 'nóc nhà thế giới', được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 1.

Các cán bộ, giảng viên, nhân viên chinh phục thành công Everest Base Camp

ẢNH: T.V

Chương trình này đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục dựa trên tiêu chí "Chương trình chinh phục 25 ngọn núi, đỉnh cao của Việt Nam và thế giới trong một năm có số lượng cán bộ, giảng viên và nhân viên tham gia nhiều nhất".

Theo ông Tùng, trong số các hành trình chinh phục 25 đỉnh núi, có những hành trình thách thức ngay cả với dân leo núi chuyên nghiệp, như trại nền "nóc nhà thế giới" Everest Base Camp, hay đỉnh núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro, hay ngọn núi lửa nổi tiếng và cũng là đỉnh cao thứ hai tại Indonesia – Rinjani.

Hàng trăm giảng viên chinh phục 'nóc nhà thế giới', được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 2.

Niềm vui chinh phục đỉnh núi của các cán bộ, giảng viên

ẢNH: T.V

Ngoài những đỉnh cao nổi tiếng thế giới, cán bộ, giảng viên của đơn vị này cũng chinh phục những đỉnh núi trong nước, từ Bắc vào Nam như Fansipan, Tà Xùa, Ngũ Chỉ Sơn, Tà Năng Phan Dũng...

"Từ năm 2019 đến nay, khối giáo dục FPT đã tổ chức chương trình leo núi tập trung trong cùng một khoảng thời gian nhất định, với sự tham gia của toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên. Gần đây nhất, tháng 11 năm 2024, khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn quốc đã tham gia leo núi trên tinh thần tự nguyện, được hướng dẫn các nguyên tắc an toàn khi và có sự đồng hành, hỗ trợ của các hướng dẫn viên bản địa, chuyên gia tổ chức hoạt động leo núi".

Tiến sĩ Tùng cho rằng thông qua hoạt động này, các cán bộ, giảng viên, nhân viên có cơ hội nâng cao sức khỏe, gắn kết mối quan hệ. Ngoài ra, với những đặc trưng của leo núi, một hoạt động đòi hỏi cả về thể chất và tinh thần, người tham gia có thể tự rèn luyện tinh thần bền bỉ, vượt qua những giới hạn của bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.