Giáo viên bấn loạn vì lo điều chuyển
Mấy ngày nay, hàng trăm giáo viên trên địa bàn TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đứng ngồi không yên trước quyết định luân chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng khó đang được triển khai rộng rãi khắp các trường công lập.
TP.Hạ Long lần đầu tiên lên kế hoạch luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi sang vùng khó |
N.H |
Ghi nhận thực tế nhiều trường học cho thấy, tâm lý của thầy cô đều muốn được ở lại. Bởi có người sau hàng chục năm công tác với đủ thành tích, hoặc từng cống hiến tại xã vùng cao ở địa bàn của tỉnh Quảng Ninh, nay với quyết định trên thì lại tiếp tục phải đưa ra bình xét một lần nữa.
Đến lớp với tâm trạng đầy lo lắng, cô giáo Nguyễn Thị C. (trú tại P.Hồng Hải, TP.Hạ Long) cho biết. Chị là nguời đã từng có thời gian công tác tại xã vùng cao H.Ba Chẽ, những tưởng giờ sẽ được “an cư lạc nghiệp” công tác ở thành phố nhưng ai dè đến nay, chị lại tiếp tục trong diện bị xem xét điều chuyển đến xã vùng cao.
“Thời gian công tác của tôi trước đây không được tính đến, nhà trường chỉ tính đến thời điểm ban hành quyết định văn bản. Nếu phải đi làm xa nhà hàng chục cây số nữa sẽ gây đảo lộn cuộc sống gia đình. Đây là điều không chỉ bản thân tôi mà ngay cả các đồng nghiệp cũng không mong muốn”, cô C. bày tỏ.
Cũng trong tâm trạng đầy bức xúc, cô Nguyễn Thị L. (P.Hồng Hà, TP.Hạ Long) cho biết, đã đứng trên bục giảng hơn 10 năm qua, thậm chí có cả bằng khen giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng khi đem ra bình xét, tiêu chí chuyên môn không được tính đến mà chỉ dựa vào hoàn cảnh gia đình.
“Nhiều thầy cô có thâm niên từ 10 - 20 năm, tích lũy từ thực tiễn nơi mình công tác, quanh năm gắn bó với trường, lớp coi đó như ngôi nhà thứ 2. Tuy nhiên, năm nào cũng phải canh cánh nỗi lo luân chuyển khiến mọi người không yên tâm công tác. Năm học mới vừa bắt đầu, chúng tôi thuộc diện luân chuyển khiến tâm trạng rối bời không yên tâm dạy học”, cô L. chia sẻ.
Theo nhiều ý kiến của các giáo viên trên địa bàn TP.Hạ Long, họ đồng tình với chủ trương luân chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng khó. Thế nhưng việc luân chuyển phải thật sự khách quan, công bằng và phù hợp với thực tế cuộc sống của từng người.
Để tìm cách ở lại, những ngày này, khi hết giờ học, nhiều giáo viên phải đi xin đủ loại chứng thực: chồng công tác tại biên giới, hải đảo, nuôi bố mẹ, con ốm đau hay xin bệnh án điều trị…
Đi hay ở chờ... bốc thăm
Theo UBND TP.Hạ Long, ngày 8.10, địa phương này có văn bản số 331/TCNV gửi tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc luân chuyển giáo viên. Cụ thể, ngành giáo dục Hạ Long đợt này sẽ luân chuyển 15 giáo viên mầm non, 23 giáo viên tiểu học, 8 giáo viên THCS.
Nhiều giáo viên chưa đồng thuận với kế hoạch luân chuyển lần này |
N.H |
Triển khai thông báo trên, vừa qua, các trường trên địa bàn đã giao cho các tổ bộ môn họp bàn và lựa chọn ra 4 thầy cô nằm trong danh sách luân chuyển. Tuy nhiên khi đem ra lựa chọn, không có nhiều thầy cô tự nguyện xin luân chuyển mà phần lớn ai cũng muốn tìm mọi cách để ở lại.
Sau khi "cân lên đặt xuống" mà mãi vẫn chưa chọn được ai, Ban giám hiệu một số trường đã tổ chức...bốc thăm để quyết định việc "đi - ở".
Bà Hoàng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (P.Hồng Hà, TP.Hạ Long), cho biết đơn vị này sẽ phải lên danh sách lựa chọn ra 4 cô giáo để gửi lên Phòng Giáo dục đào tạo TP.Hạ Long xem xét. Quá trình lựa chọn ai đi hay ở đều diễn ra công khai, minh bạch.
“Ban giám hiệu sẽ xem xét kỹ lưỡng việc đi hay ở và phải có ý kiến trực tiếp của từng người trong tổ chuyên môn, đặc biệt là người được chọn đi tăng cường cho năm nay. Nhà trường đang khuyến khích các cô giáo trẻ, có tinh thần xung phong lên vùng khó. Ai có hoàn cảnh khó khăn, không phù hợp nhà trường sẽ có ý kiến để cấp trên cân nhắc”, bà Hoa nói.
Tương tự như vậy, tại Trường Tiểu học Quang Trung (P.Hồng Hải, TP.Hạ Long), Ban giám hiệu trường này dự kiến chuẩn bị cuộc bốc thăm để lựa chọn giáo viên nào phải đi vùng khó trong đợt này.
Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại TP.Hạ Long cho rằng, qua lấy ý kiến của các giáo viên trong ngành giáo dục thì địa phương này nên luân chuyển giáo viên theo bán kính nơi ở của mỗi người, hoặc từng bước chuyển đến vùng cao.
“Đây là lần đầu tiên giáo viên ở khu vực trung tâm Hạ Long lên vùng cao nên tâm lý chị em hoang mang là khó tránh khỏi. Nói gì thì nói, một người ở thành phố bỏ con lên xã vùng cao không phải ai cũng thích nghi được ngay, nên ngành giáo dục địa phương cần xem xét cấp độ nơi đến sao cho phù hợp”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, khẳng định việc luân chuyển giáo viên đến vùng khó là chủ trương đúng. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý, các thầy cô khi đã dạy ổn định ở trường nào, nhất là khi đã lập gia đình và sinh sống tại địa phương đó thường không muốn luân chuyển. Chính vì vậy quá trình triển khai, phải làm tốt công tác tư tưởng và có những chính sách ưu đãi để thầy cô yên tâm công tác.
Trong khi đó, một lãnh đạo của UBND TP.Hạ Long cho biết, địa phương này mới chỉ giao xuống các trường rà soát và chưa nhận được danh sách chính thức. Tuy nhiên, việc chốt danh sách luân chuyển giáo viên đến vùng khó sẽ được công bố trong thời gian tới.
“Tất cả làm vì cái chung, làm vì sự tiến bộ của ngành giáo dục chứ không có chuyện lợi ích ở đây. Trách nhiệm của các hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục là phải giải thích, tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên trong diện phải luân chuyển. Chúng ta cũng phải nghĩ tới cho cả những thầy cô đã hết thời gian đi nghĩa vụ, họ cũng cần được quay về thành phố. Hơn nữa, có cả một hội đồng để xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp. Không ai điều chuyển người đau ốm, nuôi con nhỏ, neo đơn. Mọi quyết định đều được cân nhắc kỹ và phù hợp”, vị này cho biết.
Bình luận (0)