Xe

Hàng trăm hộ dân thấp thỏm bên cây cầu cũ nát

13/07/2017 08:28 GMT+7

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) phải qua lại trên chiếc cầu sắt xuống cấp và mất an toàn .

Địa giới hành chính xã Thắng Thủy nằm ở 2 bờ sông Chanh Dương. Để nối liền giao thông trong xã, nhiều cây cầu bằng bê tông đã được xây dựng trên con sông này. Tuy nhiên, tại thôn Chanh Chử 2, bao năm nay vẫn tồn tại một cây cầu bằng sắt đang xuống cấp nghiêm trọng. Cầu dài 21 m, rộng 2 m, mặt cầu chằng đụp các miếng vá là các tấm tôn xếp chồng lên nhau. Nhiều đoạn do mối hàn kém đã bật lên, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua cầu. Phần mặt cầu phía ngoài ít được sửa chữa nên mỏng dính, thủng lỗ chỗ. Lan can cầu gần như không còn công dụng vì han gỉ và đã rụng rời khỏi mặt cầu.
Theo ông Phạm Văn Thuấn, Trưởng thôn Chanh Chử 2, cây cầu này có từ 40 năm trước. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, đến năm 1994 thì được làm lại bằng sắt. Từ đó đến nay, cầu chưa một lần được nâng cấp, khi nào sàn cầu thủng thì lãnh đạo thôn thuê người hàn lại. “Cây cầu này có rất nhiều người qua lại. Nó là lối đi ngắn nhất của hàng trăm hộ dân thôn Chanh Chử 1, Chanh Chử 2, Chanh Chử 3 khi ra cánh đồng làng. Học sinh cấp 1 và cấp 2 trong xã cũng chủ yếu đi qua cây cầu này để đến trường”, ông Thuấn nói.

tin liên quan

Cây cầu nguy hiểm nhất thế giới
(Tin Nóng) Trên thế giới có rất nhiều cây cầu nguy hiểm, một trong số đó là cây cầu Kuandinsky nằm ở vùng Trans-Baikal, thuộc khu vực Siberia của Nga.
Theo chị Tống Thị Xuân (45 tuổi, ngụ tại thôn Chanh Chử 2), khoảng 10 năm trở lại đây, cầu bắt đầu xuống cấp, gây ra nhiều vụ tai nạn. Nhiều trâu, bò qua cầu đã bị gãy chân do sập mặt cầu, thậm chí lọt xuống sông. Cách đây hơn một tuần có một phụ nữ ngụ tại thôn Chanh Chử 3 đi xe đạp qua cầu bị hụt bánh, ngã gây chấn thương khá nặng.
Vào những ngày mưa bão, chính quyền xã phải cử người ra cầu gác, yêu cầu người dân đi vòng lối khác vì sợ cầu sập. Ông Phạm Văn Tốt, Chủ tịch xã Thắng Thủy cho biết, cầu sắt đã xuống cấp từ nhiều năm, cần thay thế, tu sửa. “Chúng tôi cũng rất lo về điều này. Bỏ cầu thì không được vì đây là lối đi chủ yếu của bà con trong xã, nhưng để xây lại cầu thì cần tới 1 tỉ đồng và xã không có kinh phí. Khoản này xã không thể thu xếp từ nguồn ngân sách. Với khả năng của xã thì chỉ có thể sửa, vá những lỗ thủng thôi. Chúng tôi đang kêu gọi xã hội hóa để xây lại cây cầu này”, ông Tốt nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.