CẤP PHÉP TẬN THU CÁT NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC BÁN
Nghịch lý nói trên diễn ra gần 2 năm qua, từ ngày 22.3.2023 khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 2096/UBND-TL (VB 2096), yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nạo vét các lòng hồ thủy lợi, thủy điện ngừng tự bán cát, sỏi tận thu ra thị trường với lý do tài nguyên, khoáng sản thu được là tài sản của nhà nước.

Cát không bán được, doanh nghiệp không có nguồn thu trả lương cho nhân viên, còn máy móc nằm hoen gỉ
ẢNH: LÂM VIÊN
Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư PITC Lâm Đồng (PITC), cho biết gần 2 năm qua, mọi hoạt động của DN đều "đứng bánh". Đơn vị được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép nạo vét phòng chống bồi lắng, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi làm vật liệu xây dựng trên lòng hồ thủy điện Đa Nhim (H.Đơn Dương). Tuy nhiên, từ ngày VB 2096 ra đời, DN không thể tiếp tục nạo vét do các bãi chứa đã quá tải, hơn 40.700 m3 cát chưa bán được. "Cứ sau một trận mưa lớn cát lại trôi xuống lòng hồ, gây lãng phí tài nguyên trong khi các công trình trên địa bàn tỉnh phải đi mua cát, sỏi từ tỉnh khác về khiến giá cát cao hơn nhiều lần", ông Thành chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Đắc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi, cho hay công ty được tỉnh Lâm Đồng cấp phép nạo vét lòng hồ thủy điện Đạ Khai (H.Lạc Dương) và hồ thủy lợi Pró (H.Đơn Dương). Để khai thác cát, công ty mua sắm tàu bè, máy móc; đầu tư trang thiết bị, trạm cân theo đúng quy định. Thế nhưng, từ khi có VB 2096, hơn 10.000 m3 cát đã khai thác không thể bán ra thị trường; tàu bè, máy móc nằm chỏng chơ, gỉ sét rất lãng phí.
Còn đại diện Công ty TNHH Đại Cát (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) cho hay để được cấp phép nạo vét lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2, DN đã bỏ ra chi phí cho đơn vị tư vấn lập hồ sơ hơn 1,2 tỉ đồng; đầu tư mua sắm tàu, máy móc khoảng 1,8 tỉ đồng, chưa kể thuê nhân công nạo vét; quản lý, bảo vệ khoáng sản… Tuy nhiên, từ khi có VB 2096, cát không được bán, không có nguồn thu trả lương cho nhân viên, máy móc hoen gỉ.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có hơn 10 DN khác chung tình cảnh được cấp phép nạo vét cát nhưng không được bán, cát chất thành núi gây lãng phí nghiêm trọng.
Tình trạng này khiến gần 2 năm qua, nhiều DN, công ty xây dựng ở Lâm Đồng phải sang các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk… mua cát về xây dựng, sản xuất bê tông hoặc bán lẻ ra thị trường. Đơn cử, hơn một năm qua, Công ty cổ phần Khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng phải mua cát từ Ninh Thuận, Đắk Lắk…, tốn thêm chi phí vận chuyển. Do đó, giá thành cát xây dựng tăng cao so với các tỉnh.
Ngoài ra, việc DN dừng nạo vét khiến các hồ thủy điện, thủy lợi bị bồi lắng trở lại, dung tích hồ chứa bị thu hẹp...
Xung quanh nghịch lý này, ông Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho hay: "Từ khi VB 2096 ra đời, người dân và các DN ở tỉnh Lâm Đồng chịu nhiều thiệt thòi và quá khổ. Có thể minh chứng, do khan hiếm cát, sỏi nên giá bê tông tươi ở Lâm Đồng tăng vọt lên 1,9 triệu đồng/m3, trong khi Khánh Hòa, các tỉnh miền Trung chỉ 1,3 triệu đồng/m3; Bình Thuận chỉ 1,2 - 1,5 triệu đồng/m3, ở Đồng Nai, TP.HCM chỉ 1,4 - 1,5 triệu đồng/m3... Chưa kể vì không bán được cát, sỏi nên tỉnh cũng bị thất thu ngân sách".
LOAY HOAY TÌM PHƯƠNG ÁN
Trước nghịch lý nói trên, các DN khai thác cát trên địa bàn có đơn gửi các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị cho phép tạm thời đăng ký thu hồi khối lượng cát, sỏi và bùn đất từ hoạt động nạo vét cục bộ phòng chống bồi lắng bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhưng chưa được chấp thuận.

Cát ở Lâm Đồng chất thành núi nhưng các đơn vị xây dựng, người dân phải qua tỉnh lân cận mua cát khiến giá tăng vọt
ẢNH: LÂM VIÊN
Tháng 7.2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ra nhiều văn bản chỉ đạo các sở TN-MT, Tài chính, Công thương, Tư pháp và UBND các huyện, thành phố tham mưu, đề xuất phương án bán đấu giá khối lượng cát, sỏi thu được từ lòng hồ để nộp ngân sách nhà nước. Năm 2024, tỉnh tiếp tục có các văn bản đốc thúc tổ chức đấu giá khối lượng cát, sỏi… không để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, gây khan hiếm vật liệu xây dựng và thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Thế nhưng, từ đó đến nay, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Lâm Đồng vẫn loay hoay chưa tìm ra phương án để tổ chức bán đấu giá lượng cát khổng lồ này.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tịnh, Phó chủ tịch UBND H.Đơn Dương, cho biết: "Tất cả các hồ sơ liên quan đã triển khai xong, huyện thuê đơn vị tư vấn xác định trữ lượng, đánh giá chất lượng cát nhưng chưa xác định được giá cát khởi điểm để đấu giá. Huyện đã trình Sở Tài chính Lâm Đồng, chờ hướng dẫn nhưng sở vẫn đang nghiên cứu".
Ông Tịnh cho biết thêm theo quy định phải lấy 3 đơn giá của các đơn vị trong tỉnh, nhưng hiện trong tỉnh không còn hầm cát nào hoạt động, nếu lấy giá ngoài tỉnh thì không phù hợp. Tương tự, lãnh đạo các huyện Lạc Dương, Đức Trọng cho rằng vì các mỏ khai thác cát đều bị tạm ngưng hoạt động nên khó xác định được giá cát trên thị trường. Các huyện đều sốt ruột chờ hướng dẫn từ Sở Tài chính để thực hiện đấu giá cát, sỏi.
Một lý do khác là các sở và chính quyền các địa phương không tìm ra quy định có tính pháp lý nào về việc bán đấu giá khoáng sản tận thu thông qua việc nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi.
TỰ LÀM KHÓ MÌNH
Trở lại nguồn cơn sự việc, ngày 21.2.2023, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng có báo cáo số 76/BC-STNMT căn cứ điểm b, khoản 1 điều 31 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP (Nghị định 23) quy định: UBND tỉnh tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước, cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng ra VB 2096 nói trên, yêu cầu các DN nạo vét các lòng hồ thủy lợi, thủy điện ngừng tự bán cát, sỏi tận thu ra thị trường. Khối lượng khoáng sản này phải được thu hồi để các cơ quan nhà nước bán đấu giá, nộp ngân sách. Kinh phí các DN đầu tư máy móc, nhân công, nhiên liệu… phục vụ nạo vét lòng hồ do chủ hồ phải trả, ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi phí này.
Trong đơn kiến nghị, tập thể DN được tỉnh Lâm Đồng cấp phép nạo vét cục bộ, thu hồi cát, sạn... trong các hồ thủy lợi, thủy điện, cho rằng đối chiếu luật Khoáng sản, luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định 23, Văn bản 3179 ngày 8.6.2022 của Bộ TN-MT, thì hoạt động nạo vét cục bộ, kết hợp thu hồi cát, sạn... trong phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh không thuộc vùng nước đường thủy nội địa của tỉnh nên không thuộc đối tượng đấu giá theo Nghị định 23.
Liên quan đến việc chậm đấu giá cát, sỏi tận thu này, ông Nguyễn Văn Trãi, quyền Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản giao cho UBND các huyện, thành phố liên quan tổ chức đấu giá. Do đó, các huyện cần thuê tư vấn thẩm định giá cát khởi điểm.
Trong khi đó, ngày 5.2 vừa qua, bà Bùi Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng, cho biết bà chưa nhận được kiến nghị của các huyện về việc đấu giá cát, sỏi tận thu từ hồ thủy điện, thủy lợi... "Tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu có kiến nghị, Sở Tài chính sẽ giải quyết và hướng dẫn các địa phương", bà Mai nói.
UBND tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản chỉ đạo các sở Tài chính, TN-MT, Công thương, Xây dựng và các địa phương khẩn trương thực hiện việc đấu giá cát (đã khai thác) để tháo gỡ khó khăn, nhưng các sở rất chậm chạp, gây phiền toái cho DN và người dân. Tại sao các tỉnh lân cận họ làm được mà Lâm Đồng không làm được? Tại sao các DN và người dân Lâm Đồng phải qua các tỉnh lân cận mua cát về xây dựng, trong khi cát ở Lâm Đồng chất đống? Điều này cho thấy lỗi quản lý nhà nước, tự mình làm khó mình.
Ông Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Bình luận (0)