Hàng trăm ngàn người được sơ tán an toàn: Quân đội vào cuộc

26/12/2017 07:45 GMT+7

Hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn Gia Định, các đại đội và phòng ban trực thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM xuống Cần Giờ giúp dân phòng tránh và khắc phục hậu quả khi bão đổ bộ vào địa bàn.

* Hơn 4.000 du khách bị kẹt lại đảo Phú Quốc
Dân Cà Mau liều mình vượt sông trở về nhà sau bão Tembin
Tại H.Cần Giờ (TP.HCM), tính đến chiều qua, đã có 4.926 người được sơ tán đến nơi an toàn; 503 căn nhà được chằng chống; toàn bộ phương tiện hoạt động trên sông, biển của huyện (1.059) đã được hướng dẫn vào bờ neo đậu an toàn... Đặc biệt, lực lượng tham gia phòng chống thiên tai lên đến 2.000 người, trong đó có hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn Gia Định, các đại đội và phòng ban trực thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM xuống Cần Giờ giúp dân phòng tránh và khắc phục hậu quả khi bão đổ bộ vào địa bàn.
Thượng tá Tăng Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM, xuống Cần Giờ chỉ huy lực lượng quân đội tăng cường cho biết: “Ngoài hơn 100 cán bộ chiến sĩ, còn 200 dân quân ở các khu vực trọng yếu trên địa bàn huyện. Bộ Tư lệnh TP cũng điều hàng chục xe quân sự chở quân, xe cứu thương, xe cẩu, xe cứu hộ chuyên dụng xuống ứng trực tại Ban Chỉ huy quân sự huyện”.
Trung tá Lê Thành Trung, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự H.Cần Giờ, cho biết: Từ chiều 24.12, lực lượng cơ động gồm 60 người do quân đội làm nòng cốt đã sang xã đảo Thạnh An giúp dân, sẵn sàng khắc phục hậu quả cơn bão. Trong ngày 25.12, tổ công tác gồm 15 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Gia Định tới bệnh viện huyện chằng chống nhà cửa.
Tại Bình Thuận, sáng 25.12, Lữ đoàn tên lửa bờ 681, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đã cử hơn 30 cán bộ, chiến sĩ cơ động về thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gia cố bờ bao giúp nhân dân phòng chống cơn bão số 16. Trong hơn 4 giờ, cán bộ chiến sĩ và nhân dân địa phương đã đóng hơn 1.700 bao cát, gia cố hơn 1 km bờ bao.
Sáng 25.12, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cử 40 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương cơ động, vận chuyển hơn 30 thuyền, ghe của dân lên bờ an toàn chằng buộc chặt chẽ để tránh trú bão an toàn.
* Bên cạnh đó, đến tối qua, hơn 4.000 du khách bị mắc kẹt tại huyện đảo Phú Quốc, trong đó có gần 2.200 khách quốc tế. Để đáp ứng phòng nghỉ cho du khách bị kẹt lại, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã huy động mọi nguồn lực, tận dụng tất cả phòng, tạo mọi điều kiện, sắp xếp bố trí cho du khách có chỗ nghỉ, đặc biệt là không lợi dụng tình hình này để tăng giá. Các quán ăn dự trữ thực phẩm, bán đúng giá niêm yết. Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang, lực lượng công an, quân sự... đã giúp di dời hơn 38.000 hộ dân với gần 200.000 người đến nơi an toàn; giúp người dân vùng U Minh Thượng thu hoạch nhanh hơn 20.000 ha lúa, tôm và di dời khoảng 2.800 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển về nơi tránh trú bão an toàn.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết việc di dời người dân đã được tạm ngưng từ 16 giờ ngày 25.12. Tuy nhiên, những hộ dân ở vùng trọng điểm ven sông, ao, hồ, nơi có nguy cơ sạt lở các địa phương vẫn phải di dời ra vùng an toàn. Người dân di dời vào các trụ sở nhà nước đều được phục vụ ăn uống, không trường hợp nào được quay về nhà. Lúc 18 giờ 50 ngày 25.12, ông Lê Văn Phong, Chủ tịch H.Côn Đảo, cho hay trên địa bàn huyện trời mưa to và gió lớn dần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.