Hàng trăm nghìn tỉ đầu tư cảng biển Thanh Hoá, Hải Phòng, Khánh Hoà

07/10/2021 19:16 GMT+7

Với tổng mức đầu tư dự kiến đến năm 2030 lên tới hơn 300.000 tỉ đồng để đầu tư các cụm cảng lớn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ đề xuất cơ chế đặc thù, “trải thảm” thu hút nhà đầu tư.

Tại hội nghị trực tuyến công bố về quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều 7.10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, quy hoạch cảng biển cùng với quy hoạch đường bộ được Thủ tướng phê duyệt sớm nhất.

Quy hoạch ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Đặc biệt, nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỉ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

mai hà

Để thu hút vốn đầu tư, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ để kêu gọi “trải thảm” các nhà đầu tư rót vốn xây dựng các cảng biển, giúp tạo ra đột phá về kinh tế - xã hội. Ngành giao thông cũng đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng ký ban hành để nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo “sân chơi” cho nguồn vốn xã hội hóa.

Cụ thể, ông Thể cho biết, việc thực hiện quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính.

Cụm cảng số 1 sẽ tập trung nâng cấp hệ thống cảng biển Hải Phòng. Đưa cảng Lạch Huyện trở thành cảng phục vụ riêng hàng container. Cảng Đình Vũ - sông Cấm được tiếp tục duy trì, phục vụ khu công nghiệp tại khu vực. Hàng rời, hàng lỏng, hàng khí, định hướng sẽ chuyển về khu vực nam Đồ Sơn, Văn Úc.

Riêng đối với khu bến nam Đồ Sơn, Văn Úc, đây là điểm đột phá tại quy hoạch lần này. Khu bến được quy hoạch, hình thành không chỉ thúc đẩy sự phát triển các khu/cụm công nghiệp phía nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà sẽ là động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển ở cả tỉnh Thái Bình tiếp giáp. Hạ tầng kết nối với khu vực cảng biển phía bắc tới đây cũng sẽ thuận lợi hơn khi có đường Vành đai 4 Hà Nội và hệ thống đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa dọc sông Hồng.

Cụm cảng tiềm năng thứ 2 là Thanh Hóa. Với lợi thế có cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn đang phát triển mạnh cùng một loạt các dự án giao thông đã và sẽ nghiên cứu triển khai như cao tốc Bắc -Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có thể kết nối với cảng biển, các cảng tại Thanh Hóa và khu vực bắc Trung bộ hoàn toàn có tiềm năng đột phá.

Cụm cảng biển thứ 3 là Đà Nẵng với lợi thế kết nối gần nhất với Nam Lào, Bắc Campuchia, kết nối ngã 3 Đông Dương qua Thái Lan. Cùng với CHK quốc tế Đà Nẵng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, cụm cảng Đà Nẵng sẽ là động lực kinh tế, thu hút đầu tư phát triển vùng.

Thứ 4 là cụm cảng biển Khánh Hòa với khu vực Vân Phong có lợi thế tự nhiên vô cùng thuận lợi với độ sâu luồng đến -17 m, -18 m, có thể làm cảng cửa ngõ lớn nhất Việt Nam. Để phát triển cụm cảng này, một đường cao tốc nối Vân Phong kết nối vùng Tây Nguyên xuống Vân Phong, Khánh Hòa sẽ là khu vực tiềm năng phát triển cụm cảng, từng bước biến khu vực thành vùng động lực của Tây Nguyên.

Thứ 5, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng được kỳ vọng kỳ vọng rất lớn thời kỳ này với cơ hội rộng mở khi một loạt các dự án đường cao tốc đang được xem xét triển khai như: Biên Hòa - Vũng Tàu; đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành qua Bình Dương, Bình Phước, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Cụm cảng biển số 6 là cảng Trần Đề. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có CHK quốc tế Cần thơ, có đường thủy phát triển, có hệ thống đường bộ nhưng chỉ có cảng Cái Cui, năng lực tiếp nhận tàu hạn chế. Hàng hóa khu vực muốn xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ phải về TP.HCM và Cái Mép -Thị Vải, chi phí vận tải quá lớn.

Vì vậy, quy hoạch xác định sẽ nghiên cứu, hình thành cảng Trần Đề cùng với cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau cộng với CHK quốc tế Cần Thơ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ được công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.