|
Tháng 4.2012, PC45 nhận được đơn tố cáo về việc bà Mỹ lừa đảo 215 người, bằng hình thức hứa đưa đi XKLĐ sang Úc rồi chiếm đoạt tài sản. Sau khi thu thập chứng cứ, PC45 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
“Đi Úc hái nho, lương 3.000 USD/tháng”
Qua điều tra, PC45 xác định ngày 27.8.2008, trong lúc ăn đám giỗ tại nhà em dâu là Nguyễn Thị Hạnh (xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu), Mỹ khoe với nhiều người rằng có quen biết một nông trại ở bên Úc, cần nhân công để hái nho với mức lương 3.000 USD/tháng. Nếu ai có nhu cầu đi lao động Mỹ sẽ lo giúp, chi phí khoảng 13 triệu đồng/người. Thủ tục đơn giản, không cần đòi hỏi tay nghề, sức khỏe, mỗi người chỉ cần một bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương.
Nghe vậy, chị Nguyễn Thị Kiều (em ruột chị Hạnh, ngụ ấp Bình Chánh, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) về rủ thêm 12 người thân đóng cho Mỹ 169 triệu và nộp các giấy tờ liên quan để đi XKLĐ. Dù 13 người chưa rời VN như thỏa thuận, nhưng đến tháng 7.2009, Mỹ tiếp tục “tuyển dụng” lao động đi Úc (chi phí tăng lên 25 triệu đồng/người). Lần này, chị Kiều rủ thêm 11 người, là bạn bè thân thiết gom góp được 275 triệu đồng, đưa cho Mỹ. Cũng như lần trước, Mỹ đưa ra nhiều lý do để “hoãn binh”.
Đến cuối năm 2009, nghe lời Mỹ, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (chị ruột Kiều - ngụ cùng ấp Bình Chánh) rủ thêm 75 người góp được 450 triệu đồng đưa cho Mỹ để đi XKLĐ...
Theo PC45, ngoài 99 người do chị em Kiều, Oanh giới thiệu, qua xác minh, Mỹ trực tiếp đứng ra nhận tiền của 116 người khác. Tổng cộng, Mỹ nhận gần 2 tỉ đồng của các nạn nhân.
Qua xác minh tại nơi cư trú, Công an xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) xác định Nguyễn Thị Mỹ cùng gia đình đã bỏ đi khỏi địa phương từ cuối năm 2011, hiện không rõ đang ở đâu. Bước đầu, CQĐT nhận định Mỹ là mắt xích liên đới đến những tổ chức môi giới XKLĐ và móc nối với các đối tượng xấu để lừa đảo.
Tin vì thấy xã xác nhận
Một số nạn nhân kể: Do chờ đợi lâu mà không được đi XKLĐ, cuối năm 2010, nhiều người tìm đến nhà Mỹ đòi lại tiền. Tại đây, Mỹ trưng ra lá thư từ Sydney của Công ty Sinton Spence 762 nông trường nho ghi ngày 15.12.2010, với nội dung: “Do tình hình kinh tế thế giới đột biến, đô la Úc tăng, thị trường Úc ổn định, đời sống dễ thở hơn so với các nước trong khu vực nên dân nhập cư trái phép sang Úc tăng nhiều, hầu hết họ đến các nông trường, do vậy nên chính phủ Úc ra thông báo tạm dừng đưa công nhân sang Úc đối với 85 doanh nghiệp”.
Để tạo lòng tin cho các nạn nhân, Mỹ còn viết giấy cam kết với nội dung: “Xin cam kết với toàn thể 215 công nhân. Đến ngày 10.7.2011, là ngày sau cùng được phép xuất cảnh sang Úc, đến nông trường 762 (nông trường nho, thuộc Sydney - Australia). Nếu không sẽ trả lại tiền”. Tiếp đó, Mỹ ra UBND xã Bình Lợi nhờ chứng thực.
Điều đáng nói, dù biết Mỹ không có chức năng tổ chức tuyển dụng XKLĐ, đưa người đi nước ngoài, nhưng ông Võ Văn Tòng, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, vẫn ký tên, xác nhận chứng thực cam kết này (!). Thấy có dấu mộc đỏ và xác nhận của UBND xã, nhiều người đã tin tưởng chờ đợi.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 4.8, ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu, cho biết đã chỉ đạo UBND xã Bình Lợi báo cáo toàn bộ vụ việc để có hướng xử lý.
Cảnh giác với thông tin lừa đảo Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trước đây lừa đảo XKLĐ chỉ tập trung chủ yếu vào thị trường Hàn Quốc, nhưng gần đây lại rộ lên ở thị trường Nga, Bồ Đào Nha, Úc, New Zealand, Canada... “Bộ LĐ-TB-XH chỉ cấp phép thí điểm cho 1 doanh nghiệp đưa lao động sang Bồ Đào Nha làm việc trong ngành nông nghiệp. Nhưng trong tháng 7, Cục đã tạm dừng cấp phép. Cục chưa từng cấp phép cho doanh nghiệp đưa lao động phổ thông sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Úc. Đây là thị trường đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt. Họ không tiếp nhận lao động phổ thông, nên thông tin tuyển lao động đi Úc hái nho là lừa đảo”, ông Hải khẳng định. Theo ông Hải, đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà con nông dân. Sử dụng chiêu bài tung các “chân rết” xuống từng địa phương, thông qua các mối quan hệ anh em, họ hàng để mời chào đi XKLĐ. “Thủ đoạn của các cò mồi bao giờ cũng “ngon ngọt”, thường rỉ tai người bị hại nào là hợp đồng tốt, lương cao, nhàn nhã, công việc an toàn...”, ông Hải chia sẻ. Ngoài chiêu bài trên, gần đây các đối tượng lừa đảo XKLĐ còn trắng trợn công khai đăng tin tuyển dụng trên mạng... Trước tình hình trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động khi nhận được thông tin tuyển chọn hoặc có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số ĐT 043.8249517; Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH): 043.7346093-97; Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước: 043.9366633; hoặc truy cập website www.dolab.gov.vn để biết thông tin chi tiết về các thị trường lao động; danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; danh sách các hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định cho phép thực hiện... Thu Hằng |
Kim Cương - Lê Lâm
>> Lừa xuất khẩu lao động gần 7 tỉ đồng
>> Bắt giam kẻ lừa xuất khẩu lao động và du học
>> Bắt giám đốc lừa xuất khẩu lao động
>> Phát hiện thêm một "cò" lừa xuất khẩu lao động
Bình luận (0)