Hàng triệu du khách Trung Quốc thúc đẩy thanh toán di động

23/01/2019 07:07 GMT+7

Chỉ trong vài năm, thanh toán di động đi sâu vào cuộc sống của người dân Trung Quốc đến mức nhiều cửa hàng ở các địa điểm du lịch hấp dẫn nước ngoài cũng phải áp dụng công nghệ này.

CNBC trích cuộc khảo sát mà hãng Nielsen công bố hôm 21.1 cho biết 3/4 siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Singapore, Malaysia và Thái Lan hiện chấp nhận thanh toán di động Trung Quốc. Khoảng 71% cửa hàng miễn thuế và hàng xa xỉ ở những nước này cũng áp dụng phương thức thanh toán thông qua thiết bị di động.
Hai cái tên thống trị mảng thanh toán di động là Alipay của Ant Financial, chi nhánh của Alibaba và WeChat Pay của Tencent, gắn liền với ứng dụng nhắn tin Trung Quốc WeChat. Alipay là đơn vị đồng phát hành báo cáo khảo sát 1.244 điểm bán hàng và 2.806 người Trung Quốc. Khảo sát được thực hiện vào mùa thu năm 2018.
“Cùng với nhu cầu ngày càng cá nhân hóa và phức tạp của du khách Trung Quốc, việc cải thiện phạm vi thanh toán di động toàn cầu là dự án dài hạn với các điểm bán hàng”, Andy Zhao, chủ tịch Nielsen China, cho biết.
Thông báo chấp nhận thanh toán bằng Alipay tại một cửa hàng ở Thượng Hải Ảnh: Reuters
Thái Lan dự kiến là điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến nhất với du khách Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán, theo trang web đặt chỗ du lịch Ctrip. Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Mỹ cũng thuộc top 10 điểm du lịch hot nhất với khách Trung Quốc. Khoảng 7 triệu người Trung Quốc sẽ du lịch trong dịp nghỉ tết.
Từ các quầy bán hàng rong cho đến cửa hàng bách hóa cao cấp, thanh toán di động khuấy đảo Trung Quốc. Nhiều chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp, tình hình thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ không phổ biến và độ thâm nhập của điện thoại thông minh giúp người dân Trung Quốc có thói quen quét mã QR và trả tiền qua điện thoại bất kể tuổi tác. Khối lượng giao dịch tăng vọt từ khoảng 5.000 tỉ USD năm 2016 lên 16.000 tỉ USD quý 1/2018, theo báo cáo do Hillhouse Capital công bố.
Vì du khách Trung Quốc có thói quen trả tiền qua điện thoại, nhiều cửa hàng ở nước ngoài phải nhanh chóng thích nghi. Trong các cửa hàng ở Singapore, Malaysia và Thái Lan chấp nhận trả tiền bằng ứng dụng thanh toán di động của Trung Quốc, 88% cửa hàng áp dụng công nghệ này trong hai năm qua. 40% cửa hàng được khảo sát ghi nhận số lượng người Trung Quốc đến mua sắm tăng.
Tỷ lệ sử dụng ứng dụng thanh toán di động Trung Quốc tại một số nước trên thế giới Ảnh: Nielsen
Báo cáo cũng cho biết có khoảng 60% hoặc hơn số người Trung Quốc chia sẻ rằng họ sử dụng thanh toán di động trong chuyến đi gần nhất đến Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức hoặc Ý. Nhìn chung, dù ngày càng nhiều khách Trung Quốc thanh toán di động thay vì thanh toán bằng tiền mặt trong năm 2018, thẻ ngân hàng vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất.
Nhận được sự ủng hộ từ nước ngoài không đồng nghĩa với việc các ứng dụng Trung Quốc sẽ sớm “cất cánh”. Đơn cử, Alipay yêu cầu người dùng có số điện thoại và tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc để sử dụng dịch vụ. Công nghệ thanh toán hoạt động ở nước ngoài thông qua nhiều đối tác doanh nghiệp và cửa hàng địa phương, chẳng hạn như First Data ở Bắc Mỹ.
Hệt như việc nhiều cửa hàng hạng sang thuê nhân viên nói tiếng Hoa để phục vụ du khách Trung Quốc, ngày càng nhiều điểm đến du lịch cảm thấy cần phải chấp nhận Alipay hoặc WeChat.
Ngay cả khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, kỳ vọng 7 triệu khách du lịch ngoại quốc dịp tết năm nay cũng tăng nhẹ so với dự báo năm ngoái là 6,5 triệu người. Nielsen cho hay các du khách đến từ thành phố lớn Trung Quốc chi bình quân 6.006 USD cho mỗi chuyến du lịch đến châu Âu, tăng so với mức 472 USD năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.