Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 đến giữa tháng 10 năm nay, VN đã chi hơn 655 triệu USD (tăng 42% so cùng kỳ) để nhập rau củ quả và dự báo đến hết năm nay, VN bỏ ra 1 tỉ USD để nhập rau củ quả từ nước ngoài. Dù là nước nông nghiệp, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu ngô (bắp) lên tới hơn 1,2 tỉ USD; đậu tương 510 triệu USD; cao su 495 triệu USD… Đối với mặt hàng nông thủy sản, VN nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc (TQ). Chẳng hạn, rau củ quả, giá trị hàng nhập khẩu từ TQ từ đầu năm đến nay lên tới 147 triệu USD, so với 97 triệu USD cùng kỳ; nhập thủy sản 45 triệu USD; cao su 36 triệu USD… Tuy nhiên, Thái Lan mới là thị trường cung cấp nông thủy sản lớn nhất cho VN. Chỉ riêng hàng rau quả nhập đến 290 triệu USD; 16 triệu USD ngô; 14 triệu USD hàng thủy sản…
Giá nhập siêu rẻ
|
|
Khảo sát của chúng tôi tại các chợ bán lẻ và đầu mối ở khu vực phía nam vào những ngày cuối tuần qua cho thấy, giá chanh giấy và chanh không hạt của Bến Tre là 35.000 đồng/kg, trong khi chanh TQ được đổ đống tại chợ bán 10.000 - 12.000 đồng/kg; hành tím Bình Thuận giá 20.000 đồng/kg, hành tím TQ 15.000 đồng/kg; hành tây Đà Lạt 22.000 đồng/kg trong khi hàng TQ loại này chỉ 12.000 đồng/kg nếu mua số lượng nhiều. Tương tự, gừng Đắk Lắk giá 30.000 đồng/kg còn gừng TQ củ to, màu nhạt chỉ có giá nửa số đó.
Cần “chuẩn an toàn” cho hàng nhập
|
|
Chuyên gia nông nghiệp, GS-TS Nguyễn Quốc Vọng nhận xét: Hàng TQ được nhập qua đường mậu biên, giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm và cạnh tranh trực tiếp với hàng cùng chủng loại trong nước vẫn đang là điều nhức nhối với ngành nông sản thực phẩm. Trong khi ở chiều ngược lại, TQ cũng là thị trường xuất khẩu nông sản khá lớn của VN so với các thị trường xuất khẩu nông sản khác. “Tuy nhiên, họ luôn có hai chính sách. Thứ nhất là nhập công khai, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của quốc tế và hàng Việt chịu nhiều sức ép, rất khó chen chân vào kênh này. Đặc biệt, gần đây, nhiều doanh nghiệp TQ đã yêu cầu công ty xuất khẩu VN phải cung cấp các chứng từ xác nhận doanh nghiệp nằm trong danh sách đã được Bộ NN-PTNT đăng ký gửi cho phía TQ mới được thông quan hàng, đã gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Thứ hai, xuất chủ yếu qua mậu biên, tiểu ngạch. Như vậy, với hàng nông sản nhập khẩu từ TQ, muốn cạnh tranh tốt, khâu kiểm soát phải làm thật kỹ”, ông Vọng phân tích.
Giải pháp để tránh việc sản xuất thừa, nhập khẩu vẫn tăng, nhiều chuyên gia cho rằng gia tăng hàng rào kỹ thuật là giải pháp tối ưu nhất. “Việc để hàng kém chất lượng, không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí độc hại tuồn vào VN chủ yếu từ phía kiểm soát của chúng ta. Nếu ta làm nghiêm phần này, dựng hàng rào kỹ thuật như các nước trong khu vực làm thành công với hàng TQ giá rẻ, kém chất lượng, chắc chắn lượng rau củ quả giá rẻ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt khó có cửa để đổ vào ồ ạt như hiện nay”, TS Vọng nêu quan điểm. Cụ thể hơn, GS-TS Vọng cho rằng trước mắt, tối thiểu VN cần áp tiêu chuẩn “Gap cơ bản” đối với hàng nông sản nhập khẩu. “Theo chuẩn VietGap được xây dựng, có 65 điểm kiểm soát bao gồm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và an toàn lao động... Tuy nhiên, chuẩn VietGap được áp dụng với nhà nông Việt còn quá khó khăn, nên Bộ NN-PTNT đã ban hành chuẩn “GAP cơ bản”, giảm xuống còn 26 điểm kiểm soát, tập trung chính yếu là an toàn thực phẩm. Với hàng nông sản nhập từ TQ, áp được “GAP cơ bản” này một cách nghiêm túc thành công đã là quá tốt”, GS-TS Vọng nhấn mạnh.
Bình luận (0)