Hàng vạn người dân sơ tán tránh bão

04/11/2017 04:51 GMT+7

Bão số 12 đổ vào khu vực từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Từ chiều tối qua, nhiều tỉnh nam Trung bộ đã có mưa to. Các tỉnh đã tiến hành sơ tán hàng chục ngàn người dân.

Mức độ rủi ro chỉ sau thảm họa
Chiều 3.11, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó bão số 12 và mưa lũ sau bão cùng các địa phương từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, bão số 12 được dự báo là cơn bão rất mạnh, gây mưa lớn trên diện rộng. “Mức độ rủi ro lúc này là cấp 4, chỉ sau thảm họa”, ông Cường cảnh báo.
Cảnh báo nguy cơ ở các hồ đập
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, lúc 22 giờ ngày 3.11, tâm bão số 12 cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 200 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (từ 115 - 135 km/giờ), giật cấp 15. Dự báo, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 14 - 17 km. Đến 10 giờ sáng nay (4.11), tâm bão nằm ngay trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, ở khu vực dự báo có mưa lớn do ảnh hưởng bão số 12 đang có nhiều hồ chứa xung yếu. Các địa phương phải sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn trong những ngày tới. (P.Hậu)

Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết quân khu đã huy động hơn 44.000 chiến sĩ, 450 ô tô các loại, 427 ca nô... sẵn sàng cơ động giúp dân. “Trên địa bàn quân khu có 618 hồ đập, có nhiều hồ đập nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Các địa phương cần chủ động có phương án an toàn cho dân ở vùng hạ lưu”, thiếu tướng Đức thông tin.
Phó thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ ngành, lực lượng chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra, không chỉ tập trung đối phó với bão mà phải có phương án đối phó sau cơn bão. Nhiệm vụ số 1 là đảm bảo an toàn cho người dân. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại tàu thuyền, bằng mọi cách phải vào bờ tránh trú sớm nhất. Các địa phương cần rà soát kỹ phương án sơ tán, đến nửa đêm 3.11, đảm bảo không còn dân ở khu vực nguy hiểm; những hộ không sơ tán sẽ bị cưỡng chế sơ tán. Đề nghị các tỉnh phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch đang trú trong các khách sạn.
Trước đó chiều 3.11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tình hình và chỉ đạo phòng chống bão số 12 ở tỉnh Phú Yên.
Di dời hàng vạn người dân trong đêm
Chiều 3.11, ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã huy động lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ về các khu dân cư ven biển, giúp người dân phòng chống bão số 12. Đến 18 giờ ngày 3.11, lực lượng chức năng đã kêu gọi, vận động di dời hơn 6.000 người dân ở 15 khu dân cư ven biển đến các trường học, trạm y tế, các nhà dân kiên cố... để tránh bão. UBND tỉnh Ninh Thuận có thông báo các trường học, cơ sở giáo dục được nghỉ vào ngày 4.11.
Người dân ở Ninh Thuận chằng chống nhà cửa đề phòng bão số 12 vào đất liền
Tại Khánh Hòa, số lượng dân cần sơ tán là 45.848 người. UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo lực lượng chức năng hoàn thành công tác sơ tán dân vào 18 giờ cùng ngày. Tỉnh đã yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch thông tin cho du khách về tình hình bão và có biện pháp bảo đảm an toàn.
Tại Bình Định, từ chiều 3.11 đã có mưa to. Các gia đình ở những vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, triều cường đã tự sơ tán đến nơi an toàn. Sáng 3.11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan, địa phương dừng họp để lo ứng phó bão, lũ. Các trường cho học sinh nghỉ học từ ngày 4.11.
Lực lượng vũ trang giúp người già, tàn tật tại các vùng ven biển ở Ninh Thuận đến khu vực an toàn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết tỉnh có kế hoạch di dời dân cư tại 35 điểm với 35.209 nhân khẩu khi có bão đổ bộ trực tiếp, đồng thời sẽ di dời 94 điểm dân cư với 8.452 hộ/35.658 nhân khẩu tại các địa phương khi xảy ra lũ. Các lực lượng vũ trang đã chuẩn bị sẵn sàng sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tại H.Tuy Phong, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện, cho biết tất cả các xã ven biển đã lên phương án di dời dân.
Chiều tối 3.11, UBND xã Thạnh An (H.Cần Giờ, TP.HCM) triển khai sơ tán gần 700 người dân sống ở các khu vực nguy hiểm đến các trường học kiên cố trên địa bàn xã. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngoài lực lượng tại chỗ của xã Thạnh An thì lực lượng công an, bộ đội biên phòng, y tế thuộc H.Cần Giờ đã có mặt ở đảo để hỗ trợ công tác phòng chống bão số 12.
Còn tàu cá trong vùng nguy hiểm
Ngư dân P.Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận kéo thuyền thúng lên bờ, tránh bão

Tối 3.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định cho biết còn 22 tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm. Trưa 3.11, tàu SAR 274 đã tiếp cận, đưa 13 thuyền viên trên tàu cá BĐ 98079 TS bị hỏng hộp số về cảng Nha Trang (Khánh Hòa).
Tại Ninh Thuận, còn 1 tàu cá (7 ngư dân) hoạt động tại khu vực DK1 chưa liên lạc được.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến tối 3.11 vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá (29 ngư dân) ở vùng biển Trường Sa.
Tưởng niệm nạn nhân bão Linda
Sáng 3.11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân chết và mất tích trong bão Linda xảy ra cách nay 20 năm. Tham dự buổi lễ có ông Phạm Bạch Đằng, Phó bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các ban ngành cùng hơn 300 đại diện gia đình các nạn nhân tử nạn trong bão.
Bão Linda xảy ra chiều 2.11.1997 quét qua nhiều tỉnh thành của Nam bộ, trong đó Cà Mau bị thiệt hại nặng nhất về người và của: 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; hơn 160.000 căn nhà, cơ sở vật chất khác bị sập, tốc mái và hư hỏng..., thiệt hại hơn 2.700 tỉ đồng.
Gia Bách
Đã có người chết và mất tích
Theo lãnh đạo TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa), mưa lũ ngày 2.11 đã làm 3 người trên địa bàn mất tích, gồm Vũ Quốc H. (16 tuổi, trú P.Ninh Đa), Lương Công Đ. (17 tuổi, trú xã Ninh Quang), Võ Đình H. (24 tuổi, trú xã Ninh Ích). Đến cuối giờ chiều 3.11, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể Quốc H. và Đình H., đồng thời đang nỗ lực tìm kiếm Công Đ.
Tại huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) có một người chết do bị nước lũ cuốn trôi khi qua suối. Nạn nhân là ông Phạm Văn Hiệu (53 tuổi, ở tổ Gò Tung, thôn Làng Mạ, xã Ba Tô). (Nguyễn Chung - Hiển Cừ)
Cho học sinh nghỉ học để tránh bão
Ngày 3.11, Bộ GD-ĐT gửi công điện tới các Sở GD-ĐT, trường ĐH và CĐ Sư phạm từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và các tỉnh Tây nguyên về phòng chống bão số 12. Căn cứ tình hình thực tế, các sở cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, thực hiện sơ tán giáo viên và học sinh khi có yêu cầu. Với các trường bị thiệt hại nặng chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn, cần bố trí nơi học tạm cho học sinh để đảm bảo chương trình, kế hoạch thời gian năm học 2017 - 2018. (H.Ánh - B.Thanh)
Hủy nhiều chuyến bay đến Cam Ranh, Đà Lạt
Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JPA) dự kiến điều chỉnh kế hoạch khai thác tại các sân bay Cam Ranh, Đà Lạt sáng 4.11 và sẽ bay bù phù hợp trong ngày 5.11. VNA sẽ hủy 8 chuyến giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cam Ranh (gồm VN9556, VN9561, VN1557, VN7554, VN1944, VN1945, VN1344, VN9351); hủy 2 chuyến giữa TP.HCM và Đà Lạt (gồm VN1380, VN1381). JPA cũng điều chỉnh lịch khai thác, giờ cất hạ cánh một số chuyến bay theo diễn biến của bão số 12 nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế tối đa ảnh hưởng đi lại của hành khách. (M.Khanh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.