Hàng Việt bị 'soi'

03/05/2021 07:24 GMT+7

Không chỉ có thép không gỉ cán nguội, ống đồng, lốp bánh xe, hạt nhựa... đến nay, xi măng, mật ong của Việt Nam cũng đối diện các vụ kiện chống bán phá giá. Hàng Việt ngày càng bị 'soi' ở các thị trường xuất khẩu.

Mật độ kiện điều tra ngày càng dày

Chưa bao giờ hàng hóa xuất khẩu xuất xứ Việt Nam dễ bị “dính vào những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế… như lúc này. Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào cũng có thông tin hàng Việt bị kiện. Mới đây, một mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam là mật ong đã bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá. Vụ việc được khởi xướng bởi Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux.
Đây là lần đầu tiên mật ong Việt đối diện nguy cơ áp thuế phòng vệ thương mại. Theo Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam (Bộ Công thương), đây có lẽ là vụ điều tra phòng vệ thương mại thứ 3 mà Mỹ áp với các nước (Mỹ từng điều tra chống bán phá giá mật ong Trung Quốc, điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mật ong Argentina năm 2001). Lần này, ngoài Việt Nam, Mỹ cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá mật ong từ 4 quốc gia khác là Argentina, Brazil, Ấn Độ và Ukraine.
Cũng trong tháng 4, mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Việt Nam cũng bị Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia áp thuế chống bán phá giá từ 7,81 - 23,84%. Vụ việc này được phía Malaysia khởi xướng điều tra từ cuối tháng 7.2020 trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất thép nội địa. Kế đó, một số sản phẩm xi măng của nước ta cũng bị Philippines tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Từ 3 năm trước, một số mặt hàng xi măng từ Việt Nam đã bị các doanh nghiệp (DN) xi măng lớn của nước này “nhòm ngó”, khi sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines tăng liên tiếp. Trong tháng 3, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng ra thông báo khởi xướng điều tra rà soát kỳ cuối để gia hạn áp biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu, trong đó có một số mặt hàng thép tấm cán nguội, ống thép đúc, thép mạ, thép tấm không gỉ... từ Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, ngay trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19, Việt Nam lại dính vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Tính hết năm 2020, đã có 201 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỉ USD kim ngạch và hàng chục nghìn DN xuất khẩu. Trong đó, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, chiếm 45% vụ việc trong năm 2020 (5 vụ chống bán phá giá, 2 vụ chống lẩn tránh thuế và 1 vụ chống trợ cấp). Thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, chiếm 13%; thứ 3 là EU chiếm 9%; còn 20% từ các thị trường khác.

Lo mất việc, mất thị phần thì... kiện

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích, các mặt hàng bị kiện hoặc đối diện nguy cơ kiện thường chiếm kim ngạch rất lớn ở nước sở tại. Chẳng hạn, mật ong của Việt Nam chiếm gần 26% tổng kim ngạch nhập khẩu mật ong của Mỹ. Có khoảng 12 DN sản xuất và xuất khẩu mật ong Việt Nam được nguyên đơn “gọi tên” trong hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá lần này. “Chính nguyên đơn thừa biết nghề nuôi ong lấy mật vốn rất phát triển tại Việt Nam và có từ lâu đời. Tuy nhiên, trong xu thế Mỹ đang trừng phạt nhiều thị trường lớn vì bán hàng giá rẻ vào Mỹ, khiến sản xuất trong nước khó khăn, nạn thất nghiệp tăng…, nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn vào nước này đều chịu chung cảnh ngộ, không riêng gì con cá, hũ mật ong của Việt Nam. Với mặt hàng xi măng của Philippines cũng vậy, DN gửi hồ sơ kiện đang chiếm 70% thị phần xi măng tại nước này. Lo mất việc làm, lo thị phần giảm, lo khó cạnh tranh nổi… đều dẫn đến kiện cáo để mong chính phủ sở tại bảo hộ. Nói thế để hiểu rằng, mỗi khi chúng ta sản xuất và kinh doanh trong tâm thế minh bạch mọi thứ, từ nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu, đến việc sử dụng lao động, đầu tư nhà xưởng… rõ ràng, chuyên nghiệp và thuyết phục, không có gì phải đáng ngại với các vụ kiện thế này. Ngược lại, nắm thông tin yếu, sơ sài, làm việc dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp… thì rất dễ bị thua và áp thuế cao”, ông Chinh nhận định.
Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp khá nhiều DN, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc thuế thấp, kể cả hàng nông sản, thủy sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã tiến hành điều tra, áp thuế chống bán phá giá… đối với hàng hóa từ các quốc gia khác như đường từ Thái Lan, thép chữ H từ Malaysia… Đến hết năm 2020, có hơn 20 vụ việc Việt Nam khởi kiện hàng hóa từ nước ngoài, trong đó có 13 vụ kiện chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ và 1 vụ điều tra chống trợ cấp…
Chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét: “Cách đây 10 năm, chúng ta còn nói DN Việt bỡ ngỡ với các vụ kiện này. Giờ DN đã và đang có kinh nghiệm ứng phó. Thậm chí, các DN ngành thép, tôm, cá, dệt may… sau nhiều năm cứ miệt mài hồ sơ để tiếp các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ các nước, đã lập nguyên bộ phận pháp chế để làm việc với cơ quan điều tra thương mại các nước khi có yêu cầu.
Đó là cách làm chuyên nghiệp rất đáng trân trọng. Thế nhưng pháp luật về phòng vệ thương mại đến nay chỉ có DN lớn, đã từng kinh qua nhiều vụ kiện mới hệ thống được. Đa số DN nhỏ và vừa còn xem nhẹ bị kiện phòng vệ, thậm chí coi như việc của ai đâu, không phải của mình… Khi đã vào sân chơi FTA, phải tăng cường khả năng xử lý các vụ phòng vệ thương mại, bằng không, sẽ bị thua cuộc và thua dài dài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.