Hàng Xanh níu bước chân người

29/02/2020 08:05 GMT+7

Nếu từ Thị Nghè băng giao lộ đi qua cầu Sơn một chút là đến Bến xe Miền Đông , nơi từng đoàn xe chạy về miên man trung, bắc. Ngã tư Hàng Xanh đã bao đời “kết giao” với những dòng người nhập cư từ miệt ngoài...

Bánh mì, cháo trắng lá dứa

Hàng Xanh đêm. Lung linh bởi nhiều ánh đèn cao áp, nhịp điệu sống sôi động hơn cả cách đây hơn 20 năm, khi tôi còn trọ ở khu nhà gần Bến xe Miền Đông. Chợt nhớ một chuyện nhỏ của riêng mình vào năm 1985, đã từng lang thang “chạm mặt” với ngã tư này, lúc ánh đèn còn vàng vọt lắm.
Khi ấy, còn là sinh viên năm thứ 2 ở Huế, một ngày hè ba tôi cho đi miền Nam một chuyến. Từ Định Quán (Đồng Nai), sau khi đã biết nhiều nơi của miệt đất miền Đông trù phú, trở về Sài Gòn trên chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than, hai cha con tôi đi thẳng về Bến xe Miền Đông ở lại để mua vé xe ra miền Trung.
Cũng đêm ấy, Sài Gòn chớm mùa mưa. Khi đã ngớt hột, tôi vẫy bác xe ôm lang thang vòng quanh một chút. Chở tôi đến Thị Nghè, bác xe ôm trờ xe quay lại một đoạn, bảo: “Đây là ngã tư Hàng Xanh”, rồi sau đó đưa thẳng trở về bến xe, ngủ đêm trong sảnh ga nghe đủ thứ thanh âm lộn xộn và luôn bất ổn của một bến xe thời bao cấp.
Nhưng trước đó, tôi cũng cố thu vào tầm mắt một ngã tư đã vào đêm, ít người xe nhộn nhịp, để lưu dấu một điều là mình đã đến được cửa ngõ phía đông thành phố này. Vậy mà đã 35 năm qua!
Hàng Xanh, những năm ấy vốn nổi tiếng với đặc sản bánh mì. Ai qua đây mà chẳng mua lấy vài ba ổ đem về làm quà. Bánh mì Hàng Xanh được dựng từng giàn hai bên vệ đường, ổ mì to bằng bắp chân, dài đến hơn nửa mét. Mùi thơm đặc trưng và giòn lâu, nhưng khi đã dịu thì để đến một hai ngày không cứng.
Theo thời gian, những quán bánh mì lộ thiên dần hết, nhưng quán cháo trắng lá dứa ăn kèm với cá cơm chiên, thì đến nay vẫn tồn tại. Hai thứ đặc sản này như chứng nhân gần gũi với những giai đoạn khó khăn thăng trầm của đất nước. Bánh mì kiểu Hàng Xanh, lúc ấm no thì đã vãn bởi người mua dần ít. Nhưng vị lá dứa thơm lừng trộn lẫn trong tô cháo trắng bán từ lúc chiều cho đến đêm, thì vẫn hiện diện ở các góc ngã tư và nhiều người vẫn còn có dịp thưởng thức. Dạo còn ở trọ gần đó, tôi vẫn thường ghé lót dạ mỗi đêm về...

Chợ... thanh vắng

Có một khoảng thời gian khiến báo giới tốn không ít giấy mực là dạo ở Bình Thạnh xây dựng ngôi chợ Văn Thánh. Ngôi chợ này vốn có từ lâu đời trên một khoảnh đất gần cầu Văn Thánh. Một ngày, có dự án xây dựng ngôi chợ khang trang ở đây, to đùng nằm ở gần cửa ngõ thành phố, ý chừng để người ra kẻ vào ghé đến mua bán. Nhưng rồi sau khi xây dựng xong, khánh thành đã qua 1 năm, 2 năm và nhiều năm, chợ vẫn đìu hiu. Những sạp hàng vắng lặng và bà con tiểu thương dần dần bỏ sạp.
Sau đó, được đi nhiều nơi, không chỉ ở Sài Gòn mà các tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, tôi nhận ra một điều: ý chí của nhà quy hoạch rất ít khi làm thay đổi được tập quán và vị trí quen buôn bán được. Chợ Văn Thánh là một ví dụ điển hình, nên sau đó được nhiều người gọi đùa với cách nói lái, thành ra là chợ... thanh vắng!

Cầu Sài Gòn nhìn từ hướng Bình Thạnh

Bình Thạnh là một quận có lợi thế phát triển, nhiều nơi thuộc địa bàn quận rất sầm uất. Con đường Bạch Đằng, những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước, được đặt tên là Hàng Sanh (bởi con đường này được trồng rất nhiều cây sanh, một họ với các loại cây như đa, si...) vẫn bán buôn tấp nập. Cũng vì thế, nút giao thông quan trọng Hàng Xanh được lấy theo tên của ngã ba Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng ngày nay, nói trại đi thành Hàng Xanh, có lẽ theo cách phát âm của người miền Nam. Theo hướng Bạch Đằng, chạy về phía chợ Bà Chiểu, là một ngôi chợ lâu đời. Ở gần đó có Lăng Ông, vốn là nơi ghi ân đức Tả quân Lê Văn Duyệt, một vị danh tướng triều Nguyễn.
Cách đây 4 năm, khi tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập Q.Bình Thạnh (1976 - 2016), lãnh đạo chính quyền đã có một văn bản tổng kết, cho rằng Bình Thạnh đã rất nỗ lực để biến những vùng đất nghèo nàn, lụp xụp thành những khu vực khang trang.
“Từ một vùng đầm lầy với phân nửa số phường sản xuất nông nghiệp, nhà cửa lụp xụp, đường sá manh mún nay đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành những đô thị sầm uất. Có thể kể đến khu nhà ở Văn Thánh Bắc, khu nhà ở Đinh Bộ Lĩnh, khu dân cư Bình Hòa; các dự án khu bờ tây sông Sài Gòn, chung cư Miếu Nổi... Nhiều tuyến đường, cầu giao thông được đầu tư mở rộng như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng, cầu Bình Lợi, cầu vượt Hàng Xanh, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Thủ Thiêm...”, lãnh đạo quận cho biết.
Đáng chú ý, chiếc cầu thép vượt ngã tư Hàng Xanh dài 400 m từ lúc đưa vào sử dụng năm 2013 đến nay đã hóa giải biết bao ách tắc cho tình trạng giao thông ở khu vực này, bởi thế những dòng người xe qua lại hằng ngày đã bớt phần vất vả muộn phiền...

Vươn cao cùng năm tháng

Theo sử liệu, Bình Thạnh ngày nay vốn là trung tâm của tỉnh Gia Định xưa. Xa hơn nữa, vào khoảng đầu thế kỷ 19, ở đây có thành Phiên An, do Tả tướng quân Lê Văn Duyệt xây dựng, đến năm 1833 thì xong. Ông cũng là người từng 2 lần giữ chức Tổng trấn Gia Định vào thời nhà Nguyễn. Qua bao thăng trầm, kể từ khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định vào năm 1859, quan hộ đốc Vũ Duy Ninh lúc ấy giữ thành, không chống cự nổi nên sau 2 ngày bị công đánh thì thành vỡ, cho đến những năm tháng sau đó, dù sống với thân phận thuộc địa của ngoại bang, người dân xứ này vẫn luôn kiên cường gầy dựng nên một tính cách sống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau.
Nhìn ở góc độ địa lý, Bình Thạnh như một “dấu nối” quan trọng cho bao lớp cư dân khi quyết định đến Sài Gòn lập nghiệp, với lợi thế một phần quận được bao bọc bởi sông Sài Gòn. Ngõ đông của thành phố này vẫn là nơi đi lại và tụ hội của bao người. Còn nhớ vào năm 2005, tôi là người viết bài báo đầu tiên khi dự án tòa nhà Bitexco Financial (68 tầng với chiều cao 262 m) bắt đầu được khởi sự do kiến trúc sư người Mỹ Carlos Zapata thực hiện, với bản vẽ thiết kế búp hoa sen được xây dựng ở Q.1, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010. Lúc ấy, công trình được xem như một dấu mốc quan trọng của cảm hứng vươn cao ở thành phố phương Nam này. Nhưng rồi sau đó 8 năm, tòa nhà The Lanmark 81 tầng, cao nhất Việt Nam với 461 m, mọc lên như một “giấc mơ” do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư khánh thành năm 2018, lại nằm trong ranh giới hành chính của Bình Thạnh. Đi qua cầu Sài Gòn để vào ngã tư Hàng Xanh, mỗi khi về đêm trong ánh điện lung linh, có cảm giác tòa tháp ấy vươn cao uy nghi như một biểu tượng đón chào.
Nhiều năm đã qua, mỗi ngày đi qua miền đất Hàng Xanh ghi dấu bao biến thiên lịch sử, vẫn luôn có một ý nghĩ, như mình đang bước vào một ngôi nhà rộng lớn thênh thang. Có thể là đi bằng đường bộ, hay ngồi trên toa tàu hú còi vượt con sông rộng vào đến trung tâm Sài Gòn, quận cửa ngõ này vẫn mang một sứ mệnh đưa rước biết bao phận người. Để đến hoặc rời đi thì vẫn giữ hình ảnh của một thành phố năng động, mà tự ngày nào của 35 năm trước, tôi không thể hình dung được rằng mình sẽ đến và sống ở nơi này!
Q.Bình Thạnh nằm ở hướng đông TP.HCM, là điểm đầu mối của QL1A đi vào từ tỉnh Đồng Nai và QL13 đi vào từ hướng tỉnh Bình Dương, đồng thời cũng là cửa ngõ của tuyến đường sắt Bắc - Nam hướng vào Sài Gòn. Quận có sông Sài Gòn bao bọc một phần lớn và nhiều kênh rạch băng qua như kênh Thị Nghè, kênh Thanh Đa, rạch Cầu Bông, rạch Văn Thánh... Q.Bình Thạnh hiện có 20 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, trong đó phường 14 là trung tâm của quận. Theo số liệu thống kê tháng 4.2019, Q.Bình Thạnh có 499.000 người, mật độ 24.000 người/km2, diện tích tự nhiên 20,76 km2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.