Đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 3.2024, bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.Bình Tân trên đường Kinh Dương Vương nhộn nhịp người ra vào làm hồ sơ. Bên trong phòng máy lạnh, khoảng 30 người dân ngồi chờ gọi số thứ tự để nộp hồ sơ hoặc nhận kết quả.
XỬ LÝ NHANH, HƯỚNG DẪN NHIỆT TÌNH
Q.Bình Tân là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nên lĩnh vực nhà đất và cấp phép xây dựng luôn có số lượng hồ sơ nhiều nhất. Anh Võ Đại Đông, nhân viên Ngân hàng Sacombank chi nhánh Tân Phú, cho biết thường làm thủ tục đăng ký thế chấp, đăng bộ sang tên, cập nhật biến động cho khách hàng ở bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.Bình Tân.
Bấm số thứ tự làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản, anh Đông chờ chừng 15 phút thì tới lượt. Thành phần hồ sơ gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, hợp đồng thế chấp, đơn đăng ký giao dịch đảm bảo, thông tin pháp lý. "Các giấy tờ đó mình làm quen nên thấy đơn giản, còn người dân bình thường có thể sẽ hơi rối, chuẩn bị nhiều lần", anh Đông nói.
Thường xuyên làm hồ sơ tại nhiều địa bàn ở TP.HCM, anh Đông đánh giá Q.Bình Tân có nhiều hồ sơ nên phải chờ lâu, nhiều hôm phải chờ 30 phút mới tới lượt. Bù lại, thời gian tiếp nhận hồ sơ nhanh hơn các quận khác, chừng 5 phút là xong. Thời gian trả kết quả cũng đúng hẹn, như thủ tục đăng ký thế chấp trong vòng 1 ngày. "Chiều nay mình nộp thì chiều hôm sau quay lại nhận kết quả, lần nào cũng vậy. Công chức làm nhanh gọn lẹ, tốc độ xử lý hồ sơ nhanh, hướng dẫn nhiệt tình", anh Đông nhận xét.
Nếu hồ sơ của anh Đông phải nộp trực tiếp thì chị Nguyễn Thị Phương Nhiên làm hồ sơ cấp giấy phép xây dựng bằng hình thức trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia. Thành phần hồ sơ đơn giản gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ công trình và đơn đề nghị cấp phép xây dựng theo mẫu. Chị Nhiên dùng điện thoại chụp lại các giấy tờ trên, đăng nhập vào tài khoản dịch vụ công quốc gia rồi điền thông tin, đính kèm tập tin các biểu mẫu rồi gửi. Khi hồ sơ đủ điều kiện, chị Nhiên nhận được thông báo thanh toán trực tuyến, lấy biên nhận và hẹn 2 tuần sau đến nhận kết quả.
CHỌN NGƯỜI ƯU TÚ LÀM Ở BỘ PHẬN MỘT CỬA
Q.Bình Tân rộng hơn 5.200 ha với dân số hơn 820.000 người, gồm 10 phường, trong đó có 9 phường trên 50.000 dân. Ông Huỳnh Hữu Nam, Trưởng phòng Nội vụ Q.Bình Tân, cho biết từ tháng 1.2021, bình quân 1 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đang tham mưu nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực hiện các yêu cầu, phục vụ khoảng 2.300 người dân sinh sống trên địa bàn. Bởi vậy, nếu không tập trung cải cách hành chính (CCHC) thì khó đáp ứng được yêu cầu xử lý hồ sơ.
Trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ xác định 6 nội dung trọng tâm cải cách, gồm: thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công - xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Theo ông Nam, CCHC thì địa phương nào cũng triển khai theo kế hoạch chung nhưng Q.Bình Tân tập trung vào cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ vào điều hành. Trong năm 2023, các phòng ban chuyên môn và 10 phường đăng ký triển khai 39 sáng kiến.
"Nhiều đơn vị giãi bày có nhiều sáng kiến quá nên không biết làm gì thêm. Tuy nhiên, lãnh đạo quận đưa ra ý tưởng và đặt hàng để các đơn vị triển khai theo hướng giảm thời gian, giảm biểu mẫu, thủ tục, quy trình nội bộ không cần thiết", ông Nam chia sẻ. Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời tăng áp lực lên đội ngũ công chức thực hiện.
Với cách làm đó, nhiều phòng ban giảm được thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử như Phòng Quản lý đô thị giảm thời gian cung cấp thông tin quy hoạch từ 11 ngày còn 8 ngày, Phòng Y tế cấp thủ tục giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 20 ngày còn 14 ngày. Hay như Phòng LĐ-TB-XH giảm thời gian xử lý thủ tục đăng ký, thay đổi nội quy lao động từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Bảo hiểm xã hội và Công an quận cũng mở thêm điểm tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa Văn phòng UBND quận để người dân bớt phải đi lại nhiều nơi.
Trưởng phòng Nội vụ Q.Bình Tân cho biết số lượng hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa khá cao trong khi biên chế các quận giống nhau nên hầu hết nhân sự làm hết giờ chứ không hết việc. Xác định bộ phận một cửa giống như bộ mặt của chính quyền nên quận cử các nhân sự ưu tú, có trình độ, kỹ năng giao tiếp ra tiếp nhận, thụ lý hồ sơ. "Nhiều khi người dân đang bực, mình nói chuyện nhỏ nhẹ, gửi ly nước lạnh, phòng mát mẻ thì tâm trạng họ cũng thoải mái hơn", ông Nam chia sẻ.
KHÔNG CẢI TIẾN SẼ TỤT HẬU
Trong năm 2023, bộ phận một cửa Q.Bình Tân và 10 phường tiếp nhận và giải quyết hơn 261.000 hồ sơ, trong đó hơn 69% hồ sơ làm qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Hiện địa phương cũng đang tiếp tục duy trì việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày, kết quả đã giải quyết hơn 131.000 hồ sơ, 10 phường linh động trả kết quả ngay trong ngày trong trường hợp không cần xác minh đối với 3 thủ tục: kết hôn, khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân. Tính chung trong năm, tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước đạt 99,96%.
Năm 2023 cũng là năm thứ ba liên tiếp Q.Bình Tân dẫn đầu bảng xếp hạng CCHC khối quận, huyện tại TP.HCM. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá một số sở, ngành, địa phương luôn ở tốp cao với những cách làm rất riêng, sáng tạo. Theo ông, công tác CCHC của TP.HCM không có điểm kết thúc mà luôn được tiếp tục cải tiến và thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như yêu cầu phát triển của thành phố. Một đơn vị làm tốt CCHC, xếp ở thứ hạng cao nhưng nếu không tiếp tục đổi mới, cải tiến sẽ bị tụt hậu. "Các đơn vị thi đua với nhau thực chất để nhận lại phần thưởng là sự hài lòng, khen ngợi của người dân, doanh nghiệp, chứ không phải chỉ để đạt thứ hạng", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Một trong những mô hình mới giúp Q.Bình Tân dẫn đầu CCHC năm 2023 là ứng dụng sơ đồ Instagantt trong công tác theo dõi, chỉ đạo trong lĩnh vực đô thị, CCHC và chuyển đổi số trên địa bàn. Ứng dụng này hệ thống hóa các chỉ tiêu vào biểu đồ, lãnh đạo quận theo dõi tiến độ, phần việc nào chậm thì nhắc nhở, chấn chỉnh. Cũng nhờ vậy mà tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Q.Bình Tân năm qua đạt 100%, cùng với Q.Gò Vấp là 2 địa phương giải ngân tuyệt đối. "Thường trực UBND quận thấy dự án nào chậm giải ngân, vướng mắc ở đâu thì chỉ đạo tháo gỡ kịp thời ngay, kể cả biện pháp thay thế nhân sự", ông Huỳnh Hữu Nam nói thêm.
Hiện Q.Bình Tân đang vận hành 11 phần mềm hành chính phục vụ công tác chuyên ngành và 5 phần mềm ứng dụng phục vụ người dân và Trung tâm điều hành thông minh. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ hỗ trợ công tác điều hành của lãnh đạo mà còn giúp cán bộ, công chức xử lý và giải quyết hồ sơ nhanh hơn. (còn tiếp)
Bình luận (0)