Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, bên cạnh việc nhận thức chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go thì cần hoàn thiện các thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể gây thất thoát tài sản công. Cùng với đó là ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí, quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu.
Lãng phí tài sản công là một khía cạnh trong vấn nạn lãng phí của đất nước. Tại TP.HCM, lãng phí tài sản công đang tồn tại qua nhiều thời kỳ. Để nhận diện đầy đủ vấn đề lãng phí, trước hết lãnh đạo TP.HCM cần có báo cáo đánh giá và phân loại tất cả tài sản đang được giao quản lý tại các cơ quan trên địa bàn nhằm có giải pháp xử lý cho phù hợp.
Nhà đất công được giao cho rất nhiều đơn vị như văn phòng đại diện cơ quan T.Ư tại TP.HCM, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, hội nghề nghiệp, tập đoàn kinh tế - doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, Trung tâm phát triển quỹ đất, Quỹ phát triển đất, các tài sản đang quản lý nhưng chưa xác lập sở hữu nhà nước... Sau khi thống kê, đánh giá thực trạng, hiện trạng từng khu nhà, đất trên toàn TP.HCM thì chúng ta sẽ có phương án đề xuất sử dụng cho phù hợp để chống lãng phí.
Ở thời điểm hiện tại, việc quy trách nhiệm dẫn đến lãng phí tài sản là trụ sở, mặt bằng, nhà đất công bỏ trống trong thời gian qua sẽ không khả thi, bởi vì luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có quy định cụ thể về mức độ về lãng phí. Ngoài ra, còn có các yếu tố khách quan và chủ quan trong việc bỏ trống tài sản và cơ quan chức năng cũng không định lượng được mức độ lãng phí.
Thậm chí, những tài sản công lãng phí còn có nguyên nhân khác như thiếu quy định hay chủ trương giao thuê, thuê ngắn hạn, cho mượn, đặc biệt là đơn giá cho thuê, thời gian thuê. Từ đó, tài sản vô tình bỏ không và không thể xác định trách nhiệm cá nhân hay tổ chức. Do vậy, việc đánh giá tài sản và mức độ lãng phí là cần thiết trong thời gian tới.
Trên cơ sở phân loại tài sản đang quản lý, TP.HCM nên tập trung về các đầu mối quản lý, đất thì đưa về Trung tâm phát triển quỹ đất, nhà thì giao Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng quản lý. Đồng thời, địa phương có thể nghiên cứu lập sàn quản lý và giao thuê tài sản công một cách minh bạch để doanh nghiệp, người dân tìm hiểu. Mỗi mặt bằng cần nêu rõ quy mô, diện tích, mức độ cải tạo, đặc biệt là phải cam kết không chuyển dịch, điều chỉnh quy hoạch trong suốt quá trình thuê.
Để tránh lãng phí tài sản công, TP.HCM cần đánh giá lại tất cả tài sản công đã giao cho các đơn vị; đồng thời thanh tra, kiểm tra tổng thể việc sử dụng đúng mục đích hay không. Thậm chí, địa phương có thể xác định quy mô sử dụng của từng đơn vị để sắp xếp tài sản dôi dư, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, đồng thời thu hồi về cho thuê, góp phần tăng thu ngân sách. Các đơn vị có thể dựa vào bảng giá đất để xác định giá cho thuê rồi tổ chức đấu giá, đảm bảo công khai, minh bạch.
Từ nay đến năm 2025 cần rà soát, phân loại và đưa giải pháp cho từng nhóm, từng vị trí cụ thể, chưa đặt nặng vấn đề trách nhiệm để động viên cán bộ, công chức, viên chức tìm giải pháp tháo gỡ. Ở giai đoạn tiếp theo, vấn đề trách nhiệm cần cụ thể, nhất là người đứng đầu, bởi để tài sản lãng phí quá lâu mà không có biện pháp khắc phục.
Bình luận (0)