Chuyện chiếc xe bồn đâm nát 3 căn nhà ven quốc lộ 13, đoạn qua Bình Dương hôm 22.12, không phải chuyện hiếm, ngược lại còn khá phổ biến, suốt dọc các tuyến quốc lộ.
Các thông tin được đăng tải về các vụ tai nạn, đáng tiếc thường không nói rõ, những căn nhà ven quốc lộ bị tai nạn có đảm bảo các yêu cầu pháp luật về hành lang an toàn giao thông (cách 47 m đối với đường cao tốc; 17 m đối với đường cấp 1, cấp 2; 13 m đối với đường cấp 3; 9 m đối với đường cấp 4, cấp 5; 4 m đối với đường có cấp thấp hơn cấp 5) hay không? Nhưng từ thực tế có thể thấy, hầu hết các vụ tai nạn dạng này đều có nguyên nhân từ việc các yêu cầu về hành lang an toàn không được tuân thủ, nhà ở quá sát đường, không đảm bảo sự an toàn cần thiết.
Ai từng đi đường bộ dọc bắc - nam, suốt tỉnh này sang tỉnh khác đều thấy một hiện tượng giống hệt nhau, đó là nhà mặt tiền bám quốc lộ, tỉnh lộ. Thậm chí, rất nhiều trụ sở cơ quan chính quyền cũng bám mặt tiền. Đây có lẽ là tình trạng chỉ có ở VN, nó không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, vận tải mà thực sự đe dọa sự an toàn của những cư dân ven đường.
Việc làm nhà ở ngay trên hành lang đường bộ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, chẳng hạn như lấy lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, họp chợ; trên nhiều đoạn tuyến người dân còn biến đường thành “sân phơi” thóc, lúa, rơm rạ, nông sản, là bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng...
Tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ được cảnh báo trong rất nhiều cuộc họp về an toàn giao thông. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành cả một kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đến năm 2020. Tuy nhiên, thực trạng lấn chiếm chậm được giải quyết.
Nguyên nhân thường được cho là ý thức chấp hành pháp luật của người dân kém, là do tâm lý muốn “cận lộ” để làm ăn, buôn bán đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân...
Điều đó đúng nhưng chưa đủ, nguyên nhân chính yếu phải là sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng pháp luật, thiếu trách nhiệm từ chính quyền các cấp. Bởi lẽ, ý thức tuân thủ luật pháp của người dân, phụ thuộc phần nhiều vào thái độ ứng xử với luật pháp của cơ quan công quyền nói chung.
Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm hành lang an toàn giao thông đều đã rõ ràng, đầy đủ, nhưng chợ cóc họp trái phép ngay trước mắt UBND xã, rơm rạ phơi đầy quốc lộ không ai xử lý.
Việc giữ gìn bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ phải được coi là biện pháp quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông, cùng với nâng cấp hạ tầng, cải thiện phương tiện và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Chính quyền hãy thực sự vào cuộc vì sự an toàn tính mạng của người dân.
Bình luận (0)