Hạnh ngộ 'phụng trà' qua trang báo Thanh Niên

23/07/2023 06:18 GMT+7

Cách nhau gần 2.000 cây số, một người Việt 92 tuổi (TP.HCM) biết đến người Đài Loan 65 tuổi (H.Hoàng Su Phì, Hà Giang) qua trang viết trên Báo Thanh Niên. Và chỉ từ lá thư tay gửi đến tòa soạn báo, nhân vật người Đài Loan lặn lội vào TP.HCM, tìm đến hạnh ngộ người quan tâm mình với nhiều bất ngờ, cảm động.

"Tôi là Lưu Chí Nhân, trước là giáo viên tiểu học, thuộc Ty Tiểu học Gia Định, hiện ở nhà trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh. Tôi sanh năm 1931, nhờ ơn trời đất… tạm còn khỏe, theo tuổi già, thích uống trà…". Những dòng thư tay có đoạn như trên được gửi đến Tòa soạn Báo Thanh Niên. Bức thư được cụ Nhân viết sau khi đọc bài viết phỏng vấn nhân vật có tựa đề Từ Quốc An và một tình yêu trà Việt, mục đích bày tỏ ngưỡng mộ nhân vật người làm trà đến từ Đài Loan là Từ Quốc An, đồng thời muốn tìm mua loại trà mà ông An sản xuất, vì không tìm thấy trên thị trường.

Hạnh ngộ 'phụng trà' qua trang báo Thanh Niên - Ảnh 1.

Cuộc hạnh ngộ bất ngờ giữa hai nhân vật Từ Quốc An và Lưu Chí Nhân vào tháng 6.2022

Duyên hạnh ngộ

Bài phỏng vấn được thực hiện cách đây hơn 1 năm, đăng vào ngày 15.5.2022. Đến ngày 21.5.2022, đúng ngày Trà thế giới, tòa soạn nhận được thư tay của cụ Lưu Chí Nhân. Sau khi nắm nội dung thư, tòa soạn chuyển thông tin cho tác giả bài viết nhờ giải đáp thắc mắc chuyện mua trà. Tác giả bài viết, thực nhiều phần bất ngờ, bởi chuyện nhận thư tay nay không còn là phổ biến, càng ngạc nhiên hơn khi người viết thư đã ngoài 90 tuổi. Hỏi lại nơi ở cụ thể của cụ Lưu Chí Nhân thì nhận được hồi đáp là... tận Cà Mau.

Đem chuyện bức thư tay kể cho nhân vật Từ Quốc An, khi ấy vẫn đang trên vùng núi thuộc xã Tân Tiến, H.Hoàng Su Phì, ông đầy bất ngờ: "Có chuyện đó thật sao?". Rồi ông hỏi thêm người viết thư ngụ ở đâu? Khi biết ở tận Cà Mau, ông hỏi dồn: "Cà Mau có xa TP.HCM không?". Tôi bảo khá xa, đi mất gần ngày đường tính từ TP.HCM. Chẳng suy nghĩ lâu, ông bảo luôn: "Cậu sắp xếp giúp, tôi sẽ vào TP.HCM, xuống Cà Mau thăm ông cụ. Tôi nói cậu nghe, để một người tuổi ngoài 90 quan tâm đến mình, dù chẳng liên quan gì nhau, đấy là phúc đức. Cụ Nhân có thể nhờ con cháu gọi điện đến tòa báo, gọi điện đến xưởng trà, đằng này cụ đích thân viết thư. Tôi trong gia đình nay đã là đời thứ 6 làm trà, không tin có ngày mình nhận được phúc đến thế. Tôi sẽ mang các loại trà nghiên cứu trong hơn 10 năm qua ở VN tặng cụ Nhân dùng, không chỉ lần này, mà sẽ mãi đến khi nào cụ còn uống trà, và tôi còn ở VN làm trà cổ thụ".

Khi bức thư tay được chuyển lại, đọc kỹ thì ra cụ Lưu Chí Nhân ngụ ngay P.14, Q.Bình Thạnh. Nhắn lại với ông Từ Quốc An không phải đi tận Cà Mau, ông càng thêm hoan hỉ: "Thế quá đơn giản, để tôi thu xếp nốt công việc còn lại ở xưởng trà trên Hoàng Su Phì, rồi xuống núi, vào thăm cụ Nhân". Nói rồi ông kèm thêm lời dặn: "Đừng cho ai biết, kể cả với cụ Nhân nhé. Tôi muốn tạo cho cụ niềm vui nho nhỏ thôi. Cậu biết không, để người già hơn 90 quan tâm đến mình, làm cho họ vui, mang cho họ nụ cười, không đơn giản đâu. Người ở tuổi ấy thì bao cay đắng, ngọt bùi, bao gian nan cuộc đời, họ trải hết rồi, thế gian khó có thứ gì làm cho họ bất ngờ được nữa".

Và kế hoạch tạo bất ngờ cho cụ Lưu Chí Nhân được âm thầm sắp đặt với thật nhiều cảm xúc.

Hạnh ngộ 'phụng trà' qua trang báo Thanh Niên - Ảnh 2.

Cụ Lưu Chí Nhân đọc Báo Thanh Niên thường ngày, bài nào hay cụ cắt ra, bọc ni lông và lưu giữ cẩn trọng

Lam Phong

Niềm vui "phụng trà"

Khi vụ trà xuân hoàn thiện nốt những công đoạn cuối, ông Từ Quốc An xuống núi, mang theo các loại trà cổ thụ ông đã dày công nghiên cứu và sản xuất tại Hoàng Su Phì như: Mật ong hồng trà, đông phương mỹ nhân, ô long shan tuyết, trà măng, trà xanh… đến tặng cụ Lưu Chí Nhân. Cầm các loại trà trên tay, ông An vui vẻ: "Đây đều là những loại trà làm từ cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi, tôi muốn dành tặng cho cụ Nhân, và gọi tất cả cùng một tên là phụng trà. Phụng ở đây là dâng phụng, phụng dưỡng. Đó cũng là văn hóa trà được lưu truyền trong gia đình tôi ở huyện Miêu Lật, Đài Loan, người thế hệ sau làm trà sẽ dành những phẩm trà mình ưng ý nhất dâng phụng ông bà, cha mẹ, như cách bày tỏ lòng tôn kính và cảm ơn".

Một buổi sáng sớm đầu tháng 6.2022, ông Từ Quốc An tìm đến hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh. Sau vài giây bấm chuông, mở cửa là một ông lão cao lớn, ông hỏi: "Mấy chú tìm ai?". Dạ có phải đây là cụ Nhân? Ông lão gật đầu, khi nghe giới thiệu đây là ông Từ Quốc An mà cụ đã đề cập trong thư gửi Tòa soạn Báo Thanh Niên, ông lão lặng người đi vài giây, miệng lắp bắp, rồi lại hỏi: "Có thực không vậy?" và vỡ òa trong vui sướng: "Mấy nay tôi buồn lắm, tưởng tòa báo quên tôi rồi, không quan tâm đến già này. Trời ơi, giờ nhà báo đến thăm, có cả ông An nữa. Thôi mời vô, mời vô nhà! Ông An ơi, sao lại có chuyện này xảy ra. Mừng quá, mừng quá!".

Chỉ sau vài phút định thần, câu chuyện giữa hai người xa lạ cứ quyện chặt vào nhau, từ chuyện ông An đến VN nghiên cứu trà, chuyện ông Nhân ngày xưa làm nghề gõ đầu trẻ, rồi cũng đam mê các loại trà, thường xuyên uống trà, bởi vậy ông cảm kích những người làm trà như câu chuyện của Từ Quốc An.

Hạnh ngộ 'phụng trà' qua trang báo Thanh Niên - Ảnh 3.

Cụ Nhân nhận những phẩm trà xuân mới ra lò của vụ trà 2023 được ông Từ Quốc An dành tặng

Lam Phong

Sau lần gặp cụ Nhân, ông An vui mừng bảo: "Cậu cho tôi gửi lời cảm ơn anh em ở tòa báo, nhờ mọi người, tôi có cơ hội được phụng trà cho cụ Nhân". Nói rồi ông dặn thêm: "Có dịp vào TP.HCM, tôi sẽ ghé cụ Nhân uống trà. Còn cậu để ý giúp cứ sau đôi ba tháng, phiền cậu đến nhà cụ Nhân gửi giúp tôi các loại trà để cụ uống thường ngày".

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, cụ Lưu Chí Nhân cho biết là một bạn đọc thân thiết, gắn bó với báo từ rất lâu. Cụ cho hay: "Có hai việc tôi đều làm mỗi sáng là đọc Báo Thanh Niên và uống trà". Hỏi cụ thích uống loại trà nào để ông An biết sở thích sẽ gửi loại đó nhiều hơn, cụ Nhân nói trong xúc động: "Cháu ơi, trà nào của ông ấy uống cũng ngon hết. Sao giờ mà còn người tốt, quan tâm, nhớ đến tôi như vậy. Người tốt thì trà họ cũng tốt".

Mỗi lần thăm lại cụ Nhân, chuyển cho cụ những gói trà từ núi cao, ánh mắt cụ lại long lanh niềm hạnh phúc. Lần thăm gần nhất, cụ bảo tôi nhắn với ông An rằng: "Trà còn nhiều, nói ông An không phải gửi cho tôi nữa, ông nhớ đến tôi như vậy là quý lắm rồi". Đem chuyện kể ông An nghe, ông bảo: "Cậu đừng lo, tôi là người làm trà, trà không thiếu đâu. Trà núi cao tốt cho sức khỏe người già, cậu chuyển lời cụ Nhân nói đó là việc tôi coi như phận sự, là cách tôi phụng trà như từng làm với cha mẹ tôi lúc sinh thời".

Rải rác trong suốt năm qua, mỗi lần ghé thăm cụ Nhân chuyển những gói trà từ núi cao Hà Giang, nhìn nụ cười móm mém trên môi, gương mặt toát lên niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự bất ngờ, khiến tôi lần nào cũng mắt cay vì xúc động. Cảm ơn nghề báo đã cho tôi gặp được những nhân vật kỳ diệu như ông An, cụ Nhân, câu chuyện giản đơn của hai vị cao niên mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và cũng cho thấy đời còn nhiều tâm hồn tươi đẹp, là gương sáng để hậu thế soi mình, noi theo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.