Trên là chia sẻ của cô Phương Linh, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong chương trình giao lưu Trái tim người thầy do Công đoàn Giáo dục TP.HCM tổ chức vào sáng nay 13.11.
Viết tiếp ước mơ của ba
"Từ lời động viên “em thông minh, có tố chất về toán” của cô giáo chủ nhiệm, đã khiến tôi, cậu học sinh lớp 7 ngày ấy miệt mài thức đêm để giải những bài toán hóc búa và là động lực để quyết tâm trở thành giáo viên toán”, là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trong chương trình giao lưu Trái tim người thầy do Công đoàn Giáo dục TP.HCM tổ chức vào sáng 13.11.
Cũng trong buổi giao lưu với 130 giáo viên tiêu biểu đại diện cho các bậc học, khi được hỏi về lý do để chọn ngành sư phạm, cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) xúc động nói: “Ba tôi khi đang theo học năm thứ 2 khoa ngữ văn nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn mà ba phải nghỉ học. Từ đó, ba cùng mẹ, những nông dân chính hiệu, miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi 4 chị em tôi ăn học. Và tôi chọn ngành sư phạm để muốn tiếp tục ước mơ của ba, đi trọn vẹn trên con đường ba đã từng chọn”.
Và khi đã chọn thì luôn thấy hạnh phúc với con đường mình đang đi là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Phương Linh, Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh). Cô Phương Linh cảm nhận: “Mỗi năm trái tim của mình như lớn hơn bởi chứa đựng tình cảm của học trò. Hạnh phúc biết bao, khi đi trên đường hay thậm chí đang đi chợ cũng bắt gặp tiếng gọi “cô ơi”.
Cô Linh nói tiếp: “Dù xã hội hiện đại đến thế nào, không có bất cứ máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được giáo viên bởi tình cảm, mối quan hệ thầy trò có thể tạo động lực lẫn nhau. Có khi chỉ cần ánh mắt hay cái vỗ vai kịp thời, đúng lúc cũng là động lực để học sinh cố gắng học tập. Còn với giáo viên, học trò vẫn muốn gặp, vẫn muốn bày tỏ tình cảm sẽ giúp thầy cô ý thức hơn về năng lực, tích lũy kiến thức để vững tin trên con đường phía trước”.
|
Giáo viên là người truyền lửa cho học sinh
Là giáo viên nam duy nhất được chọn giao lưu trong chương trình, thầy Thạch Trung Tuấn, Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8), kể rằng vì yêu thích, hứng khởi khi giảng bài cho những em nhỏ khi đang học phổ thông mà lựa chọn ngành sư phạm. Vậy nhưng thầy đã không tránh khỏi cảm giác "hoang mang” khi ngày đầu bước chân vào trường ĐH vì xung quanh đều là các bạn nữ. Và rồi để thỏa mãn đam mê mà thầy Tuấn đã có những trải nghiệm, khám phá với nghề nghiệp. “Ở bất cứ công việc nào, đều cần có đam mê, điều đó sẽ giúp bản thân vượt qua mọi khó khăn, có trách nhiệm hơn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trường mầm non Long Trường (Q.9), chia sẻ thêm với nghề giáo thì ngoài đam mê cần có cái tâm của người thầy. Khi có tâm, người thầy sẽ muốn hướng đến sự tiến bộ của học trò, mong muốn những điều tốt đẹp cho các em. Khi có tâm, người thầy sẽ quan tâm, sẽ cố gắng tìm mọi cách để cải thiện, để khắc phục những vướng mắc nếu gặp phải.
Cô giáo Hồng Phượng kể lại, có năm học khi nhận lớp cô mới biết có học trò mắc chứng tự kỷ tăng động. Hằng ngày, học trò lầm lỳ không nói, chỉ la hét, đánh bạn, cấu, đánh luôn cô giáo, khiến cả trường ái ngại cho tình cảnh của cô. Để thay đổi, cô Phượng tìm cách tiếp cận, gần gũi, chia sẻ, tạo sự tin tưởng để hiểu những suy nghĩ của học trò. Và rồi cậu học trò đó đã nói với cô rằng muốn được ba mẹ quan tâm hơn, vì ba mẹ đi làm suốt, chỉ mua đồ chơi mà không dẫn em đi chơi… Ngày bé vào lớp 1, phụ huynh đến trường gặp và khóc vì cứ nghĩ con sẽ phải học ở trường chuyên biệt chứ không thể hòa nhập như hiện nay. Cô Phượng nhận ra rằng, động lực lớn nhất của nghề giáo mình theo đuổi chính là sự tiến bộ của học trò.
Từ những chia sẻ của những giáo viên tiêu biểu, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ mong muốn mỗi giáo viên hãy trao cho học sinh động lực, tình cảm, sự tin tưởng bên cạnh việc mang đến kiến thức. Giáo viên hãy là người truyền lửa giúp học trò sống có trách nhiệm, có ý thức vươn lên trong cuộc sống như tấm gương thầy cô đã trải qua.
Bình luận (0)