Hạnh quay đầu nhìn lại những dải cát trắng xuôi về phía làng. Những
người đàn bà bước thấp bước cao, vai nặng oằn đôi quang gánh từ dưới
biển đi lên.
Minh họa: Văn Nguyễn |
Dấu chân nối nhau vẽ thành đường cong cong đứt đoạn trên cát. Có tiếng ai đó chào, Hạnh cười đáp lại trước khi vội vã bắt một chiếc xe lam trở ra bến để kịp quay về thành phố. Chuyến quay về thành phố này nặng trĩu. Có khi Hạnh thấy mình như con lắc ở giữa, đầu này là quê, đầu kia là thành phố. Không thể có sự so sánh nơi nào quan trọng hơn khi một đầu là mẹ, là nơi sinh ra, một đầu là anh, là nơi đang kiếm sống, bươn bả với những ngày tháng thực tại. Lần đầu tiên Hạnh quay về phố với tâm trạng khó khăn như vậy vì biết giờ này Long đã lên máy bay, rời khỏi Sài Gòn.
- Cưới xong, mình đón mẹ lên thành phố ở luôn. Nói thực với em, anh thấy ngột ngạt khi về vùng biển này.
Hạnh đã nhìn kỹ Long sau khi anh nói câu nói khó nghe ấy. Nơi Hạnh sinh ra, lớn lên, lại là nơi Long cảm thấy ngột ngạt. Sự ngột ngạt ấy thể hiện rõ trong đôi mắt có vẻ chán chường xen lẫn xa xót của Long. Chiều hôm qua, anh theo Hạnh ra biển, nơi người ta vừa dựng lên một pho tượng đất sét. Long đứng như trời trồng nhìn bức tượng được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật để thầy cúng làm lễ chiêu hồn, rồi người ta khiêng đặt vào quan tài. Lễ cúng chiêu hồn diễn ra rất dài. Thầy cúng ngồi đọc hết mấy cuốn sách cúng trong khói hương nghi ngút trước gió biển, sóng biển ầm ào. Lời cúng gọi hồn nhập tượng rù rì, mộng mị xen lẫn tiếng khóc than quặn ruột. Một cỗ thuyền mô hình, với những mâm lễ được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi. Mấy lần Hạnh kéo tay Long quay về nhưng anh vẫn đứng cho đến khi pho tượng được đưa về phía nghĩa địa, con thuyền cúng lễ trôi ra xa, chỉ còn một chấm nhỏ tí ti rồi mất hút.
Lần đầu Long thấy cảnh người ta gọi hồn người, người nhảy múa cúng kiếng, người khóc hờ, người ngồi ven biển dõi đôi mắt nhìn xa xăm… Hạnh đã quen với cảnh ấy từ bé, chỉ thấy buồn se sắt khi nghĩ, lại có một người đi biển không về. Long bảo: “Sao khắc nghiệt quá vậy em?”. Khi ngang qua nghĩa địa, Hạnh chỉ cho Long xem những khu mộ gió. Hạnh bảo: “Phải chấp nhận cả thôi anh à. Nào có ai muốn vậy đâu. Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác. Đó là cách giúp những người ở lại an lòng hơn”.
Sau buổi chiều đó, Long im lặng. Hai ngày sau anh nói sẽ đón mẹ về phố ở, sẽ không lần nào quay lại nơi này.
* * *
“Chỉ thế thôi mà hai người chia tay ư?”. Ừ, thế thôi. Tiệc cưới đã đặt rồi, áo cưới đã may rồi… nhưng mọi chuyện kết thúc. Hạnh đã không nhắc chuyện này năm năm rồi. Năm năm đủ để Long tu nghiệp thành công và có lẽ đã cưới một cô vợ trẻ hơn Hạnh chục tuổi bên đất Thái Lan. Có lần, Long vô tình bảo, có một điểm Hạnh giống vợ chưa cưới của Long: cùng là con gái miền biển. Giống mà không giống khi quê vợ chưa cưới của Long là một vùng biển du lịch, biển xanh cát vàng lãng mạn, khách khắp thế giới kéo nhau đến tấp nập. Hạnh nhoi nhói nghĩ, nơi ấy hẳn không có những ngôi mộ gió. Hạnh khép lòng mình lại luôn từ đó. Hạnh thay đổi mật khẩu tài khoản YM! của mình. Một cái mật khẩu dài thoòng cô gõ những phím bất kỳ trên bàn phím để không tài nào nhớ ra mà vào lại. Chỉ cốt để không bao giờ gặp lại Long trên mạng.
Sau Long, anh là người Hạnh có thể ngồi trò chuyện hàng buổi. Một người phụ nữ ngoài ba mươi, người đàn ông ngoại tứ tuần, đúng ra sẽ khó có cơ hội ngồi bên nhau trong một khung cảnh lung linh ánh nến ven bờ sông để có thể trò chuyện phiếm với nhau những câu chuyện không đầu không cuối. Nhưng anh và Hạnh vẫn gặp nhau mỗi cuối tuần ba lần ở ven bờ sông này. Đơn giản vì họ chung nhau một môi trường, anh là tay trống dày dặn kinh nghiệm, Hạnh là MC được trả cát sê cao nhất trong nhà hàng tiệc cưới 5 sao này.
Cô không hiểu vì sao có nhiều cơ hội làm việc ở những nơi cao sang hơn nhưng lại gắn bó với ánh đèn tiệc cưới, những nụ cười rạng rỡ trong tiệc cưới đến vậy, sau lần đám cưới hụt với Long. Lẽ thường, trong hoàn cảnh như Hạnh, những đám cưới sẽ nhắc nhớ tới chuyện dang dở, sẽ nhắc rằng tuổi đã băm qua băm lại nhiều lần. Sẽ chẳng ai muốn góp mình vào niềm vui, hạnh phúc vay mượn. Thế mà Hạnh lại vui. Đối diện với Hạnh, anh đăm chiêu dụi thuốc vào gạt tàn. Điếu thuốc anh đốt lên, hình như chỉ hút vài hơi giữ lửa. Quá khứ của anh đã vài lần dở dang cũng vì những khoảng lặng khó nói. Đã từng có hai người phụ nữ anh yêu thương lặng lẽ rời xa anh. Một người không chịu nổi khói thuốc, một người không chia sẻ được những khoảng lặng ấy. Người đầu tiên vừa chớm yêu nên không day dứt nhiều. Người đàn bà thứ hai, là mẹ của con trai anh bây giờ, để lại cho anh nhiều xáo trộn và một cậu con trai sáu tuổi. Vì một người đàn ông biết tâm tình hàng tiếng mỗi đêm khuya qua điện thoại, cô sẵn sàng bỏ cả chồng lẫn con. Khi cô đi, anh lặng im, cô gào lên: “Nói gì đi, anh nói gì đi, anh làm tôi phát điên”. Anh đáp lại: “Thi thoảng về thăm con, thằng bé vẫn cần mẹ”.
“Lúc ấy, nếu anh nói gì đó, ví dụ như bảo chị ấy ở lại, chắc chị sẽ ở lại” - Hạnh tiếc nuối. “Chắc gì?”. “Sao không chắc, em cũng là phụ nữ, em biết. Sợ nhất là khi chồng mình, người yêu mình im lặng”. Ngày Hạnh chia tay, sự im lặng cũng là nguyên nhân chính đẩy hai người xa nhau. Khi Hạnh nói cần thêm thời gian để suy nghĩ lại, mọi việc có lẽ đã không đổ vỡ nếu Long không để mặc kệ Hạnh với khoảng không mênh mang của cô. Hạnh rùng mình vì một cơn gió lạnh thổi thông thốc từ phía sông lên.
Người đàn ông bên Hạnh lắc đầu, có khi anh không nói gì trong hoàn cảnh ấy lại tốt hơn. Tính anh vốn ít nói, cha mẹ sinh ra đã thế, đi gần nửa đời người vẫn thế. Chỉ một câu nói có thể giữ vợ ở lại nhưng nếu cô bỏ anh đi vì lý do không chịu nổi sự im lặng thì sau trước gì cô cũng sẽ ra đi. Anh chỉ thấy buồn cười, chính những người phụ nữ ấy từng đến với mình vì sự im lặng rồi bỏ đi cũng vì sự im lặng ấy. Khi yêu, sự im lặng đồng nghĩa với chín chắn, khiêm tốn, nhường nhịn. Khi hết yêu, đó lại là sự coi thường, nhợt nhạt, khó chịu…
Rồi anh bỗng biết sợ những khoảng lặng khi chỉ còn hai bố con trong căn nhà rộng. Tiệc cưới luôn là nơi người người nói nhiều, nhà nhà nói nhiều. Mỗi tuần ba buổi chơi trống cho những tiệc cưới giúp anh giết đi những khoảng lặng đời mình.
Bất chợt, anh hỏi: “Em đừng khép lòng mình nữa, được không?”. “Đã là duyên phận thì mở hay khép cũng khác gì nhau đâu anh. Phải duyên phải số thì vồ lấy nhau thôi. Số em dang dở, ai xem tay em cũng nói vậy, chứ nào phải tại em không mở lòng”. Hạnh cười thật buồn. Tiếng sóng vọng từ ghềnh đá dội vào khoảng hanh hao trống vắng trong lòng Hạnh.
Tối qua, sau cánh gà sân khấu, anh thấy Hạnh đưa tay quệt ngang mặt như quệt nước mắt. Đó là khi nghe mẹ cô dâu chia sẻ thật thà, bà một thân một mình nuôi con, bây giờ thấy đám cưới con rồi, chết cũng toại nguyện! Cả phòng tiệc cười vang, chỉ Hạnh rơi nước mắt khi nghĩ đến mẹ. Có khi mẹ Hạnh cũng chung suy nghĩ ấy. Dạo này bà bị bệnh, ra vào bệnh viện thường xuyên hơn. Mỗi lần gặp Hạnh lại hỏi lúc nào con lấy chồng?
Khi phát hiện ra anh nhìn mình, Hạnh lúng túng: “Bà cụ làm em nhớ mẹ, mẹ em cũng chừng tuổi cụ”. Anh biết, chắc Hạnh còn nhiều trăn trở hơn thế. Lúc ra về, chạm mặt nhau ở chỗ gửi xe, anh bảo: “Tối nay đừng khóc nhè vì nhớ mẹ nhé”, Hạnh nhoẻn cười, mắt vẫn buồn buồn. Anh lo âu âm thầm chạy xe theo cho đến khi Hạnh về đến cổng nhà. Đứng từ xa, khi nhìn thấy ánh đèn vàng ấm áp trong căn nhà nhỏ bật lên, anh mới an tâm quay về nhà. Chẳng hiểu sao, nỗi buồn của Hạnh luôn song song cùng sự lo âu của anh.
* * *
Hạnh ốm mê man mấy ngày nay. Khi tỉnh lại, cô cuống cuồng quay lại nhà hàng tiệc cưới. Gần một tuần không đến nhà hàng, lòng bứt rứt không yên. Anh chàng đánh trống mới khá trẻ, cười khoe hàm răng trắng bóng thay thế chỗ anh từ bao giờ. Đôi khi, tiếng trống rộn rã khua khiến Hạnh giật mình quay lại, thấy cảm giác chống chếnh khi không còn thấy anh góc đó. Anh chàng đánh trống bắt gặp ánh nhìn của Hạnh, nheo mắt nhìn. Kiểu đá lông nheo của mươi, mười lăm năm trước Hạnh vẫn có vài anh chàng trêu ghẹo. Cuối buổi, anh chàng vui tính nói với Hạnh: “Tôi biết Hạnh nhìn về phía này vì tìm ai đó, chứ không phải tôi”. Hạnh hình như có nhếch môi đáp lại gượng gạo trước khi ra bãi lấy xe.
Ngày thứ chín nghe những nhịp trống lạ. Tiếng trống không phải ngẫu hứng như những nhịp sóng mà có phần chát chúa của anh đánh trống mới khiến Hạnh thấy lạ lẫm với chính mình. Cô không còn niềm vui háo hức khi đến nhà hàng tiệc cưới. Hạnh giật mình thấy sao khó hiểu, chẳng lẽ chỉ vì thay đổi tiếng trống? Nhất định không phải do Hạnh nhớ anh. Ở tuổi ngoài ba mươi, người ta khó hình dung ra cái cảm giác nhớ nhung, chờ đợi luôn thường trực bên mình như thuở hai mươi. Hạnh đã vài lần định điện tới anh nhưng rồi thôi. Chẳng biết điện sẽ nói chuyện gì? Chẳng lẽ hỏi vài câu vu vơ xã giao, kiểu như bố con anh khỏe không, bây giờ anh làm ở đâu? Giữa anh và Hạnh không có thói quen xã giao ấy. Mà qua điện thoại thì không thể nào cùng ngồi im lặng hàng giờ nhìn khói thuốc, nhìn sông trôi, đợi những điều tình cờ đến để sẻ chia.
Đến ngày thứ mười, Hạnh dường như không chịu nổi sự chần chừ của mình. Khi nhìn thấy anh chàng đánh trống mới nán lại ngồi bên bờ sông sau buổi tiệc cưới tàn, cô thấy có chút hẫng hụt, mất mát chạy qua mình. Đó là chỗ Hạnh và anh vẫn hay ngồi nhìn lục bình trôi ngang. Hạnh như nghe giọng anh ấm cúng: “Em thấy những đám lục bình kia không, anh thích lục bình vì rễ chúng rất ngắn, nổi nênh trên dòng sông nhưng chúng vẫn lặng lẽ đơm bông. Có khi mình phải học thân lục bình, không trách phận than thân, cứ tươi tắn, dịu dàng dù dòng đời ít màu mỡ, em nhỉ?”. Cô bấm điện thoại…
“A lô”… “Anh đây”, “Mấy hôm nay lục bình nở tím bờ sông, anh có quay lại cùng em uống cà phê đen ngắm lục bình tím không?”. Đằng kia, sự im lặng nghẹt thở. Bỗng một bàn tay đặt lên vai Hạnh. Cô ngạc nhiên quay lại và ôm chầm khi nhận ra anh. Trên tay anh, chiếc điện thoại vẫn còn ánh sáng dịu báo hiệu cuộc gọi đến. Hạnh lặng đi trong hạnh phúc khi anh nói: “Em từng hỏi vì sao anh không đến với những sân khấu lớn hơn nơi này phải không? Vì ở đây có em”. “Vậy vì sao anh bỏ đi?”. “Bỗng anh lo ngại, anh không muốn ở lại bên em vì không muốn làm em, một ngày đó lại thất vọng về sự im lặng của anh. Hàng đêm, anh vẫn theo em về cho tới nhà, nhưng bây giờ, mình có thể dọn về chung một căn nhà, để anh khỏi phải lén lút vậy nữa, được không em?”.
Có một hạnh phúc thật gần, kề bên. Không phải hạnh phúc từ những đèn màu, từ hơi rượu sâm banh mà Hạnh vẫn vay mượn từ trước đến nay. Hạnh phúc từ hơi thở anh, thật ấm.
Bình luận (0)