Năm 2004, bà Út Điểu nhận quyết định nghỉ hưu. Bà vừa vui, vừa buồn - vui vì đã hoàn thành trọng trách với xã hội, buồn vì phải chia tay đồng nghiệp và rời xa công việc. Rồi bà mong muốn làm một việc gì đó để không quá nhàn rỗi. Với thời gian dài công tác ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, thường xuyên tiếp cận với những người khuyết tật, bà Út Điểu có một sự cảm thương sâu sắc với những bệnh nhân, nhất là đối với trẻ em. Thế là bà Út đã chọn một việc mà xã hội đang cần, một việc bà rất tâm đắc.
Bà vay tiền ngân hàng để tu sữa chính căn nhà của mình và bắt tay ngay vào việc thành lập Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu với 5 thành viên gồm: 1 bác sĩ nghỉ hưu; 3 cộng tác viên có con khuyết tật đã qua tập huấn và 1 tình nguyện viên theo dõi báo cáo dự án và làm công tác hành chính. Về trang thiết bị, lúc đầu cơ sở tạm sử dụng một số thiết bị cũ của Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật tỉnh như: xe tập đi, trục lăn, nệm, xe lắc.
Vài tháng đầu, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị chỉ từ 5- 10 người. Sau đó khi thông tin về cơ sở được đăng lên báo, bệnh nhân đến ngày càng đông, tăng lên 50- 60 bệnh nhân mỗi ngày. Trong đó, 70% bệnh nhân bại não, chậm phát triển vận động, ngôn ngữ, trí tuệ - một loại bệnh mà ngành y hiện nay chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu; 30% bệnh nhân chân khèo, hội chứng Down.
Cơ sở phục hồi chức năng trẻ em bại não Ngọc Điểu hoạt động hoàn toàn tự lực nên lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng chính tấm lòng đã giúp bà Út Điểu vượt qua tất cả. Bà sống dựa vào lương hưu hàng tháng, những cộng sự của bà cũng chính là người có con từng điều trị ở cơ sở, họ cộng tác với bà với tấm lòng thiện nguyện. Bà Út và mọi người luôn nỗ lực trong công tác điều trị lâm sàng có hiệu quả để chứng minh cho mọi người biết hiệu quả việc điều trị. Tiếng lành đồn xa, các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện, các tổ chức, công ty, hội từ thiện lần lượt đến giúp đỡ. Dự án Uniliver đã tài trợ đầy đủ trang thiết bị cho cơ sở để phục vụ việc điều trị phục hồi chức năng cho các cháu.
Từ năm 2004 dến 2020, Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu có 5.324 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, trẻ em từ 1 - 16 tuổi có 3.550 cháu, số ngày điều trị là 4.320 ngày với 150.764 lượt điều trị; cụ thể bệnh não thể nặng có 905 cháu, tỷ lệ phục hồi là 17%; bệnh não thể vừa và nhẹ có 2.662 cháu, tỷ lệ phục hồi từ 40- 50%; các khuyết tật khác có 3.194 cháu, tỷ lệ phục hồi từ 50- 60%. Còn người lớn có 1.596 người, tỷ lệ phục hồi là 90%. Tổng số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh hòa nhập cộng đồng là 2.395 bệnh nhân. Trong đó, 1.011 bệnh nhân có độ tuổi từ 1- 16 và người từ 17 tuổi trở lên khỏi bệnh là 1.384 bệnh nhân.
Bệnh nhân đến điều trị hoàn toàn được miễn phí. Đến thăm cơ sở, chứng kiến một bà lão tuổi gần 80, ngồi tận tụy tập vận động, xoa bóp trực tiếp điều trị bệnh cho từng cháu, mỗi ngày bình quân từ 40 - 45 cháu, trung bình 15 phút/ cháu, mồ hôi ướt đẫm trên mặt và lưng áo bà. Tôi nghĩ sức làm việc của bà, chỉ có thể xuất phát từ trái tim mới mãnh liệt được như vậy. Kỹ thuật viên kiên trì, người tập cũng phải kiên trì thì mới đạt hiệu quả cao. Các cháu tập luyện khỏi phải uống thuốc, phục hồi từng phần, giảm bớt bệnh, thể lực phát triển.
Bên cạnh việc tập luyện trực tiếp cho các cháu, cơ sở còn có phòng tập vật lý trị liệu, trang bị dụng cụ luyện tập hỗ trợ phục hồi chức năng cũng rất phong phú như: bàn kéo cột sống; ghế ngồi tam giác dành cho trẻ không đi được; xe mũi tênh giúp cho các cháu tập đi; khung khóa lùi để tập đi, đứng; kéo tay giúp tập vận động tay; ghế tập mạnh cơ tứ đầu đùi; máy tập mạnh khớp gối; ghế tập đa năng để các cháu tập vận động đôi chân; bóng lăn, xe lăn...
Ngoài việc thực hiện nghiệp vụ chuyên môn của một bác sĩ, bà Út Điểu rất quan tâm đến đời sống của các cháu. Đến tháng 7.2020, bà đã vận động xây dựng được 17 căn nhà tình thương, hỗ trợ vốn xoay vòng cho gia đình các cháu; tặng 44 chiếc xe đạp và 3.400 quyển tập cho các cháu đi học với tổng số tiền gần 800 triệu đồng,
Bà Út không tạo lập tổ ấm cho riêng mình, không bận rộn chuyện chồng con, bà dành cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ với nhiệm vụ người nữ hộ sinh trong vùng kháng chiến. Đến thời hòa bình, bà tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước với những nhiệm vụ được tổ chức phân công.
Sau tuổi về hưu, 15 năm nay, bà Út dành tất cả yêu thương cho các cháu khuyết tật, bà truyền yêu thương, sức mạnh cho các cháu với ước mong “các cháu sớm được hòa nhập cộng đồng và có được cuộc sống vui vẻ, bình thường”. Tình yêu thương bà dành cho những trẻ em kém may mắn thật bao la. Năm nay ở tuổi 79, tóc bà trắng như mây trời nên các cháu nhỏ, đứa gọi “bà ngoại”, đứa gọi “bà tiên tóc trắng”. Những tiếng gọi đầy yêu thương này đã cho bà sinh lực phi thường để có thể vượt qua sự uể oải của tuổi già, tận tụy chăm sóc các cháu không biết mệt mỏi.
Với những điều tốt đẹp mà bà Nguyễn Ngọc Điểu đóng góp cho xã hội, năm 2019 bà được nhận giải thưởng KOVA, hạng mục Sống đẹp. Năm 2020, bà được tặng Huân chương Lao động hạng ba. Chắc chắn rằng, bà Út Điểu làm việc không phảỉ để được nhận khen thưởng mà vì tấm lòng yêu thương các cháu nhỏ bệnh tật nên bà chỉ biết cho đi và cảm nhận hạnh phúc khi được cho đi.
|
Bình luận (0)