Tâm lý học định nghĩa: “Hạnh phúc là sự thỏa mãn trọn vẹn mọi khuynh hướng, mọi ước mơ nơi con người”. Vì vậy, có lẽ con người chưa bao giờ đạt đến trạng thái hạnh phúc thật sự bởi lẽ chưa bao giờ con người có thể thỏa mãn trọn vẹn mọi khuynh hướng, mọi ước mơ.
tin liên quan
Cuộc sống dù bận rộn, người chồng đừng quên điều này...Là vợ chồng, cần nhiều thứ để lo cho nhau hơn là một bông hoa, nhất là những khi cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ là màu hồng, lãng mạn.
Đối lập với hạnh phúc là sự đau khổ. Cả hạnh phúc và đau khổ đều được phân ra làm hai loại tinh thần và vật chất. Hạnh phúc tinh thần được hiểu như cảm giác sung sướng, sảng khoái mà con người nhận được sau khi thỏa mãn được một khuynh hướng, một ước mơ thuần túy tinh thần. Thí dụ như thi đậu, được sum họp với gia đình thân yêu sau một thời gian dài xa cách, được một người bạn khác phái yêu thương, sáng tạo được một tác phẩm mới...
Hạnh phúc vật chất được hiểu như cảm giác sung sướng, sảng khoái sau khi đã được thỏa mãn một khuynh hướng, một ước mơ vật chất. Thí dụ đói mà được ăn, lạnh mà được mặc ấm, được ăn ngon, được mặc đẹp, được hưởng món tiền thưởng cuối năm, được gần gũi bên người mình yêu dấu...
Trạng thái hạnh phúc luôn luôn gắn liền vào một biểu tượng. Hạnh phúc tình yêu luôn luôn gắn vào biểu tượng người mình yêu mến, những lời nói dịu dàng, những cử chỉ ân cần. Hạnh phúc ăn ngon luôn luôn gắn liền vào các biểu tượng thức ăn ngon, khung cảnh ngồi ăn thơ mộng, những người cùng ăn vui vẻ, chén đũa sạch...
Người xưa mô tả khái quát bốn niềm hạnh phúc thuở làm người là “Hạn lâu gặp mưa lớn/ Xa quê gặp bạn hiền/ Đêm động phòng hoa chúc/ Bảng vàng được nêu tên” - Cữu hạn phùng cam vũ/ Tha hương ngộ cố tri/ Động phòng hoa chúc dạ/ Kim bảng quải danh thì. Cái hạnh phúc vì thi đậu được xếp dưới cái hạnh phúc tân hôn của vợ chồng. Xem vậy, chuyện... vui vẻ cũng oai hơn chuyện văn hóa học thuật ấy chứ nhỉ?
Nhìn một cách khách quan, ta thấy hạnh phúc và đau khổ là cái gì hết sức tương đối. Điểm tương quan giữa hai trạng thái này có vẻ như rất mật thiết, luôn luôn gắn bó nhau. Một người vừa trúng số được 10 triệu đồng, anh ta cảm thấy rất hạnh phúc.
Ngủ qua một đêm, sáng hôm sau anh ta không thấy món tiền của mình đâu nữa, lòng rất đau khổ. Ba ngày sau, anh ta tình cờ tìm lại được món tiền mình ở... dưới gối, lại cảm thấy hạnh phúc tràn trề.
Nếu một đau khổ càng kéo dài thì hạnh phúc đến sau nó càng tăng thêm ý nghĩa. Một học sinh nghèo chịu thương chịu khó, học hành tốt và thi đậu vào một trường đại học danh giá thì hạnh phúc thi đậu kia bù trừ được những đau khổ về hoàn cảnh mà anh từng chịu trong quá khứ. Một hạnh phúc mà kéo dài thì đau khổ đến sau càng tăng thêm cường độ.
Với một người quen sống sung sướng thì cảnh nghèo túng làm anh ta đau khổ hơn bất kỳ ai khác. Với một người yêu say đắm thì sự xa biệt người yêu là điều đau khổ nhất đời.
tin liên quan
Cám cảnh chồng lập quỹ đen bằng cách giấu vàng vào đôi giày cũChưa kịp nhậu để anh truyền bí kíp lập quỹ đen thì xảy ra chuyện. Giờ nhớ lại chuyện cũ mới biết anh lập quỹ đen bằng cách giấu vàng vào đôi giày cũ.
Ngày đó tưởng xa là chết được
Ai ngờ con sáo vẫn sang sông
Ngày đó môi em là mật ngọt
Ai có ngờ cay nát tấm lòng.
(Hoàng Lộc)
Trong hạnh phúc luôn luôn ẩn chứa mầm đau khổ. Đôi bạn yêu nhau say đắm vẫn giận hờn, ghen tuông, trách móc nhau. Trong đau khổ luôn luôn ẩn chứa niềm hạnh phúc. Hai vợ chồng phải ra tòa ly dị thì mới mong tìm được cuộc sống an nhiên và chấm dứt được những dằn vặt đau đớn bởi tình cảm không hòa hợp.
Rất nhiều khi hạnh phúc của người này lại là đau khổ của người kia. Trong một trận chung kết bóng đá, luôn luôn đội thắng hạnh phúc, đội thua đau khổ.
Bởi tính tương đối giữa hạnh phúc và đau khổ là như vậy cho nên muốn tìm được cảm giác hạnh phúc cho đời mình, người ta thường tìm ngay trong cuộc sống hằng ngày chứ không tìm ở đâu xa. Buổi sáng, bạn thức sớm, thả bộ đi mấy vòng trong công viên, hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, lòng không lo lắng điều gì - đó là hạnh phúc.
Bạn vào cơ quan, gật đầu chào người bảo vệ, nói với ông ta một câu bình thường “Cháu chào chú”, được ông ta gật đầu, mỉm cười với bạn - đó là hạnh phúc. Ngồi vào trước máy tính, bạn check mail rồi nhắn tin thăm hỏi một người bạn cũ - đó là hạnh phúc.
Có những điều mà người ta phải tự vừa ý với mình, không cảm thấy thiệt, không đòi hỏi hơn - đó là hạnh phúc. Người bạn cùng làm ở cơ quan bạn đi chiếc xe sang cả trăm triệu; bạn đi chiếc xe khoảng vài chục triệu đồng vẫn không cảm thấy ghen tị, không thèm muốn mua được chiếc xe mới như người bạn kia - đó là hạnh phúc.
Tết nay, bạn được cơ quan thưởng 10 triệu đồng trong khi nhiều người khác được thưởng cao hơn, bạn cũng không ganh tị - đó là hạnh phúc. Bạn hiểu ra được điều gì đến thì nó sẽ đến với bạn; điều gì không đến thì nó sẽ không đến với bạn; không cưỡng cầu, không chờ mong - đó là hạnh phúc.
Nói ra có thể các bạn chưa tin hẳn nhưng nghề làm báo của chúng tôi căn bản là nhận được rất nhiều hạnh phúc, dù là hạnh phúc nho nhỏ. Giở tờ báo mới in còn thơm mùi mực ra, nhà báo thấy bài của mình được đăng trang trọng, có box, có hình ảnh, văn chương gãy gọn, biên tập hợp lý - đó là hạnh phúc. Vấn đề ở đây không hẳn là đồng nhuận bút mình sẽ được nhận hay điểm thi đua năng suất mình sẽ có mà đó là một cảm giác hạnh phúc tinh thần chỉ người làm báo mới cảm nhận được.
Một bài báo đăng trên Thanh Niên có thể được cả trăm ngàn người, thậm chí cả triệu người đọc. Tâm hồn nhà báo mở rộng biên độ giao lưu với chừng ấy bạn đọc của mình dù cả hai bên, nhà báo và bạn đọc, không ai biết ai.
Nhà báo làm công tác tòa soạn, công tác kỹ thuật cũng nhận được rất nhiều hạnh phúc nho nhỏ. Hằng ngày, hằng tuần họ phải “sinh” những đứa con là tờ báo ra đời. Mỗi số báo in ấn đẹp, sáng tạo, dàn trang mới lạ, không số nào giống số nào - đó là hạnh phúc.
tin liên quan
Caravan những miền xaMỗi năm, hành trình caravan của anh dài hơn, số lần đi nhiều hơn, chuyến ngắn thì 3 - 4 ngày, dài thì 1 tuần hoặc 10 ngày rong ruổi dọc ngang trên các cung đường.
Đôi khi, ta nghĩ hạnh phúc là được nhận về mình một cái gì đó. Thế nhưng, hạnh phúc còn vượt xa hơn cái ta được nhận về cho mình. Một doanh nhân làm ăn ngay ngắn, đạt lợi nhuận cao, tất nhiên cảm thấy rất hạnh phúc. Thế nhưng, ông (bà) ấy quyết định trích ra vài trăm triệu đồng, gửi qua một cơ quan báo chí mà ông (bà) tin tưởng, giúp đỡ bà con ruột thịt miền Trung vừa qua cơn bão lũ; ông (bà) sẽ hạnh phúc hơn khi biết đồng tiền mình đã đến kịp với bà con thân yêu.
Nào ông (bà) ấy có biết họ là ai và cũng chẳng ai biết đến ông (bà). Vậy nhưng cả người nhận và người cho đi đều cảm thấy hạnh phúc. Ngay đến những nhà báo làm công tác từ thiện xã hội, trung chuyển tiền quà đến tận tay bà con, cũng cảm thấy rất hạnh phúc. Họ hạnh phúc vì họ làm xong công việc, xứng đáng với tấm lòng người cho và niềm mong mỏi của người nhận.
Hạnh phúc không ở đâu xa; nó nằm ngay giữa lòng ta, giữa đời ta. Không việc gì cám dỗ để ta mơ ước xa xôi rồi đau khổ, thất vọng. Trời mưa gió, ta có một mái nhà để ở là hạnh phúc. Bưng chén cơm ăn, đó là hạnh phúc. Mặc chiếc áo sạch, đó là hạnh phúc. Kinh điển của Phật giáo tiểu thừa có những câu giản dị, ý nghĩa rất gần gũi với khái niệm hạnh phúc của đời sống con người: “Khi tôi rửa hai bàn tay, tôi xin cầu mong cho chúng sinh cũng có hai bàn tay sạch như tôi. Khi tôi bưng bát cơm ăn, tôi xin cầu mong cho chúng sinh cũng có bát cơm no lòng như tôi”.
Bình luận (0)