Tự động phát
Quá trình hình thành của mặt trăng vẫn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi.
“Giả thuyết vụ va chạm lớn” chiếm ưu thế trong các giải thích về sự ra đời của mặt trăng. Theo đó, mặt trăng được tạo nên sau vụ va chạm giữa trái đất thuở sơ khai và một hành tinh tên Theia có kích cỡ gần bằng sao Hoả. Tuy nhiên, chi tiết về sự hình thành vệ tinh này vẫn còn mù mờ.
Một nghiên cứu mới được công bố trên trang Nature Geoscience đã làm rõ thêm sự kiện trên bằng cách giải thích được một trong những bí ẩn lớn nhất xung quanh vụ va chạm - vì sao mặt trăng lại gần giống với trái đất hơn là hành tinh Theia.
|
Dựa theo giả thuyết “Vụ va chạm lớn”, hành tinh Theia có kích thước gần bằng hoặc nhỏ hơn sao Hoả, tức là khoảng một nửa đường kính trái đất. Nó đã va chạm với trái đất sơ khai cách đây 4,5 tỉ năm.
Vụ va chạm đã sản sinh đủ lượng nhiệt để hình thành đại dương magma và đẩy nhiều mảnh vỡ vào quỹ đạo trái đất, sau đó chúng kết tụ lại và tạo thành mặt trăng.
Mặt trăng và trái đất gần như giống hệt nhau về thành phần. Sự khác biệt là mặt trăng có ít sắt và ít các nguyên tố nhẹ như hydro - nguyên tố cần thiết để tạo thành nước.
Lời giải thích, theo giả thuyết “Vụ va chạm lớn”, là các nguyên tố nặng như sắt sẽ được giữ lại trên trái đất. Và nhiệt tạo ra trong quá trình va chạm cùng việc phóng các mảnh vỡ vào không gian đã làm tan đi các nguyên tố nhẹ hơn trong khi vật chất còn lại của trái đất và hành tinh Theia được trộn lẫn.
Nhiều mô hình quan sát cho thấy rằng mặt trăng có cấu tạo xấp xỉ 80% vật chất từ hành tinh Theia. Vậy tại sao mặt trăng lại có cấu tạo giống với trái đất hơn là hành tinh Theia?
|
Một cách giải thích là Theia và trái đất sơ khai có cấu tạo giống nhau. Một cách giải thích khác là khi cả hai va đập vào nhau đã "hòa trộn" quá kỹ. Tuy nhiên cả hai cách giải thích này đều khó xảy ra.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng thật ra có một khác biệt nhỏ giữa trái đất và mặt trăng về thành phần đồng vị oxy của chúng, nên trái đất và mặt trăng cơ bản không hề giống nhau. Hơn nữa, khác biệt này càng rõ hơn khi quan sát đá lấy từ lớp manti của mặt trăng - tức là lớp ngay dưới lớp vỏ. Lớp đá này có nhiều đồng vị oxy nhẹ hơn so với trái đất. Có thể xem lớp vỏ ngoài là nơi được cấu tạo từ sự trộn lẫn của các mảnh vỡ vũ trụ, trong khi đó, sâu trong lòng mặt trăng lại là những mảnh vỡ từ hành tinh Theia.
Vì vậy, hành tinh Theia và trái đất không giống nhau, và mặt trăng với Trái đất cũng không hề giống nhau. Nhưng kết quả nghiên cứu trên cũng đã làm rõ thêm về hành tinh Theia.
Hành tinh Theia gần đây cũng đã được các nhà khoa học chứng minh là có tồn tại, dựa trên tàn tích còn sót lại bên trong lớp manti của trái đất.
Bình luận (0)