Hành, tỏi xuất khẩu tăng 360% nhưng vẫn… rớt giá

17/03/2023 17:56 GMT+7

Sóc Trăng, thủ phủ của củ hành tím đang vào vụ thu hoạch rộ, giá giảm còn một nửa so với đầu năm. Đây cũng là khó khăn chung của nhóm hàng rau gia vị của Việt Nam.

Ngày 17.3, Diễn đàn kết nối nông sản 970 (thuộc Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím".

Xuất khẩu ít, đầu ra bấp bênh

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó đa phần xuất sang các thị trường châu Á với Trung Quốc là thị trường chính đạt 17 triệu USD.

Hành, tỏi xuất khẩu tăng 360% nhưng vẫn… rớt giá - Ảnh 1.

Cần xây dựng thương hiệu cho hành tím Sóc Trăng để hướng đến xuất khẩu

THANH DUY

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, sản lượng củ hành nói chung của Việt Nam 200.000 tấn/năm, trong 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn. Đây là con số rất nhỏ nên cần đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.

Sóc Trăng là địa phương có diện tích và sản lượng trồng hành tím lớn nhất cả nước với sản lượng trên 90.000 tấn, trên diện tích 6.500 ha. Ông Trần Trọng Khiêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng thông tin: Trước Tết Nguyên đán, giá hành tím thu hoạch sớm dao động từ 38.000 - 45.000 đồng/kg. Sau tết, giá bắt đầu giảm, tính đến nay giá hành dao động từ 15.000 - 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân, thời điểm này đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.

"Chúng tôi mong muốn kết nối với các doanh nghiệp, kênh phân phối trên cả nước để tiêu thụ và chế biến sản phẩm nhằm ổn định giá thành cho bà con nông dân. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tham gia đầu tư và liên kết sản xuất với nông dân", ông Khiêm nói.

Tại khu vực phía Bắc, bà Phạm Thị Đào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương thông tin: Tổng diện tích hành, tỏi của tỉnh Hải Dương hằng năm đạt trên 6.600 ha. Trong thời gian qua, sản xuất tiêu thụ hành của địa phương gặp nhiều khó khăn ở khâu chế biến và bảo quản. Hình thức bảo quản chủ yếu là thủ công, chưa có hệ thống kho hiện đại nên tỷ lệ hao hụt cao. Việc xây dựng chuỗi vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong nước, thiếu tính ổn định…

Nâng cao chất lượng để chế biến và xuất khẩu

Trước tình trạng giá cả bấp bênh của ngành rau gia vị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm (FFA) cho biết: Hành tím và hành lá là mặt hàng mà các đơn vị chế biến lương thực thực phẩm sử dụng rất nhiều. Riêng mặt hàng mì ăn liền, tại TP.HCM, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất ra trên 7 tỉ gói nên cần rất nhiều mặt hàng hành cũng như một số loại rau sấy khô.

"Các thành viên FFA có kế hoạch phối hợp đầu tư kho lạnh tại vùng sản xuất để lưu trữ, bảo quản một số mặt hàng gia vị như hành tím, hành lá, ớt... giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ", bà Chi thông tin.

Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Central Group, ông Paul Le nói: Hành, tỏi là sản phẩm gia vị thiết yếu trong mỗi bữa ăn. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch tăng cường tiêu thụ mặt hàng này trong hệ thống siêu thị của mình. Tuy nhiên, sản phẩm cần đáp ứng một số tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã. Bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, chúng ta cần quan tâm đến mẫu mã, đóng gói, thương hiệu để có thể bán ra thị trường quốc tế.

"Chẳng hạn, Sóc Trăng là địa phương đứng đầu về sản xuất hành tím, địa phương cần xây dựng thêm thương hiệu của nông sản này, nêu được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm", ông Paul Lê khuyến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.