Mang đến trường quay Trạm yêu thương món nem rán do chính tay mình làm, Hoàng Thị Minh tự tin giới thiệu về niềm đam mê nấu ăn của mình. Minh muốn tự tay nấu ăn cho những người mình yêu thương dù căn bệnh xương thủy tinh không cho phép cô gái sinh năm 2000 này hoạt động nhiều.
Với Minh, căn bệnh xương thủy tinh chỉ là bất tiện trong cuộc sống nhưng điều đó không làm cuộc sống bớt thú vị. Minh cảm nhận cuộc sống bằng sự lạc quan và những niềm vui nho nhỏ từ việc quan tâm đến mọi người xung quanh.
Nhớ về tuổi thơ, Minh không khỏi bùi ngùi xúc động. Minh là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em, nhưng có đến 3 người mắc xương thủy tinh. Gia đình nghèo càng thêm khó khăn chồng chất song luôn đầy ắp tình yêu thương của các thành viên trong gia đình.
Càng lớn lên, nhận thấy bản thân không phát triển, thân hình nhỏ bé và lưng bị gù, khác biệt với mọi người, Minh càng thu mình lại. Tự ti về ngoại hình sau những lời trêu chọc của bạn bè, Minh từng có ý định bỏ học khi sắp hoàn tất chương trình cấp 2.
Cánh cửa này đóng thì cánh cửa khác sẽ mở ra
Giữa những ngày chơi vơi vô định, cho rằng mình không có ý nghĩa trong cuộc sống này, nhờ một câu nói của người chị hàng xóm đã khiến Minh mạnh mẽ hơn: "Hãy chứng minh với mọi người rằng mình tàn nhưng không phế". Kể từ đó, cô gái nhỏ quyết tâm học thật giỏi để chứng minh rằng mình có thể làm được bất kỳ việc gì như người bình thường.
Dù học tốt, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên Minh từng không dám nghĩ về tương lai. Cô thi đỗ Đại học Y nhưng phải bỏ lỡ cơ hội do không có đủ điều kiện về kinh tế để theo học. Việc từ bỏ việc học ở ngôi trường mơ ước là quyết định không hề dễ dàng.
Cho đến tận bây giờ khi nhắc lại, Minh vẫn không kìm được những giọt nước mắt: "Ban đầu em cũng không muốn chấp nhận nhưng sự thật lại không thể thay đổi. Em phải luôn tự động viên bản thân rằng cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra".
Năm 18 tuổi là bước ngoặt cuộc đời khi Minh quyết tâm một mình ra Hà Nội, bất chấp sự phản đối của gia đình. "Em từng nghĩ nếu cứ sống mãi trong sự yêu thương, bảo bọc của gia đình thì không thể trưởng thành được. Em cũng muốn có một công việc cho bản thân để giảm bớt gánh nặng cho gia đình", Minh chia sẻ. Đó cũng là lý do cô lựa chọn dấn thân vào hành trình đầy chông gai phía trước không chút sợ hãi.
Quả thật, một cánh cửa khác đã mở ra với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của Hoàng Thị Minh. Thời gian đầu, Minh từng khóc vì nhớ nhà rất nhiều, thậm chí còn muốn từ bỏ. Thế nhưng nhờ sự động viên của đồng nghiệp và bạn bè, cô dần vững tin hơn.
Đi làm nhiều, va vấp nhiều, Minh càng dũng cảm nắm bắt cơ hội cho mình. "Phải thử mới biết được, cứ cố gắng thì mọi nỗ lực sẽ được đền đáp", cô gái 10X thường tự an ủi bản thân. Hiện tại, Minh đang có một công việc ổn định với vai trò tư vấn và chăm sóc khách hàng.
Đối với cô, việc lên Hà Nội có một công việc mang lại thu nhập đã từng là một giấc mơ xa vời, nhưng thật may, sau 6 năm một thân một mình ở thủ đô, Minh đã chứng minh mình có thể tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân.
Chia sẻ về động lực khiến mình mạnh mẽ, Minh bật mí tất cả đều đến từ gia đình. Minh muốn gia đình tự hào về mình, vì vậy cô càng quyết tâm làm việc để có thể lo được cho bản thân và những người mình yêu thương. Mỗi năm chỉ có thể về thăm gia đình một lần, Minh luôn duy trì thói quen gọi điện để hỏi thăm mọi người.
Với khao khát được thử thách bản thân và dũng cảm theo đuổi lý tưởng của mình, cô gái nhỏ Hoàng Thị Minh đã nỗ lực vươn lên số phận khắc nghiệt để làm chủ cuộc sống cô mong ước. Hành trình truyền cảm hứng đó sẽ được kể lại qua Trạm yêu thương với chủ đề "Bước tới mặt trời" được phát sóng lúc 10 giờ ngày 13.7 trên kênh VTV1.
Bình luận (0)