Hành trình cứu con trong tuyệt vọng của nhà vô địch Para Games Nhữ Thị Khoa
18/07/2015 05:41 GMT+7
(TNO) Nhà vô địch Para Games Nhữ Thị Khoa đang phải bước vào một đấu trường mới, gian truân và khốc liệt hơn tất cả những hành trình chị đã trải qua: cứu con gái khỏi bàn tay tử thần.
Tự động phát
(TNO) Nhà vô địch ASEAN Para Games Nhữ Thị Khoa đang phải bước vào một đấu trường mới, gian truân và khốc liệt hơn tất cả những hành trình chị đã trải qua: cứu con gái khỏi bàn tay của tử thần.
Chị Nhữ Thị Khoa đang bước vào một hành trình mới đầy nước mắt: giành giật sự sống cho con khỏi tay tử thần - Ảnh: Lê Nam
|
Nhìn Nhữ Thị Khoa mím chặt môi, gồng cánh tay, lăn bánh xe trên đường chạy 100 m, 200 m rồi 400 m ở Mỹ Đình hồi năm 2003 đã nhiều lần, song, chúng tôi vẫn bất ngờ gặp lại chị sáng qua. Nhà vô địch ASEAN Para Games đang mướt mát mồ hôi, lết từng bước trong gian bếp nấu cho con gái bữa cơm sáng. Người từng giành 16 HCV sau các giải thể thao cho người khuyết tật trong nước và Đông Nam Á hốc hác đi nhiều quá. Nhữ Thị Yến Chi, con gái 9 tuổi của chị bị rối loạn sinh tủy đã gần 1 năm nay. Cháu ngủ mê mệt sau một đêm đánh vật với những cơn ho đến không thở nổi.
VIDEO: Nhà vô địch Para Games Nhữ Thị Khoa chăm sóc con gái bệnh tật |
Nước mắt mẹ ứa ra vì tiếng ho của con
“Mẹ ơi, con đau đầu lắm. Cứu con với”, Yến Chi quằn quại trong chiếc chăn mỏng trên giường, cháu ôm chặt hai tay lên đầu, giọng đã khàn đặc lại vì bị ho quá nhiều. Chị Khoa ôm con vào lòng, nước mắt ứa ra, “Mẹ biết rồi, mẹ biết rồi. Mẹ đang ở đây cho con ăn, con uống thuốc rồi sẽ khỏi”. Chi không giãy giụa nữa, cháu nằm gọn trong lòng mẹ, thở yếu ớt như một con mèo hen.
Cháu Yến Chi nằm vật vã giữa những cơn đau của bệnh rối loạn sinh tủyChị Khoa chăm sóc con gáiNgười mẹ lết đi bằng sức lực của hai bàn tay mang cơm từ bếp lên tầng 2 cho con gái, tất cả những thử thách trong cuộc sống không làm người mẹ gục ngãBữa cơm đạm bạc của hai mẹ con, Yến Chi chỉ thích ăn cơm nắm chấm mắm, chị Khoa nấu mì để ăn từ sáng tới qua bữa trưa - Ảnh: Lê Nam
|
Chi được phát hiện ra bệnh rối loạn sinh tủy từ tháng 8 năm ngoái, sau khi bị sốt liên miên, trên người bỗng dưng xuất hiện các vết bầm tím. Từ bệnh viện Thanh Nhàn, cháu được chuyển tới Viện huyết học truyền máu Trung ương, tuy nhiên các bác sĩ chỉ thở dài, không dám nói trước điều gì. Ròng rã gần 1 năm qua, Yến Chi sống nhờ hoàn toàn vào nguồn máu của người khác, mỗi tháng cháu tới Viện một lần, mỗi lần nằm đó có khi cả 2 tuần lễ.
Căn nhà rất nhỏ nằm trong con ngõ hẹp của phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) gần một năm nay im lìm, vắng vẻ hơn trước nhiều. Chi không còn đến trường được thường xuyên như trước, từ một cô bé hoạt bát hay nói cười, cháu nằm mê man trên giường và những khi thức giấc bỗng thành cô bé khác, cáu gắt nhiều hơn.
“Tôi đứt từng khúc ruột khi nghe tiếng con ho như xé vải trong đêm. Sáng ra, con bé đau đầu quá, có khi hét ầm lên với mẹ. Nhưng có khi, đột nhiên tỉnh giấc, cháu ghé sát vào tai tôi bảo, mẹ ơi, con yêu mẹ lắm. Tôi không biết mình có sống nổi không khi một ngày con sẽ rời tôi mà đi”, chị Nhữ Thị Khoa mắt đỏ hoe.
Chi đang là học sinh lớp 2 trường tiểu học Minh Khai, cháu có bảo hiểm y tế, nhưng vì bệnh của Chi là bệnh hiểm nghèo, lượng máu truyền vào cơ thể lớn, dù chỉ phải đóng 20% viện phí, số tiền chị Khoa cứu con trong suốt gần 1 năm qua cũng lên đến hàng chục triệu đồng.
Hạnh phúc bình yên của người mẹ, khi Chi tỉnh dậy, cháu cười tươi và không còn ôm đầu vì những cơn đauYến Chi thay đổi tính cách từ sau khi bị bệnh, nhưng đôi khi, cháu chợt tỉnh giấc và nói, "con yêu mẹ"
Khoảnh khắc hạnh phúc của chị Nhữ Thị Khoa. Chị Khoa nhìn vào bằng khen Huân chương lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng mình năm xưa để có thêm một chút động lực tuyên chiến với những khó khăn mình đang trải qua - Ảnh: Lê Nam |
“Có lần đóng 6 triệu, lần thì 4 triệu, ít nhất cũng là 2 triệu rưỡi, rồi tiền mua thuốc nam cho con uống thêm. Mình có bàn tay, mình sẽ làm ra tiền, tôi chỉ sợ ngày con ở lại với mình mỗi ngày một ít đi”, người mẹ bất lực nói rất khẽ khi nhìn Chi liêu xiêu bước vào nhà tắm để rửa mặt.
Mấy ngày nay Chi mệt nhiều hơn trước. Cháu ho nhiều hơn, cả đêm ngủ được vài tiếng, những cơn đau đầu dồn dập đến. Chị Khoa nghỉ đi bán trái cây 20 ngày nay để chăm con, suốt 1 năm qua người mẹ lúc nào cũng lo con gái bị xây xước tay chân. Bệnh của Chi, máu không thể đông, máu có thể tuôn không ngừng có khi chỉ vì đầu ngón tay bị cứa.
Đấu trường nào cũng đầy nước mắt
Sinh năm 1971, 44 năm qua, chị Nhữ Thị Khoa chưa từng có một ngày hạnh phúc bình yên. Năm 3 tuổi, sau một cơn tai biến, cả 2 chân của chị co rút lại rồi bại liệt. Chị Khoa lớn lên khi đôi tay làm thay chức năng của bàn chân.
Từ hơn 10 tuổi, Nhữ Thị Khoa đã tự kiếm tiền bằng cách lết người khắp nơi trong huyện Ứng Hòa, Hà Nội (trước đây là Hà Tây) bán kẹo lạc, thuốc lá cuốn. Hơn 20 tuổi, chị lên Hà Nội, mua một chiếc xe lắc rồi mưu sinh bằng nghề bán bánh mì tại các khu tập thể khu Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng.
Phương tiện mưu sinh của chị Khoa bao nhiêu năm quaTấm lòng của mẹ con bà Nguyễn Thị Thu với mẹ con chị Nhữ Thị Khoa - Ảnh: Lê Nam
|
Tình cờ nhờ một khách hàng quen là 1 VĐV, chị Khoa tìm đến trung tâm huấn luyện thể thao cho người khuyết tật ở phố Khúc Hạo, Hà Nội, xin làm VĐV. Chìa đôi tay ra, Nhữ Thị Khoa chỉ cho chúng tôi những chỗ nào trước đây chi chít những vết bầm dập, phồng dộp và tứa máu vì lăn bánh xe trên đường chạy.
Sáng đi tập luyện, chiều đi bán bánh mì, trái cây, cô gái chưa bao giờ nghĩ đến một ngày mình là nhà vô địch các giải thể thao trong nước, chiến thắng ở 2 kỳ đại hội thể thao khuyết tật Đông Nam Á liên tiếp (Para Games 2003 và 2005), được sang cả Hy Lạp tham dự Olympic cho VĐV khuyết tật năm 2004, mang về tổng cộng 16 HCV trong suốt chặng đường VĐV, được Chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động hạng Nhì.
Năm 2006, Nhữ Thị Khoa chia tay thể thao, quay lại với công việc bán trái cây mưu sinh. Cùng năm này, chị sinh Yến Chi giữa sự thiếu thốn tình cảm của người chồng, khi cha của con gái là một người đàn ông đã có gia đình ở quê. Hai mẹ con đùm bọc nuôi nhau, bỗng một ngày chị nghe tin con gái mắc bệnh hiểm nghèo. Hạnh phúc chưa kịp mỉm cười đã chìm trong nước mắt...
Chị Khoa giành được 16 HCV trong đời VĐV của mình, nhưng tất cả giờ đã là dĩ vãng, chị đang bước vào một đấu trường khác giành sự sống cho con gái - Ảnh: Lê Nam
|
Trong căn nhà rất nhỏ ở phố Kim Ngưu (căn nhà được xây dựng năm 2005 bằng chính những đồng tiền xương máu của chị Khoa từ việc bán bánh mì, trái cây và tiền thưởng Para Games), những tấm bằng khen một thuở của "cô gái vàng" đã bị mối, nước mưa làm cho nham nhở. Nó nằm im lìm trong một góc phòng, giữa bộn bề thuốc men của con gái.
Cuộc vật lộn với tử thần, giành giật sự sống cho con đã lấy đi của chị gần như tất cả thời gian, tâm trí và sức lực của một người khuyết tật. Nhưng người mẹ bảo với chúng tôi, dù thế nào, chị cũng không được ốm bây giờ. Con gái chị cần chị. Chị sẽ không đầu hàng, dù cơ hội chữa khỏi bệnh cho con mong manh hơn ngọn đèn trước gió...
Nhữ Thị Khoa, Vũ Bích Hường không đơn độc
Gần đây, biết tin con gái VĐV khuyết tật Nhữ Thị Khoa mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều người dân từ nhiều nơi đã tới tận nhà thăm hỏi, tặng quà động viên.
Trong sáng nay, 17.7, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Thu, 65 tuổi, phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã tới tặng mẹ con chị Khoa 2,5 triệu đồng và 20 kg gạo.
Về trường hợp của chị Vũ Bích Hường, “nữ hoàng điền kinh” bị sụp đốt sống 4, 5 từng được Thanh Niên Online thông tin, chị đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần của độc giả khắp cả nước.
Mới đây, chị Hường được Bệnh viện Quốc tế Vinmec đưa đi khám, tư vấn điều trị miễn phí. Một độc giả Việt kiều tên là Michael Phúc cũng mang từ Mỹ về một chiếc máy tập phục hồi chức năng tặng cho chị Hường...
|
Bại liệt
Hiểm nghèo
rối loạn sinh tủy
đấu trường mưu sinh
VĐV khuyết tật
Nhữ Thị Khoa
khuyết tật
Para Games
Vũ Bích Hường
Bình luận (0)