Hành trình đạo nghĩa: Binh sĩ trẻ về chiến trường xưa

01/05/2014 03:15 GMT+7

Họ không phải là những cựu binh Mỹ trở lại chiến trường xưa mà là những binh sĩ tại ngũ hẳn hoi, tuổi đời còn rất trẻ, có người chỉ ngoài 20.

Họ không phải là những cựu binh Mỹ trở lại chiến trường xưa mà là những binh sĩ tại ngũ hẳn hoi, tuổi đời còn rất trẻ, có người chỉ ngoài 20.

>> 30.4.1975 - 30.4.2014: Hành trình đạo nghĩa

 Các binh sĩ Mỹ đào đất tại khu khai quật - Ảnh: Độc Lập
Các binh sĩ Mỹ đào đất tại khu khai quật - Ảnh: Độc Lập

Các binh sĩ lục quân Mỹ ấy thuộc những toán tìm kiếm khai quật lặn lội ở những vùng thôn quê hay rừng sâu núi thẳm ở VN trong nhiệm vụ tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích. Và trong đoàn quân đó, có cả những khuôn mặt tuy lạ mà quen, tưởng chừng như đến từ một quá khứ chia cắt xa xôi song lại hòa mình trong dòng chảy sống động của sự hợp tác hiện tại và tương lai.

Trên đồng ruộng VN

 

Tôi thấy thái độ của người dân cũng như quan chức địa phương ở hai hiện trường Trà Vinh và Bạc Liêu rất nhiệt tình qua hành động hăng say và niềm nở của họ

Đại tá lục quân Mỹ Tôn Thất Tuấn

Trong một dịp hiếm hoi, được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, chúng tôi có cơ hội tham gia cùng đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đi thực tế các hiện trường MIA ở đồng bằng sông Cửu Long vào trung tuần tháng 3.2014. Điểm đến là 2 hiện trường khai quật tại ấp 1A (xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) và ấp Rạch Rô 3 (xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Đây là 2 trong số 4 điểm khai quật thuộc khuôn khổ đợt hoạt động hỗn hợp tìm kiếm MIA lần thứ 114 tại VN.

Dù được giới thiệu trước nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh các binh sĩ Mỹ hì hục đào từng xô đất tại khu khai quật rộng chừng 1 ha ở ấp 1A. Hiện trường nằm trên một mảnh ruộng cách trung tâm xã độ chừng 20 phút đi vỏ lãi. Quá trình thu thập thông tin và bằng chứng trước đó gợi ý rằng đây là địa điểm một chiếc máy bay của quân đội Mỹ rơi vào năm 1965. Chúng tôi đến quãng giữa trưa, có khoảng hơn một chục binh sĩ, chuyên viên Mỹ cùng hàng chục lao động VN vẫn đang miệt mài xúc đất và chuyển đất đến rây sàng tại một lán trại vừa dùng làm nơi ăn ở vừa là nơi làm việc. Trong số những chuyên viên Mỹ có cả một nhà nhân chủng học chuyên làm công tác giám định các mẫu vật thu thập.

Công việc khai quật phần lớn được thực hiện với những phương tiện thô sơ, gần như không có loại máy móc công nghệ hiện đại nào như mường tượng trước đó của chúng tôi. Khu vực rây sàng trong lán trại chỉ đơn giản là những đường dây dẫn nước ở trên cao đổ xuống một bề mặt ngang dài các tấm lưới sắt có mắt nhỏ đủ để giữ lại mảnh vỡ của một chiếc răng. Cứ thế, đất được đổ vào các tấm lưới để các lao động Việt lẫn chuyên viên Mỹ hòa tan trong luồng nước, với hy vọng tìm thấy bất cứ thứ gì không phải là... đất. Những xô đất được xúc lên từ một khoảnh đất được chăng dây cách đó vài chục mét, nơi một số mẫu vật như dây điện, mẩu sắt nhỏ được cho là từ xác máy bay được phát hiện.

 Các binh sĩ Mỹ đào đất tại khu khai quật - Ảnh: Độc Lập
Công đoạn lọc đất - Ảnh: Độc Lập

Công việc xúc đất và cho vào xô được thực hiện bởi chính những người lính Mỹ, còn những lao động Việt đảm nhiệm việc chuyển đất và sàng lọc dưới sự quan sát của những chuyên viên Mỹ. Điều đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một nữ binh sĩ lục quân Mỹ ngoài 20 tuổi dáng người nhỏ hì hục xúc đất, công việc nặng nhọc nhất trong toàn bộ quy trình. Không hề có một sự ưu ái nào dành cho nữ quân nhân đến từ bên kia địa cầu, dù xung quanh là những binh sĩ Mỹ cơ bắp đầy mình.

Hợp tác sâu rộng

Theo đại tá lục quân Mỹ Tôn Thất Tuấn, người đại diện Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) trong chuyến đi, để có thể tiến hành một cuộc khai quật hiện trường như thế đòi hỏi nhiều năm làm việc rất kỹ lưỡng và kiên nhẫn của các chuyên gia khác nhau trong tiến trình hợp tác giữa hai quốc gia. Tiến trình thường bao gồm 5 giai đoạn: Thương lượng về hợp tác; Nghiên cứu và phân tích thông tin tư liệu giữa hai phía Mỹ và VN; khảo sát chi tiết và phỏng vấn nhân chứng; khai quật hiện trường và xác định về hài cốt.

Đại tá Tuấn là một người gốc Việt, hiện phục vụ trong quân đội Mỹ với chức vụ Phó trưởng phòng Chính sách quân sự về Đông Nam Á của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Trách nhiệm của ông là phát triển mối quan hệ quân sự song phương Mỹ - Việt. Ngoài ra, Trưởng văn phòng MIA Mỹ tại VN thuộc Lực lượng hỗn hợp kiểm kê tù binh và người mất tích Mỹ (JPAC), trung tá lục quân Mỹ Julian Trần cũng là một người gốc Việt từng có nhiều năm tham gia quá trình hợp tác MIA giữa hai quốc gia. Sự có mặt của họ có vai trò như một chiếc cầu nối về ngôn ngữ, văn hóa để thuận tiện hóa quá trình hợp tác nhân đạo giữa hai nước, biểu tượng nối kết từ quá khứ đến tương lai trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Việt ngày càng được nâng tầm.

Trao đổi với chúng tôi sau khi kết thúc chuyến đi, đại tá Tuấn chia sẻ: “Tôi thấy thái độ của người dân cũng như quan chức địa phương ở hai hiện trường Trà Vinh và Bạc Liêu rất nhiệt tình qua hành động hăng say và niềm nở của họ”.

Nhận xét về sự hợp tác MIA, ông Tuấn nói rằng chương trình MIA đã diễn ra hơn 25 năm nay và việc hợp tác nhân đạo này giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục rất tốt đẹp. Ông cũng không quên cảm ơn “sự quan tâm và hợp tác của Chính phủ VN cũng như người dân VN để đem lại sự bình yên cho gia đình của những người quá cố”.

Theo đại tá Đào Xuân Kính, Phó giám đốc Cơ quan VN tìm kiếm người nước ngoài mất tích - Chỉ huy trưởng Cơ quan MIA/Bộ Quốc phòng, một hiện trường khai quật như thế thường hoạt động từ 2 tuần đến một tháng. Nếu không thu được kết quả, các đội khai quật tìm kiếm sẽ rút đi và tiếp tục chờ đợi thêm những thông tin mới về các trường hợp mất tích.

Sơn Duân - Độc Lập

>> Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới
>> Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc
>> Bỏ qua thôi, gần 40 năm rồi!'...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.