Bất ngờ tại sân bay
Nhận được thông tin chúng tôi là Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đến thăm và làm việc tại Sri Lanka (theo lời mời của Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka), tôi hơi bất ngờ và thoáng chút lo ngại, bởi đây là đất nước từng xảy ra khủng bố năm 2019 và "vỡ nợ" năm 2022. Tuy nhiên, xác định đây là một chuyến đi hiếm có, nên cả đoàn vẫn hào hứng lên đường.
Do chưa có đường bay thẳng, đoàn chúng tôi gồm 7 người (do anh Trần Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn, Trưởng ban Kiểm tra T.Ư Đoàn, làm trưởng đoàn) phải quá cảnh ở sân bay Thái Lan khoảng 9 tiếng, rồi mới bay sang Sri Lanka trên chuyến bay cất cánh lúc 21 giờ đêm 1.4.
Khi máy bay hạ cánh sân bay quốc tế Bandaranaike, thủ đô Colombo, Sri Lanka đã là 0 giờ theo giờ địa phương và ở Việt Nam vào khoảng 1 giờ 30 sáng 2.4. Anh Nguyễn Hiếu Trung (Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai) ví von: "Chúng ta đang đi ngược thời gian để đặt chân tới Colombo".
Thấy hành trình đi dài và quá cảnh mất nhiều thời gian, nên trước đó đoàn đã quyết định mặc trang phục tự do (không mặc đồng phục áo xanh thanh niên) trong ngày đầu tiên, để phù hợp với hoàn cảnh. Chúng tôi cũng nghĩ đến nước bạn vào giờ đó, chắc bạn chỉ đưa xe đón về chỗ ở, nên không ai "chăm sóc" về hình thức. Sau một chặng dài chờ đợi và di chuyển, hầu như ai cũng mệt và còn ngái ngủ.
Khi xuống sân bay, chúng tôi thấy một đoàn khoảng 10 người, trong đó có cả một người quay phim, một người chụp ảnh đã đợi sẵn (sau này tôi mới biết họ là phóng viên thuộc cơ quan truyền thông của Chính phủ Sri Lanka). Họ ăn mặc rất lịch sự, trên tay mỗi người cầm một bông sen và trân trọng trao tặng chúng tôi.
"Hoa sen! Loại hoa của Việt Nam luôn được trân trọng như một quốc hoa, sao lại có mặt ở quốc đảo này?", tôi lạ lẫm tự hỏi. Rồi sau đó tôi mới biết hoa sen chính là quốc hoa của Sri Lanka. Không chỉ trao hoa, họ trao cho chúng tôi mỗi người một túi quà và hành động nào cũng được chụp ảnh, ghi hình rất trang trọng.
Ôi thôi! Thực sự là chúng tôi thấy ái ngại vì đã không chuẩn bị trước tình huống này. Thế nhưng, sự ân cần của họ cũng làm chúng tôi bớt áy náy vì sự ăn mặc tự do của mình. Anh bạn trao hoa, quà cho tôi có gương mặt khá điển trai, thân thiện (sau này tôi mới biết đó là anh Buddikha, Thư ký phụ trách báo chí của Thủ tướng Sri Lanka). Rồi anh bạn không ngần ngại kéo vali giúp tôi, mọi thành viên trong đoàn cũng được giúp như vậy.
Vị trưởng đoàn nước bạn khiến chúng tôi ngỡ ngàng hơn, khi ông là Ủy viên T.Ư Đảng Mặt trận nhân dân thống nhất (MEP), Chủ tịch điều hành Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka. Ông Samantha Udaya Kumara Gamage cũng không ngần ngại hỗ trợ vận chuyển đồ đạc cho chúng tôi lên tận phòng.
Lá trầu và sự đồng điệu
Về tới phòng, mở túi quà, chúng tôi thấy ấm lòng vì trong túi có những gói bánh quy xinh xắn. "Dường như bạn sợ mình đói sau một đêm di chuyển", chị Huỳnh Thị Cẩm Hồng (Bí thư Huyện đoàn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) tinh tế lý giải về món quà thú vị này. Nơi chúng tôi ở là Trung tâm Dịch vụ thanh niên quốc gia, thuộc Bộ Nội vụ Sri Lanka. Phòng ở nhỏ gọn, đảm bảo đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi người và đó là những gì tốt nhất bạn dành cho chúng tôi.
Sáng hôm đó, diễn ra cuộc hội đàm của Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam với Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka. Chúng tôi lại ngỡ ngàng với màn đón rước trọng thị của các bạn. Một đoàn biểu diễn nhạc cụ truyền thống đã đón chúng tôi đi đến phòng diễn ra hội đàm. Họ vừa đi vừa biểu diễn, với tiếng trống và điệu múa Sri Lanka rộn rã. Điều ngạc nhiên nữa là, các bạn lại mỗi người cầm trên tay một tập lá trầu không và trao cho chúng tôi.
Tôi chợt nghĩ đến phong tục truyền thống của Việt Nam với câu: "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Lẽ nào họ đã tìm hiểu và hành động theo văn hóa của Việt Nam?
Tuy nhiên, không phải chỉ có Việt Nam dùng trầu để mời nhau, mà ở đất nước xa xôi với những người khác biệt hoàn toàn về sắc tộc này, họ cũng đã dùng lá trầu là sự khơi mở tình cảm, khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn.
"Lá trầu có nhiều công dụng, được chúng tôi dùng làm thuốc chữa bệnh. Người Sri Lanka cũng ăn trầu, nên chúng tôi thường tặng trầu như một lời chúc sức khỏe gửi tới những người mình kính trọng", anh Damitha, Trưởng ban Quốc tế của Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka lý giải.
Hoa sen, lá trầu đã khiến tôi cảm nhận được sự tương đồng giữa những người ở hai đất nước Việt Nam - Sri Lanka cách nhau hơn 7.000 km. Tại buổi hội đàm này, các hoạt động của Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka cũng có rất nhiều hoạt động tương đồng với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Tôi nhận ra rằng dù là đất nước nào, tổ chức của thanh niên cũng rất quan trọng, để phát huy sức trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay đêm đó, Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka tiếp tục để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi bằng buổi biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống của Sri Lanka. Đặc biệt, kết thúc chương trình, trên sân khấu tung bay lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam và bài Tiến quân ca vang lên, chúng tôi đã cùng các bạn chào cờ trong tiếng quốc ca thiêng liêng của hai nước.
Nơi in dấu chân Bác Hồ
Chúng tôi đã rất xúc động và tự hào khi được đến tham quan tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh ngay giữa thủ đô Colombo. Đây là tượng đài lãnh tụ nước ngoài đầu tiên được xây dựng ở khu công cộng của quốc đảo này.
Tại đây, chúng tôi được chứng kiến tình cảm của người dân Sri Lanka dành cho Việt Nam và Bác Hồ. Có nhiều sách về Bác được dịch thành tiếng địa phương và những bức ảnh về quá trình tìm đường cứu nước của Bác cũng hiện hữu trong không gian của Thư viện thủ đô Colombo.
Chúng tôi đã được biết, trong những ngày đầu trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Sri Lanka lần đầu tiên ngày 14.6.1911. Sau này, Người đến Sri Lanka 2 lần. Người cùng với người anh hùng dân tộc của Sri Lanka, Hon. Philip Gunawardena đã có những năm tháng tại Pháp, đấu tranh không mệt mỏi chống lại chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân toàn châu Á, trong đó có Việt Nam và Sri Lanka.
Việt Nam giành độc lập năm 1945, Sri Lanka giành được độc lập năm 1948. Nhân dân hai nước đã ủng hộ nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, người dân Sri Lanka từng biểu tình ở thủ đô Colombo để ủng hộ cuộc đấu tranh này.
Đến Sri Lanka, được theo dấu chân Bác, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về tinh thần quốc tế trong sáng của Người. Tại nơi đây, chúng tôi như được trở về nguồn, để hiểu hơn lịch sử dân tộc trong mối quan hệ quốc tế mà Bác đã đặt nền móng. Đất nước và người dân Sri Lanka hoàn toàn không còn xa lạ với chúng tôi nữa.
Những cuộc gặp gỡ bất ngờ
Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam sang thăm và làm việc ở Sri Lanka đã có những cuộc gặp gỡ rất ý nghĩa với lãnh đạo các đảng và Thủ tướng Chính phủ Sri Lanka.
Ngoài việc tiếp xúc và hội kiến với hai phó chủ tịch Đảng Mặt trận nhân dân thống nhất (MEP) Sri Lanka theo chương trình định sẵn, chúng tôi đã được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka mời gặp mặt.
Tưởng chừng những cuộc gặp gỡ đó đã là vinh dự lớn đối với Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam, nhưng trong ngày thứ 5, ngày làm việc cuối cùng của đoàn, lại diễn ra cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng với Thủ tướng Sri Lanka.
Hôm đó, chúng tôi được Liên đoàn Thanh niên Sri Lanka đưa đến tham quan và chiêm bái ngôi chùa Răng Phật (Sri Dalada Maligawa) tọa lạc tại TP.Kandy, miền Trung của Sri Lanka, cách thủ đô Colombo hơn 120 km. Đây cũng là ngày Thủ tướng Sri Lanka cùng gia đình đến cúng dường tại chùa, nhân dịp tết cổ truyền dân tộc Sinhala và Tamil của Sri Lanka.
Chúng tôi nghĩ rằng chắc chỉ được nhìn thấy Thủ tướng Sri Lanka và chào xã giao. Thế nhưng, không ngờ, tại không gian văn hóa này, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena đã dành cho chúng tôi rất nhiều thời gian để trò chuyện và giao lưu văn hóa.
Ngay sau cuộc trò chuyện, Thủ tướng Sri Lanka đã mời chúng tôi tham gia nghi thức cúng dường tại chùa với gia đình mình. Chúng tôi được vào tận cung cấm để chiêm bái xá lợi răng phật, quốc bảo của Sri Lanka.
Đặc biệt, đã được tự tay dâng những vật phẩm và thức ăn của gia đình Thủ tướng tới các nhà sư trong chùa. Tại Sri Lanka, Phật giáo được coi là quốc đạo với hơn 70% người dân theo đạo phật. Ở đây, các nhà sư có vị trí cao trong xã hội và luôn được coi trọng nhất.
Sự quyến rũ của thiên nhiên
Trong những ngày ở Colombo, ấn tượng của chúng tôi khi đi trên nhiều cung đường của thủ đô Sri Lanka là không gian thanh bình và sạch đẹp. Trên đường phố không có lao công, nhưng cũng không hề có rác thải. Những ngôi nhà nhỏ xinh được bao quanh bởi những tường rào là cây xanh, đẹp và bình yên.
Đến thăm thành phố Kandy, chúng tôi như được sống trong rừng, bởi ở đây có vô vàn cây cổ thụ và các loại chim muông. Nơi chúng tôi ở là một tòa nhà cổ, được thiết kế như lâu đài, dường như trước đây được để dành cho các vị vua chúa nghỉ dưỡng, bởi quốc đảo này từng là thuộc địa của Anh vào năm 1815 với tên gọi Ceylon. Ngôi nhà hướng ra một không gian mênh mông, xanh ngút ngàn.
Tuy ở đây tiện ích hầu như không có, bởi đồ dùng dường như chỉ là các vật dụng được trang bị từ rất lâu đời, nhưng bù lại, chúng tôi được sống trong một không gian thiên nhiên hoang dã và đầy thơ mộng.
Trong tiết trời nóng ẩm của vùng nhiệt đới, đã trải qua những ngày oi bức, khó chịu ở thủ đô Colombo, thì khi đặt chân đến nơi đây, chúng tôi như được "tắm" mình trong khí trời và gió mát. Buổi sáng khi mở cửa ra, ai nấy đều bất ngờ khi thấy những chú khỉ nhảy múa ngay trước mặt, chim chóc hót líu lo.
Khi đi dạo trên đường phố, hình ảnh ấn tượng nhất của chúng tôi là từng đàn chim sà xuống cạnh mình. Trên những cây xanh, tổ chim chi chít, chỉ cần với tay là có thể chạm vào được những chú chim non.
Cách chỗ chúng tôi ở không xa là khuôn viên Trường đại học Peradeniya rộng mênh mông với những thảm cỏ xanh ngút ngàn và rừng cây xanh đẹp như trong cổ tích. Chỉ tiếc rằng đoàn chúng tôi đã không thể dừng chân để "check - in". Nhưng đó có thể là sự quyến rũ và là một trong những động lực để chúng tôi mong muốn quay trở lại nơi này một lần nữa và nhiều hơn thế.
Ấn tượng khó phai
Trong hành trình tại Sri Lanka, chúng tôi đã xóa tan mọi lo ngại về sự bất ổn về an ninh và kinh tế. Chúng tôi luôn cảm nhận được sự thân thiện của người dân Sri Lanka, từ nữ nhân viên hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh, đến sự nồng hậu của người dân trên đường phố. Mỗi khi chúng tôi có nhã ý chụp ảnh, họ lại sẵn sàng làm dáng để chúng tôi ghi hình và còn xin lại những bức ảnh kỷ niệm qua AirDrop.
Sau khó khăn vì xảy ra khủng bố năm 2019 và đại dịch Covid-19, đất nước Sri Lanka lâm vào tình cảnh nợ nần và phải tuyên bố vỡ nợ vào năm 2022. Từ đầu 2023, tình hình Sri Lanka ổn định hơn và đã có những tín hiệu tích cực về phục hồi kinh tế vĩ mô. Tổng thống Ranil Wickremesinghe có vai trò trong việc mang lại sự ổn định cho Sri Lanka, dần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và phát triển.
Đã nhiều năm sống và làm việc tại Sri Lanka, Đại sứ Hồ Thị Thanh Trúc cho biết, người dân Sri Lanka hiền lành, yêu thiên nhiên và ý thức cao trong việc giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Họ cởi mở, hiếu khách, luôn dành cho khách nụ cười, tình cảm thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình cho du khách.
Từ năm 2023, du khách đến Sri Lanka ngày càng tăng, đặc biệt là khách châu Âu. Theo số liệu thống kê, khách du lịch đến Sri Lanka 3 tháng đầu năm 2024 là trên 600.000 người (cả năm 2023 khoảng 1,5 triệu người). Nếu như ở thời điểm 2022, một số Chính phủ ban hành cảnh báo về tình hình kinh tế, an ninh Sri Lanka, khuyến cáo công dân nước họ không nên đến du lịch nước này thì nay các khuyến cáo như vậy đã được dỡ bỏ.
Sự hiếu khách được chúng tôi cảm nhận rõ ràng hơn là dù bạn đang gặp khó khăn nhưng vẫn luôn dành cho Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam điều kiện tốt nhất. Họ nhường nhịn ngay cả trong bữa ăn cho người nước ngoài. "Nhường nhịn là đức tính rất quý của người dân ở đây. Có thể thấy là dù thời tiết nắng nóng, nhưng mọi người đều xếp hàng trật tự (mua sắm, vào cửa…), không có cảnh xô bồ, chen lấn, ồn ào", bà Thanh Trúc chia sẻ.
Ấn tượng khó phai là đồng hành cùng chúng tôi bất kể ngày đêm luôn có ông Samantha Udaya Kumara Gamage, Ủy viên T.Ư Đảng MEP, Chủ tịch điều hành Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka, và 2 thư ký của Thủ tướng Sri Lanka, anh Buddikha thư ký phụ trách báo chí, anh Samitha thư ký phụ trách quan hệ công chúng, cùng các thành viên Liên đoàn Thanh niên toàn Sri Lanka. Họ đã chăm lo cho chúng tôi như người thân của mình.
Trong hành trình này, đoàn đại biểu đã có những tràng cười hết cỡ khi có sự phiên dịch rất "chất" của anh Trần Đình Tuấn (chuyên viên Ban Quốc tế T.Ư Đoàn), với ngôn từ phong phú và thỉnh thoảng lại pha trò, khiến các bạn Sri Lanka cũng bật cười sảng khoái. Trưởng đoàn Trần Văn Đông rất cởi mở và thân thiện, cùng với sự hòa đồng của các đại biểu thanh niên Việt Nam, khiến các bạn Sri Lanka luôn cảm thấy ngập tràn yêu thương.
Lúc chia tay, họ lưu luyến tiễn chúng tôi ra tận sân bay. Ông Samantha Udaya Kumara Gamage và anh Trần Văn Đông đã ôm nhau thật chặt.
Anh Buddikha thốt lên: "Chúng ta là một gia đình!", còn anh Samitha hô vang: "Việt Nam, Hồ Chí Minh", khi cùng chúng tôi hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
Để có được những cuộc gặp gỡ ý nghĩa trên đất nước Sri Lanka, chúng tôi đã nhận được sự kết nối rất hiệu quả, tâm huyết của bà Hồ Thị Thanh Trúc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Sri Lanka.
Bà Hồ Thị Thanh Trúc cho biết, Sri Lanka là đất nước đa đảng, nhưng đảng nào cũng yêu quý Việt Nam, bởi nhân dân hai nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, đã được đặt nền móng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo bà Hồ Thị Thanh Trúc, chuyến thăm và làm việc lần này của đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam là dịp phát huy giá trị "Thế hệ Việt Nam", khơi dậy ký ức tốt đẹp về quan hệ hữu nghị, luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
"Chuyến thăm gia tăng sự gắn kết, tạo nền tảng xã hội, góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Sri Lanka lên bước phát triển mới", bà Hồ Thị Thanh Trúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)