Hành trình đầy yêu thương và dũng cảm của Trúc Nhi - Diệu Nhi

11/02/2021 00:11 GMT+7

Khi trời vừa mờ sáng, chiếc băng ca đẩy hai thiên thần nhỏ - cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi vào phòng phẫu thuật.

Hơn 100 y bác sĩ đã sẵn sàng cho ca mổ. Đó là ca phẫu thuật đánh dấu một cột mốc mới của y học Việt Nam sau 32 năm ca mổ tách rời Việt - Đức, cũng là cột mốc của tình yêu thương và một mối dây lịch sử.

Những trái tim kiên định

Ngày 15.7.2020, trong lúc các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đang căng thẳng tập trung cho ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi (cặp chị em song sinh dính liền phần bụng chậu vẫn được gọi chung là Song Nhi) thì tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Vũ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, cũng chia sẻ lại bức ảnh siêu âm hai bé cuộn tròn, áp mặt vào nhau với tiêu đề “Pray for them” (Cầu nguyện cho các con).

“Tôi ấn tượng mãi ánh mắt kiên định của cặp vợ chồng và lời tâm sự hai con là món quà được trời ban cho. Họ trẻ lắm, cơ hội có thai lại là dễ dàng. Có thể nói hai em bé đã được sinh ra từ sự dũng cảm của cha mẹ”

Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Phương, Phó khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương.

Nguyễn Đình Vũ là một trong những bác sĩ chuyên khoa sản đã đồng hành cùng ba mẹ Song Nhi; chăm sóc cặp song thai trong suốt thai kỳ đầy sóng gió. Bác sĩ Vũ còn nhớ như in những cung bậc cảm xúc lúc đó của vợ chồng thai phụ. Họ đã sốc, nước mắt tuôn chảy khi biết hai con dính nhau lúc khám thai ở tuần thứ 14. Bác sĩ giải thích tường tận về những khó khăn, nguy cơ sức khỏe cho mẹ và bé trong thai kỳ, lúc sinh và chặng đường dài cả gia đình sẽ phải “chiến đấu” kiên trì và kiên cường nếu giữ hai bé được chào đời.
“Họ sốc nhưng rất muốn tiếp tục, ánh mắt rất kiên định”, bác sĩ Vũ chia sẻ. “Chúng tôi sẽ giữ con”, lời nói ấy một lần nữa được đôi vợ chồng trẻ lặp lại khi thai nhi được 22 tuần, sức khỏe hai bé phát sinh vấn đề và có thể đe dọa tính mạng.
Thế là, tiếp tục cả chặng đường dài sau đó, các bác sĩ đã cùng vợ chồng thai phụ theo dõi sát sao thai kỳ, tái khám đều đặn và chuẩn bị tất cả các kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé khi chào đời; cũng như quá trình điều trị lâu dài cho hai bé.

Ca phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi thành công tốt đẹp

“Phải là người mẹ có tình yêu thương mãnh liệt mới có thể cưu mang thai nhi dị tật. Chưa nói đến sự nguy hiểm khi sinh con và hành trình dài nuôi dưỡng phía trước. Người mẹ trẻ ấy rất bản lĩnh. Tình mẫu tử ấy xứng đáng được vuông tròn”

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Anh Phương, Phó khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, các bác sĩ đã cố gắng theo dõi thai đến 29 tuần và yêu cầu sản phụ nhập viện ở tuần thứ 30. Hai bé dù có phần thân trên tách rời nhưng vẫn có sự truyền máu song thai lẫn nhau. Hai bé đều nhỏ hơn tuổi thai, chậm tăng trưởng. Ngay từ những tuần cuối thai kỳ, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã nhiều lần hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lên kế hoạch mổ sinh cho hai bé.
“Do hai bé dính liền một khối, có đường kính gấp đôi cơ thể bé sơ sinh bình thường, cũng sẽ gây vướng víu hơn nhiều khi bắt từng bé một ra như mổ song sinh thông thường. Vì vậy, làm sao đưa cả hai ra nhẹ nhàng mà không gây sang chấn, tổn thương. Nếu rạch một đường mổ dọc sẽ đưa em bé ra dễ dàng hơn nhưng người mẹ mang thai lần đầu, mổ dọc dễ khiến mang thai lần sau có nguy cơ bị vỡ tử cung hơn. Do đó, ê kíp mổ lấy thai quyết định vẫn mổ ngang nhưng hướng rạch dao đi chếch lên phía trên (đường mổ như đường cong miệng cười), đảm bảo đủ không gian lấy hai bé ra”, bác sĩ Phương kể.
Cặp song sinh vừa chào đời, ngay lập tức đã được ê kíp y bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chuẩn bị sẵn lồng kính có máy thở để đón nhận và hồi sức ngay tại phòng mổ. Các bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chăm sóc đặc biệt và chuẩn bị cho hành trình tìm lại hình hài trọn vẹn.
Hành trình đầy yêu thương và dũng cảm của Trúc Nhi - Diệu Nhi

Gia đình Song Nhi trong niềm vui xuất viện

Ảnh: Ngọc Dương

Phải kiên trì, phải cùng nhau cố gắng

Ngay từ tờ mờ sáng, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Chiếc băng ca, với hai thiên thần nhỏ được đẩy vào phòng mổ, qua nhiều lớp cửa. Người mẹ với theo, nắm chặt tay, gục mặt vào người ba, họ cùng khóc. Hai vợ chồng trẻ nhận được cái bắt tay đầy ấm áp động viên của một vị bác sĩ già. Đó chính là Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A, vị bác sĩ mà 32 năm trước là trưởng ê kíp ca mổ lịch sử tách cặp song sinh Việt - Đức.
Trúc Nhi - Diệu Nhi sinh ngày 7.6.2019 tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), là con của sản phụ 25 tuổi (ngụ Q.9, TP.HCM) mang thai lần đầu.

Cặp song sinh được xác định dính nhau vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, hai cơ quan sinh dục, một hậu môn.

Ngày 15.7.2020, ca phẫu thuật tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Ngày 7.10.2020, sau gần
3 tháng được chăm sóc hồi sức hậu phẫu, hai bé ổn định và được xuất viện.

Đây được đánh giá là ca tách rời song sinh dính liền phức tạp bậc nhất Việt Nam.
Hơn 100 y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, điều dưỡng và nhân viên y tế của các bệnh viện: Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Mắt,
Xuyên Á và Đại học Y Dược TP.HCM… đã tham gia ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 giờ. Đây được đánh giá là ca mổ tách rời song sinh phức tạp nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Sau đó, hai bé trải qua quá trình hồi sức hậu phẫu đầy khó khăn. Có 3 ê kíp trực thay phiên chăm sóc hai bé. Mỗi ê kíp có 2 bác sĩ trực 24/7, 4 điều dưỡng vòng trong và 1 điều dưỡng vòng ngoài giúp thăm khám, báo cáo diễn tiến sức khỏe của các bé và kết quả xét nghiệm. Các điều dưỡng vòng trong phụ trách chăm sóc toàn diện như truyền thuốc, lấy máu, hút đờm, xét nghiệm, tắm, massage, vệ sinh và theo dõi thông số máy thở... Trong khi đó, điều dưỡng vòng ngoài phụ trách hỗ trợ dụng cụ y tế cho các điều dưỡng vòng trong. Mỗi ngày các bé được xét nghiệm 4 lần để kiểm tra các chỉ số sức khỏe và được báo cáo cho phó giám đốc bệnh viện. Cứ 12 giờ, các bác sĩ sẽ họp giao ban tình hình sức khỏe của 2 chị em.
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ quá trình trả lại hình hài trọn vẹn, tách rời cho Song Nhi là thử thách không chỉ diễn ra trong hơn 12 giờ phẫu thuật mà là từ khi cặp song sinh chào đời. Hai bé và đội ngũ bác sĩ đã trải qua giai đoạn sơ sinh đầy sóng gió, rồi đến hành trình hồi sức khó khăn. Có lẽ vì thế mà Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã là mái nhà, các y bác sĩ, điều dưỡng trở thành những người ba, người mẹ nuôi của Trúc Nhi - Diệu Nhi.
“Các cô chú khoa hồi sức hụt hẫng vì thiếu tiếng cười hồn nhiên của Diệu Nhi, nét đăm chiêu tư lự của Trúc Nhi; nhưng sự trở về đoàn tụ với gia đình của các con chính là niềm hạnh phúc vô biên của những người đã ngày đêm miệt mài cân não chắp vá những công việc dở dang của tạo hóa, trả lại hình hài cho các con”, bác sĩ Định chia sẻ vào đêm trước ngày Trúc Nhi - Diệu Nhi xuất viện.
“Sau hơn 15 tháng nằm viện từ lúc chào đời, Song Nhi và các y bác sĩ, điều dưỡng đã gắn bó và cùng trải qua ca phẫu thuật, hậu phẫu lịch sử để thay đổi số phận, cùng nhau vượt khó và khôn lớn từng ngày trước sự theo dõi của biết bao tấm lòng mong đợi. Quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều yêu thương tại ngôi nhà, nơi đã sinh ra hai con lần thứ hai này”, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tâm sự.
“Con đường phía trước để đảm bảo sức khỏe trọn vẹn, để có được cuộc sống bình thường của hai con còn rất dài. Các con phải biết đi và đi đứng bình thường; ăn uống bình thường; phát triển như bao đứa trẻ khác và sau này trưởng thành, có thể tự tin, yêu đương, sinh con đẻ cái bình thường... Đó sẽ còn là nỗ lực rất lớn của gia đình và các y bác sĩ, phải kiên trì, phải cùng nhau cố gắng”, bác sĩ Trương Quang Định bày tỏ.

Giây phút hân hoan xuất viện của song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi và gia đình

Giáo sư Trần Đông A, người 32 năm trước là trưởng ê kíp mổ tách rời Việt - Đức, nay là tham vấn cho ca mổ tách rời Song Nhi

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

“32 năm trước, khi thực hiện ca mổ tách rời Việt - Đức, phải nói là dù rất khó khăn nhưng ai ở trong vị trí của tôi cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc vì đã trải qua và thực hiện thành công ca mổ trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn, khó khăn vô cùng về phương tiện, trang thiết bị y tế lúc bấy giờ, đến chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng da cũng không có. Đối với ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi lần này, có thuận lợi hơn vì bệnh viện hiện đại và đã có đầy đủ trang thiết bị tiên tiến cần thiết, chúng ta đã tiếp cận rất sát với tiến bộ y học thế giới. Tôi có hạnh phúc là được tham gia, chứng kiến hai cột mốc của ngành y tế ở hai ca phẫu thuật, với sự tiến bộ vượt bậc; đặc biệt là được thấy sự phát triển, trưởng thành và cùng được tham gia phẫu thuật với lớp bác sĩ kế cận”, Giáo sư Trần Đông A tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.