(iHay) Đôi khi trong cuộc đời, người ta có những hành trình lặp đi lặp lại, mà không hiểu sao mình lại nhất định phải trở về trên con đường cũ ấy.
>> Có một 'nước Pháp' trong lòng Malaysia
|
Khi gói ghém hàng trang rời Việt Nam, tôi không biết mình sẽ đi những đâu, ngoài tấm vé một chiều đến Singapore, chốn không dành cho dân du lịch bụi. Có lẽ bởi vì đó là đất nước lần đầu tiên tôi đặt bước chân mình ra ngoài thế giới, là đất nước mà tôi đã từng mơ ước được chạm vào từ thời sinh viên, rồi đi ngay khi tích cóp đủ 100 USD để mua một tấm vé khứ hồi.
Tôi bắt đầu hành trình từ Singapore, nhưng không đắm chìm vào những chốn phồn hoa ở trung tâm thành phố, mà lại đi rất xa, ra gần biên giới với Malaysia, nơi có những khu bảo tồn để đi bộ hết những con đường rừng nguyên sơ với đôi chân rã rời vì đi bộ hơn 40km. Bạn đồng hành không ai khác là bầy khỉ hoang.
Tất cả những điều diễn ra ở Singapore đã khiến tôi nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ đi đường bộ sang Malaysia, vào đúng ngày tết lớn nhất của họ. Tôi đã từng e dè trước thứ tôn giáo có tên đạo Hồi, vậy tại sao không một lần quay trở lại đất nước mà mình đã từng đi rất nhiều, và coi nó như một điểm quá cảnh nhàm chán? Đêm pháo hoa bừng lên ở tiểu khu Ấn là đêm cuối cùng tôi dành cho đất nước Singapore đa sắc tộc.
Một người bạn gốc Ấn đã nắm tay tôi rất chặt và đề nghị được ôm tôi vào cái ngày tôi đặt chân sang đất Joho Baru nơi cửa khẩu biên giới của Singapore và Malaysia.
Chuyến xe dài đưa tôi rời bến xe Laskin, hơn ai hết, tôi mong được đưa đi thật nhanh, khỏi Joho Baru, khỏi những tiếng la ó, mời chào, cái níu tay của những người đàn ông xa lạ.
Kỳ 1: Thành phố ngủ
Tôi đến Melaka vào một buổi chiều muộn, thành phố nhỏ sau cơn mưa nhìn chơ vơ đến tội nghiệp. Tất cả những gì mà Melaka phô ra trong tiếng nhạc xập xình của những chiếc xe lam chở khách cài đầy hoa không thể giấu đi được vẻ buồn bã của một đô thị đang bị hoang hóa bên sông.
|
Tôi vẫn nhớ mình đã đọc một cuốn sách nào đó nói về eo biển Melaka này, chỉ cái tên thôi cũng đủ làm khiếp sợ đám tàu bè giao thương mỗi lần ghé qua bởi nạn cướp biển. Đô thị sầm suất, tấp nập xưa kia bỗng trở thành một chốn bình yên, lãng mạn cuối tuần của khách du lịch. Ai đó ca ngợi Melaka là Venice của phương Đông. Tôi nhìn xuống dòng sông bé nhỏ, đục ngầu dường như đang oằn mình lên cho những con tàu chở khách du lịch lướt trên, bỗng thấy buồn. Hay bởi những nơi được ví với Venice thì luôn buồn như thế?
Thời gian đã phủ màu trên những di tích ở Melaka, thành phố cổ xưa nhất Malaysia. Thời gian cũng mang đến bao biến đổi thăng trầm cho mảnh đất gắn liền với sự xăm lăng, chiếm đóng. Hai bên bờ sông, thành phố được chia thành hai bờ đông - tây, mà khi đi qua nó, du khách không tinh ý sẽ chẳng bao giờ biết được đâu là dấu ấn của Hà Lan, của Bồ Đào Nha, của thực dân Anh.
|
Chiến tranh và nạn cướp bóc khiến người ta dần rời bỏ cố đô này. Những người gốc Ấn sống tách biệt ở một khu phố khác bên kia sông, trong khi người gốc Hoa bám lại phố cũ để mưu sinh, phục vụ khách du lịch. Thánh đường Pauls, pháo đài A’Famosa chỉ còn lại đống hoang tàn, phế tích. Có lẽ nhà thờ Đỏ là công trình kiến trúc nguyên vẹn nhất, lớn nhất ở Melaka mà ai ghé chân cũng phải lưu giữ một tấm hình.
|
Không phải tự dưng tôi gọi Melaka là thành phố ngủ. Phải ở lại đây, phải đi hết những con đường ngang ngõ dọc ở phố cổ mới hiểu tại sao tôi gọi nơi này như thế. Bởi cố đô này rất gần Kuala Lumpur, khách du lịch trong ngày thường đến từ 2 giờ chiều rồi rời đi vội vã lúc 5 giờ chiều cho kịp chuyến xe cuối.
Những nhà hàng nổi tiếng bán cơm gà viên, chè sendo... cũng phải đến 2 giờ chiều mới bắt đầu dọn hàng, mở cửa. Những kẻ ở lại lâu thường là dân du lịch bụi, cặp tình nhân yêu sự yên tĩnh, họ ngồi thờ ơ bên những ly cà phê ven sông, chờ đêm xuống.
|
Tôi nghĩ rằng nơi này đã rất sầm uất trở lại, khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2008 nhưng rồi nó lại trở nên buồn tẻ như bây giờ khi những tiểu thương rời đi vì kinh doanh không có lãi. Một đô thị liệu có thể giàu không nếu nó cứ ngủ say như Melaka? Một đô thị có thể vui không nếu tiếng cười nói chỉ rộn rã khi chiều đến rồi tất cả lại rơi vào im lặng, như dòng sông đang âm thầm ra biển ngoài kia? Melaka chỉ vui khi cuối tuần, và rồi mỗi sang thứ 2, trạng thái ngái ngủ lại trở về như cũ. Những ki ốt đóng cửa im lìm, những ngôi nhà bỏ hoang rêu phủ, chiếc giày ai bỏ quên ngoài hiên… Có quá nhiều điều bị bỏ lại ở nơi này, dù quá khứ đã ở rất xa.
Người lao động Việt Nam sang Malaysia rất nhiều, bằng nhiều hình thức. Họ làm thuê trong những công xưởng, quán ăn, tiệm bánh… khắp nơi trên đất nước đạo Hồi này. Tôi dễ dàng bắt chuyện với một vài người đồng hương trong hành trình của mình. Cuộc sống xứ người vất vả, họ vắt kiệt sức lao động của mình để kiếm tiền gửi về quê nhà nuôi gia đình.
Một người trong số họ đã nói với tôi: "Bọn em đi nước ngoài thì sướng, còn bọn anh thì khổ, sống chui lủi, đi đâu cũng sợ bắt". Khi tôi nhập cảnh vào Malaysia, hải quan không dễ dàng gì với một cô gái trẻ đi một mình như tôi. Sau 15 phút vặn vẹo ngược xuôi, xem tất cả giấy tờ liên quan đến chuyến đi mà tôi xuất trình, họ mới cho tôi nhập cảnh.
|
Bình luận (0)