Hành trình đưa smartphone Việt ra thế giới

09/09/2018 10:31 GMT+7

Gần 10 năm “học nghề” tại một thương hiệu toàn cầu, rồi trải qua thêm 10 năm xây dựng và phát triển thương hiệu Việt là Mobiistar , ông Ngô Nguyên Kha nay đã đưa các dòng smartphone của mình ra thế giới.

Sau 3 tháng giới thiệu thương hiệu vào thị trường Ấn Độ và tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống thương mại trực tuyến Flipkart, đến tháng 8 vừa qua, điện thoại di động (ĐTDĐ) Mobiistar đã có mặt tại các cửa hàng bán lẻ ở 10 trong tổng số 36 bang và lãnh thổ liên bang của Ấn Độ. Mới đây, ông Ngô Nguyên Kha, nhà sáng lập kiêm CEO của Mobiistar, đã có cuộc trả lời phỏng vấn, chia sẻ cùng Thanh Niên.
Đi thật xa để quay về
Khó ai chỉ mới rời khỏi giảng đường là có thể tổ chức kinh doanh hoàn thiện ngay được. Nếu có sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn tốt hơn nhiều. Thực tế, như giới doanh nhân thường nói: Ý tưởng thì nhiều, giá không đắt lắm. Vấn đề là biến ý tưởng thành sản phẩm thành công
 
Mới đây, ông thừa nhận năm 2017 và 2018 có nhiều khó khăn trên thị trường ĐTDĐ thông minh (smartphone) tại VN. Trong bối cảnh “gặp khó trên sân nhà” như thế nhưng ông lại mở rộng sang thị trường khác thì ở thị trường VN, Mobiistar có bị “hụt chân”?
Thực ra, chúng tôi vẫn đang nỗ lực tại thị trường VN. Tuy nhiên, trong nỗ lực đó không chỉ cố “chòi đạp”, mà còn cần những nguồn lực để giải quyết các khó khăn tại chính thị trường VN. Và khi đạt được các bước tiến thuận lợi từ thị trường Ấn Độ thì sẽ tạo nguồn lực giải quyết các khó khăn tại VN. Ví dụ về nguồn cung ứng, khi tiêu thụ tốt tại Ấn Độ thì sẽ có lợi thế về quy mô, hạ thấp giá thành để tăng tính cạnh tranh trở lại trên thị trường VN. Tôi gọi đây là cách “đi thật xa để quay về”.
Ông có thể chia sẻ quá trình đưa Mobiistar xâm nhập thị trường Ấn Độ?
Điều đó bắt nguồn từ việc tôi nghĩ làm cho Mobiistar lớn lên. Và tôi quan niệm rằng đối với một thương hiệu smartphone thì sự lớn lên không nên chỉ dựa vào một thị trường, mà cần có dấu ấn ở nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, mỗi thị trường sẽ đóng vai trò khác nhau.
Như trước đây, tôi từng chia sẻ Mobiistar tiến vào thị trường Dubai (UAE) thì điều này chủ yếu mang tính biểu tượng nhiều hơn. Còn để thực sự giải quyết những bài toán cho sự phát triển lâu dài của một thương hiệu về sản phẩm, nghiên cứu phát triển hay về tiếp thị, chuỗi cung ứng thì cần có một thị trường lớn.
Báo chí Ấn Độ nói về Mobiistar Ảnh: Mobiistar

Qua tìm hiểu một số nơi, tôi nhận thấy Ấn Độ là chọn lựa phù hợp vì đây là thị trường lớn nên có nhiều cơ hội cho thương hiệu mới, đồng thời mức tăng trưởng của thị trường ĐTDĐ ở Ấn Độ cũng khá lớn, ví dụ năm 2017 thì tăng trưởng đến 18%, và hiện đạt khoảng 10 triệu máy/tháng. Ấn Độ còn có sự đa dạng trong các phân khúc để mình có thể chọn ra một “mảnh” phù hợp.
Tuy nhiên, thị trường Ấn Độ có sự hiện diện của nhiều thương hiệu lớn toàn cầu lẫn các thương hiệu địa phương và các hãng bình dân, phổ thông đến từ Trung Quốc. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh cao nên tạo ra nhiều khó khăn như thế nào?
Khó khăn lớn nhất là phải xác định đúng phân khúc thị trường mà mình có cơ hội để cạnh tranh. Khi đến Ấn Độ, tôi thấy một đặc điểm thị trường này là nhu cầu chụp hình selfie rất lớn, đâu đâu họ cũng có thể selfie. Nhưng tại đây thì smartphone ở mức giá dưới 3 triệu đồng lại có chất lượng selfie chưa tốt, nên chúng tôi tiếp cận bằng các dòng smartphone giá khoảng 3 triệu đồng có chất lượng selfie tốt.
Ban đầu, chúng tôi bán qua hệ thống thương mại trực tuyến, rồi tiến đến làm việc với các nhà phân phối ở từng địa phương để chia sẻ bớt khó khăn ở một thị trường mới.
Từ Kha “Sony Ericsson” đến Kha “Mobiistar”
Trước kia, ông từng làm trưởng đại diện cho Sony Ericsson tại VN. Vì sao đang có vị trí cao ở một thương hiệu ĐTDĐ toàn cầu, ông lại từ bỏ để xây dựng Mobiistar từ năm 2009 rồi phải bắt tay làm lại từ đầu với nhiều khó khăn như thời gian qua?
Thực ra, việc rời khỏi Sony Ericsson là kết quả của một quá trình dài, có sự chuẩn bị khá kỹ từ khoảng 10 năm trước đó. Năm 1998, tôi vào Ericsson khi thương hiệu này chưa hợp nhất với Sony trong mảng thiết bị đầu cuối. Khi mới vào, tôi có nói với sếp trực tiếp lúc đó rằng: “Có khi 10 năm nữa, nhiều khả năng tôi lại làm cái gì đó riêng”.
Hành trình đưa smartphone Việt ra thế giới

Trong tâm thế như vậy, tôi nỗ lực làm việc cho Ericsson rồi Sony Ericsson như thể đang làm cho sự nghiệp kinh doanh của chính mình. Và tôi đã làm rất nhiều thứ, từ tiếp thị đến bán hàng, xây dựng sản phẩm, ra mắt sản phẩm...
Suốt thời gian ở Ericsson và Sony Ericsson, tôi trải qua hầu hết các vị trí, trừ các công việc về tài chính. Đó là quá trình chuẩn bị rất dài. Sau gần 10 năm, ở tuổi 35, tôi nghĩ là làm đủ lâu và tích lũy cũng đủ kinh nghiệm nên đến lúc làm ra cái gì đó cho riêng mình.
Và quá trình làm việc ở Sony Ericsson giúp ích thế nào cho việc phát triển thương hiệu riêng?
Lúc bắt tay xây dựng Mobiistar, tôi mới thấy bản thân có kinh nghiệm về mảng phân phối ĐTDĐ rồi. Và như đã nói, khi đó tôi cũng có kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm. Thời điểm ấy cũng có điều kiện về công nghệ. Cụ thể, khi đó đặt hàng ĐTDĐ dưới hình thức OEM (đặt hàng sản phẩm từ các nhà máy gia công theo thiết kế và tiêu chuẩn thương hiệu riêng - NV) không quá khó khăn. Đã có người đi trước thực hiện hình thức này tại VN. Tôi nhìn thấy những điều kiện như vậy. Tất cả những điều đó giúp tôi đi đến quyết định phát triển một thương hiệu mới cho riêng mình.
Đó có phải là khởi nghiệp?
Ông Ngô Nguyên Kha (sinh năm 1971 tại Huế) hiện đang sống cùng vợ và hai con trai tại TP.HCM.
Học vấn: Cử nhân Anh ngữ (Trường đại học Sư phạm Huế), Thạc sĩ quản trị kinh doanh (Trường Quản lý kinh doanh Maastricht, Hà Lan).
Từ năm 1998 - 2001: Giữ các vị trí Trưởng phòng Kinh doanh & tiếp thị ở Ericsson VN.
Từ năm 2001 - 2006: Trưởng đại diện Sony Ericsson VN.
Năm 2007: Khởi nghiệp kinh doanh riêng.
Từ năm 2009: Thành lập và phát triển thương hiệu Mobiistar tại VN.
Tháng 5.2018: Giới thiệu Mobiistar vào các thị trường UAE và Ấn Độ
Đúng, đó là khởi nghiệp. Đầu tư có phần mạo hiểm như thế thì gọi là khởi nghiệp chẳng hề sai.
Biết là ông có sự chuẩn bị suốt 10 năm, nhưng khởi nghiệp như vậy thì ông có lo lắng gì không khi rời khỏi một vị trí công việc ổn định, nhiều đãi ngộ...?
Quả thật, khi ấy, với tôi đang là Trưởng đại diện của Sony Ericsson tại VN, đang có những quyền lợi, sự nhìn nhận trong xã hội. Khi bước ra khỏi đấy thì chẳng còn gì. Lúc ấy, mỗi khi đi chơi golf, người ta gọi tôi là Kha “Sony Ericsson”, rồi tôi phải mất đến mấy năm để được gọi là Kha “Mobiistar”.
Đó là khoảng thời gian khá khó khăn về mặt xác định tinh thần rằng mình phải làm lại từ đầu, xác định lại việc định vị bản thân. Bây giờ thì nhiều người chỉ còn biết tôi là Kha “Mobiistar”.
Gần đây, nhiều bạn trẻ VN sau thời gian ngắn tốt nghiệp đại học với những ý tưởng sáng tạo đã lập tức bắt tay vào khởi nghiệp. Còn ông trước đây mất 10 năm ở một tập đoàn toàn cầu rồi mới “ra riêng”. Như vậy, ông có thể chia sẻ thêm quan niệm về việc khởi nghiệp?
Tôi thực sự không phải là chuyên gia về khởi nghiệp, nên chỉ chia sẻ dựa trên suy nghĩ thực tế của mình.
Đó là khi bạn có một ý tưởng phát triển một sản phẩm dịch vụ. Để thành công, sản phẩm hay dịch vụ ấy không chỉ phải đáp ứng nhu cầu khách hàng mà còn phải có hệ thống để đi đến khách hàng. Bản chất là phải cần một doanh nghiệp có sản phẩm, có tiếp thị, có vận hành, có tài chính...
Khó ai chỉ mới rời khỏi giảng đường là có thể tổ chức kinh doanh hoàn thiện ngay được. Nếu có sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn tốt hơn nhiều. Thực tế, như giới doanh nhân thường nói: Ý tưởng thì nhiều, giá không đắt lắm. Vấn đề là biến ý tưởng thành sản phẩm thành công. Làm được như thế cần một quá trình. Tùy vào mỗi người mà việc chuẩn bị quá trình đó lâu hay nhanh.
Tất nhiên, có những người tài năng biết cách lấy những kinh nghiệm đó từ các mentor (cố vấn có kinh nghiệm - NV) để đi nhanh mà vẫn chắc chắn.
Báo chí Ấn Độ nói về Mobiistar Ảnh: Mobiistar
Từ chuyện ông nói về phát triển sản phẩm thì các thương hiệu ĐTDĐ VN cũng như nhiều thương hiệu công nghệ trên thế giới vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng sản phẩm từ Trung Quốc. Như vậy, làm sao để xây dựng một giá trị sản phẩm riêng, nhất là đối với thương hiệu nhỏ?
Điều đó đòi hỏi bạn phải đi từng bước. Như smartphone của Mobiistar thì tôi chọn bước đầu tập trung vào phần camera. Trong camera lại có camera trước và sau. Có một thời gian tôi chỉ nói về camera trước để đáp ứng nhu cầu selfie. Sau khi “dựng” được camera trước đủ sức thuyết phục người tiêu dùng thì nay tôi mới nhấn mạnh vào camera sau.
Theo tôi, chuyện sản xuất hay nghiên cứu phát triển thì cần chọn ra yếu tố mà mình tin rằng mình đủ sức làm tốt yếu tố đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu người dùng về sản phẩm, giá cả... Nên cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình để đi vào tâm trí khách hàng, rồi từ đó phát triển.
“Say sưa” với khuynh hướng công nghệ
Ảnh: NvCC

Qua quá trình hợp tác giữa Thế Giới Di Động với Mobiistar, với anh Ngô Nguyên Kha, chúng tôi nhận thấy anh ấy là một người hiểu rất rõ về công nghệ, thiết bị di động. Khi nói về sản phẩm, khuynh hướng công nghệ thì anh Kha thực sự rất “say sưa”. Trong tổng thể hợp tác kinh doanh với Thế Giới Di Động, đóng góp của Mobiistar chưa lớn, nhưng cách làm thể hiện sự cởi mở, chân thành, thẳng thắn. Bên cạnh đó, dù tầm vóc hiện chưa thể so sánh với những thương hiệu toàn cầu như Apple hay Samsung, nhưng đội ngũ của Mobiistar nói chung và anh Kha nói riêng đã thể hiện rõ sự nỗ lực để theo kịp khuynh hướng thị trường.
Ông Trần Kinh Doanh (Tổng giám đốc - Công ty Thế Giới Di Động)
Một người sống chết vì thương hiệu của mình
Ảnh: NvCC
Gặp và làm việc với anh Ngô Nguyên Kha từ năm 2016, tôi cảm nhận được nhiệt huyết của Kha đối với Mobiistar. Với anh, Mobiistar như một đứa con mà anh chăm chút nuôi lớn từng ngày và quyết định cho “con mình đi du học” Ấn Độ với tôi là hành động không phải ai cũng dám làm. Hiện nay Mobiistar đã có những bước tiến tích cực tại Ấn Độ, tôi cảm thấy mừng cho anh.
Ông Nguyễn Việt Anh (Phó tổng giám đốc FPT Retail)
Tận tâm với sản phẩm
Ảnh: NvCC
Tôi biết anh Ngô Nguyên Kha đến nay khoảng 10 năm. Trong số các đối tác tôi đã làm việc khắp thế giới, anh là một trong số những nhà quản lý khiến tôi ngưỡng mộ cả về tính cách lẫn năng lực dù anh luôn khiêm nhường. Anh chứng minh năng lực bản thân khi dẫn dắt một đội ngũ giàu kinh nghiệm và tận tâm với sản phẩm, chiến lược kinh doanh, để hướng đến mục tiêu phát triển một thương hiệu mang tầm quốc tế. Tôi tin sẽ nhìn thấy sự thành công của Mobiistar không chỉ ở VN và Ấn Độ hay Trung Đông.
Ông Arthur Wang (Phó tổng giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi của Tập đoàn MediaTek)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.