Được giới nhà giàu ưa chuộng
Năm 1859, Gaston Planté, nhà vật lý người Pháp, phát minh ra pin sạc và các vật dụng dùng để lưu trữ điện trên xe. Đến năm 1880, nhà phát minh Gustave Trouvé đã cải tiến một động cơ điện nhỏ và được hãng công nghệ Siemens phát triển cùng với pin sạc để gắn vào chiếc xe 3 bánh của James Starley, một nhà sáng chế người Anh. Chiếc xe 3 bánh này là phương tiện giao thông chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới.
Nhưng phải đến năm 1884, chiếc ô tô điện đầu tiên mới chính thức ra đời do nhà phát minh Thomas Parker chế tạo tại Wolverhampton (Anh). Tại Mỹ, năm 1890 - 1891, nhà phát minh William Morrison cũng chế tạo một mẫu ô tô điện 6 chỗ ngồi, có thể đạt tốc độ 23 km/giờ. Dù vậy mất tới 5 năm sau đó, khi nhà thiết kế A.L. Ryker giới thiệu chiếc xe điện 3 bánh của mình, người Mỹ mới bắt đầu quan tâm đến xe điện.Thời điểm đó, các loại phương tiện chạy bằng động cơ hơi nước và xăng thường ồn ào và tốc độ chưa cao, trong khi xe điện êm ái hơn, không rung lắc, không thải khói và mùi xăng. Chưa kể, người dùng xe điện cũng không phải mất công "quay tay" để khởi động. Nhờ thế, xe điện giai đoạn này được giới nhà giàu ưa chuộng sử dụng đi trong thành phố.
Đến thập niên 1900, xe điện đã trở thành một trào lưu tại Mỹ. Theo thống kê, tính riêng tại nước này có khoảng 40% ô tô chạy bằng hơi nước, 22% xe chạy xăng và có đến 38% xe chạy điện. Mỹ đã trở thành quốc gia nhiều xe điện nhất thế giới với gần 34.000 chiếc được đăng ký lưu hành.
Thế nhưng thời hoàng kim của xe điện không kéo dài. Ngày 1.10.1908, chiếc xe Model T đầu tiên của Ford đã hoàn thành những công đoạn cuối cùng tại nhà máy Piquette Avenue ở Detroit, Mỹ. Ban đầu, Model T có giá hơi đắt, nhưng Ford cho hạ giá nhờ tối ưu năng suất và tập trung vào một dòng sản phẩm. Cũng nhờ đó, các kỹ sư có ý tưởng tạo ra một hệ thống phụ tùng có thể thay thế để tránh lãng phí và tiết kiệm thời gian, đồng thời giúp những người thợ không chuyên có thể lắp ráp xe dễ dàng.
Kết quả là trước năm 1914, dây chuyền sản xuất có thể tạo ra hàng ngàn chiếc xe mỗi tuần và đến trước năm 1924, các công nhân ở nhà máy River Rouge Ford ở Dearborn (bang Michigan, Mỹ) có thể đúc ra hơn 10.000 khung xe Model T trong một ngày. Ford đã sản xuất khoảng 15 triệu mẫu xe Model T trong thời gian từ 1908 - 1927. Trong suốt những năm được sản xuất, Model T luôn giữ doanh số bán kỷ lục và phải đến 45 năm sau chiếc Volkswagen Beetle mới có thể phá vỡ được. Cũng chính nhờ sản xuất hàng loạt, giá xe xăng thời điểm đó chưa bằng 50% so với xe điện. Đây cũng là giai đoạn ngành khai thác dầu phát triển mạnh mẽ, giúp giá nhiên liệu rẻ hơn nhiều. Chính vì vậy, xe chạy bằng xăng, dầu được ưa chuộng. Đến năm 1930, xe điện gần như biến mất. Thế giới bùng nổ động cơ đốt trong.
Lụi tàn vì xăng nhưng xe điện tái xuất cũng nhờ xăng. Năm 1970, giá xăng tăng cao kỷ lục đã khiến Mỹ phải quay trở lại với nhu cầu phát triển xe điện. Các tập đoàn ô tô được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển để đưa xe điện trở lại với giá thấp hơn, góp phần giải quyết bài toán năng lượng.
Năm 1982, Tập đoàn General Motors (GM) chế tạo chiếc xe hybrid (xe động cơ lai) đầu tiên sử dụng cùng lúc cả động cơ xăng và điện. Năm 1996, GM chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt mẫu xe điện EV1, có thể di chuyển quãng đường lên đến 129 km cho một lần sạc pin. Một năm sau, Toyota đã tạo nên bước ngoặt khi lần đầu tiên giới thiệu mẫu xe hybrid Prius. Đến nay, Toyota Prius vẫn là một cái tên đình đám của ngành công nghiệp ô tô thế giới trong loại hình xe lai này. Theo thống kê, đã có trên 37 triệu chiếc Toyota Prius được bán ra thị trường kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1997. Giai đoạn này nhiều hãng xe khác cũng bắt đầu sản xuất những mẫu xe điện đầu tiên của mình. Có thể kể đến như Honda với mẫu xe EV Plus, Nissan với Altra EV hay Chevrolet (GM) với S-10 EV… Nhưng vì nhiều lý do, sự tái xuất của xe điện giai đoạn này chưa đủ để đánh bại xe xăng.
Tỉ phú Elon Musk đưa kỷ nguyên xe điện trở lại
Hơn 2 tháng trước, nhóm 7 nhà sản xuất ô tô gồm GM, Stellantis, Hyundai Motor, Kia (công ty con của Hyundai Motor), Honda, BMW và Mercedes Benz cho biết đang thành lập một công ty mới để cung cấp dịch vụ sạc xe điện ở Mỹ nhằm thách thức Tesla và tận dụng các khoản trợ cấp của chính quyền Tổng thống Biden. Các nhà sản xuất này đại diện cho khoảng một nửa doanh số ô tô ở Mỹ nhưng chỉ chiếm một thị phần nhỏ trên thị trường xe điện mà Tesla đang thống trị. Kế hoạch của nhóm này là triển khai 30.000 bộ sạc ở Bắc Mỹ, bắt đầu dọc theo các đường cao tốc lớn và trong các thành phố. Mạng lưới sạc này sẽ được xây dựng như trạm xăng có nhà vệ sinh, dịch vụ ăn uống và hoạt động bán lẻ sẽ hỗ trợ việc triển khai ô tô điện nhanh hơn. Tuy nhiên, thế lực Tesla không phải dễ "chơi".
Chiếm hơn 60% doanh số ô tô điện của Mỹ, Tesla của tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk có mạng lưới sạc nhanh lớn nhất hiện tại với gần 18.000 trạm (Supercharger) tại Mỹ. Hệ thống sạc độc quyền của Tesla được gọi là Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ (NACS). Đầu năm nay, Tesla đã thông báo sẽ mở một phần mạng lưới sạc cho ô tô điện của các hãng đối thủ, nhằm đủ điều kiện nhận một phần khoản trợ cấp liên bang trị giá 7,5 tỉ USD được cung cấp để mở rộng việc sử dụng xe điện. Cuộc chiến sạc điện giữa các hãng xe với Tesla vẫn chưa ngã ngũ, song trở lại quá khứ, trạm sạc cũng chính là bước ngoặt đưa xe điện tăng tốc trở lại gần 2 thập niên trước.
Đó là thời điểm Tesla xây dựng mạng lưới trạm sạc ở Bắc Mỹ và người sử dụng xe điện của hãng này có thể sạc hoàn toàn miễn phí. Đây được coi là bước ngoặt thúc đẩy sự phát triển của xe điện trở lại. Đến năm 2015, loại hình xe thuần điện chính thức cán ngưỡng sản lượng bán hàng 500.000 chiếc trên toàn thế giới. 1 năm sau đó, hãng xe của tỉ phú Elon Musk thêm một cú đánh bồi khi tung ra thị trường Model 3, mẫu xe điện chỉ có giá bán lẻ 35.000 USD, một mức giá mang tính sát thương khi xe điện lúc đó vẫn còn đắt đỏ. Chưa kể, Tesla Model 3 có khả năng tăng tốc lên 96 km/giờ chỉ trong 2,5 giây, nhanh thứ 3 trong thế giới ô tô. Cùng với xu hướng chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, tỉ phú Elon Musk đã góp 1 tay đưa kỷ nguyên xe điện trở lại.
Và hành trình đầy cảm hứng của ô tô điện Việt
Ở bên này bán cầu, năm 2018 khi xe điện vẫn còn đang vật lộn trên con đường trở lại thì Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã dự báo, cuộc cách mạng xe điện sẽ bùng nổ. Quan trọng hơn, cuộc cách mạng này sẽ "vẽ" lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi, "mà vẽ lại thì mình khác gì các hãng kia đâu", ông Vượng lý giải khi Vingroup, tập đoàn tư nhân hàng đầu VN, tham gia ngành công nghiệp xe hơi. Dự báo của ông Phạm Nhật Vượng đã trở thành sự thật. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của xe điện với sự tham gia của hầu hết các nước lớn và một loạt chính sách để thúc đẩy di chuyển xanh trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. VN cũng không ngoại lệ với sự nhập cuộc quyết liệt của VinFast, thành viên của Tập đoàn Vingroup, trong một hành trình đầy cảm hứng.
10 giờ sáng 15.10.2021, VinFast chính thức ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên của hãng mang tên VF e34 trong một sự kiện trực tuyến. Đây cũng là mẫu ô tô điện đầu tiên do VN sản xuất. Hơn 2 tháng sau, ngày 25.12.2021, VinFast đã tổ chức lễ xuất xưởng và bàn giao lô xe điện VF e34 đầu tiên tại nhà máy VinFast (Hải Phòng). Sự kiện đã khai mở kỷ nguyên ô tô điện của VN, đưa VN thành một trong số ít quốc gia trên thế giới làm chủ công nghệ sản xuất xe hơi năng lượng sạch.
Một năm sau, tháng 11.2022, VinFast đã tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế. Sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi VN khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do VN làm chủ và sản xuất chính thức tiến ra thế giới trong sự đón đợi của người tiêu dùng toàn cầu.
Chỉ trong vòng 2 năm, VinFast đã cho ra mắt hàng loạt mẫu xe thuần điện, trải đều nhiều phân khúc, bao gồm cả xe điện mini giá rẻ với mục tiêu trở thành thương hiệu xe điện dành cho tất cả mọi người. Song hành là hệ thống trạm sạc với số lượng rất lớn, lên tới 150.000 cổng trải dài ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tiêu chuẩn cổng sạc của VinFast là CCS2, tương tự một số hãng xe tại Mỹ và châu Âu, có tính tương thích khá cao.
20 giờ ngày 15.8.2023 (giờ VN), VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market (New York, Mỹ), chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Công ty có giá trị vốn hóa hơn 23 tỉ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. (VinFast) với mã giao dịch VFS. Có thể thấy, chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi ra mắt, ô tô thương hiệu Việt đã có một hành trình thần tốc và đầy cảm hứng.
Lãnh đạo VinFast khẳng định, trở thành hãng xe điện 100% là tầm nhìn của VinFast ngay từ những ngày đầu thành lập. Đó là tầm nhìn về một tương lai bền vững cho con người và hành tinh thông qua việc di chuyển xanh, sạch và an toàn. Hãng xe thương hiệu Việt còn khao khát vươn tới những thành tựu cao hơn nữa - trở thành một trong những hãng xe điện hàng đầu trên thế giới. Vậy nên ngay từ đầu, công ty đã đầu tư hệ thống nhà máy tương thích với xe điện để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định. Lãnh đạo VinFast tự tin mình có nhiều lợi thế nhờ bắt đầu từ con số 0 nên không bị trói buộc từ các sản phẩm cũng như tư duy cũ. Đồng thời, ô tô điện là xu hướng không thể đảo ngược nên đây là thời điểm thích hợp để chuyển đổi và giành lấy lợi thế cạnh tranh.
Tại lễ rung chuông trên sàn Nasdaq, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc toàn cầu của VinFast, không giấu nổi cảm xúc: "Trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast. Đây không chỉ đơn thuần là những giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà còn ghi nhận niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của chúng tôi, cũng như thực hiện cam kết của chúng tôi là làm cho các phương tiện điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người".
VinFast có mật ĐỘ trạm sạc hàng đầu thế giới
Tính đến nay, hệ thống trạm sạc công cộng của VinFast có mặt tại 63/63 tỉnh, thành; phủ trên 106 tuyến quốc lộ và cao tốc với khoảng cách trung bình khoảng 65 km mỗi trạm, đang hướng đến con số còn 50 km. Các trạm này thường gồm các cổng sạc có công suất khác nhau, từ loại thường đến siêu nhanh. Tháng 8 vừa rồi, VinFast lắp mới khoảng 101 trạm, hướng đến hoàn thiện quy hoạch 150.000 cổng sạc trên toàn quốc. Với 100 triệu dân, trung bình mỗi 10.000 người Việt đang có 15 cổng sạc xe điện. Con số này cao gấp 5 lần Mỹ, cao hơn mức 12 cổng sạc/100.000 dân tại Trung Quốc và dẫn đầu Đông Nam Á.
Khuyến khích người dân đổi sang ô tô điện
Bộ GTVT đã hoàn thiện chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện từ ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu sang ô tô điện. Trong đó, kiến nghị 3 loại ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm: ô tô điện chạy pin, ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng mặt trời. Với ô tô điện sản xuất, lắp ráp, Bộ GTVT kiến nghị, rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các luật liên quan; xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.
Đồng thời, ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện; miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền và nhập khẩu tổng thành, linh kiện để sản xuất lắp ráp ô tô điện, pin xe điện. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng có cơ chế ưu đãi về thuế ô tô điện nhập khẩu; tiếp cận tài chính, tín dụng và ưu tiên tiếp cận, chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp.
Liên quan cơ chế ưu đãi cho người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện. Đồng thời, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công...
Bình luận (0)