Hành trình khổ hạnh của Tommy Lee Jones

11/10/2014 10:10 GMT+7

Tự vào vai chính cho cả hai tác phẩm mà mình làm đạo diễn, song chẳng vì thế mà nam diễn viên kỳ cựu Tommy Lee Jones quên đóng dấu ấn của mình ở vai trò mới này.

 Hành trình khổ hạnh của Tommy Lee Jones
Ảnh: Cinematon

Dường như có một nỗi ám ảnh đặc biệt nào đấy mà cả hai câu chuyện của Tommy Lee Jones là The Three Burials of Melquiades Estrada (2005) The Homesman (2014) đều khởi nguồn từ miền tây nước Mỹ.

 
Khi lớn lên đừng lấy một thằng tồi, chỉ biết mơ tới miền tây mà không xây dựng được gì chốn này

Tại LHP Cannes năm nay, tham gia với tư cách đạo diễn có phim tranh giải, Tommy Lee Jones đã phát biểu về The Homesman rằng: “Tôi sẽ không che giấu một thực tế rằng, việc xem xét chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở phía tây sông Mississipi là chủ đề cơ bản của bộ phim”. Thế nên, The Homesman đã không ngần ngại thể hiện nó là một lời phản biện mạnh mẽ cái lý thuyết “Vận mệnh hiển nhiên” (tiếng Anh gọi là Manifest destiny) của người Mỹ. Lý thuyết này mang một niềm tin là Mỹ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. “Vận mệnh hiển nhiên” lần đầu tiên được sử dụng vào thập niên 1840 để sáp nhập nhiều vùng đất mà ngày nay chính là miền tây nước Mỹ (bao gồm Lãnh thổ Oregon, Cộng hòa Texas và Nhượng địa Mexico).

The Three Burials of Melquiades EstradaThe Homesman trông như hai chương của một tác phẩm. Vẫn kiểu phim hành trình (road trip), vẫn lối kể chuyện đặc trưng, nếu đem liên kết cả hai bộ phim đó lại thì nó mặc nhiên trở thành một tác phẩm lớn tóm lược lịch sử miền tây nước Mỹ thời khai hoang lập địa và tình hình hiện tại.

Trong The Three Burials of Melquiades Estrada, ông kể về một vụ án mạng xảy ra ở Texas, người chết là một gã Mễ nhập cư bất hợp pháp tên gọi Melquiades. Lối kể chuyện của Tommy Lee Jones không theo bất kỳ chuẩn mực nào, thách thức người xem khám phá sự mới mẻ. Trước khi đi vào hành trình đưa xác Melqiuades trở lại Mexico, toàn bộ câu chuyện là những mảnh ghép những hình ảnh hiện tại đan xen quá khứ của hai nhân vật Pete Perkins, bạn của Melquiades và Mike Norton, kẻ giết Melquiades. Với Pete, những hình ảnh quá khứ luôn có bóng dáng người chết, mối quan hệ hai người khăng khít như cha con nên hoàn toàn dễ hiểu cho hành xử có phần quái dị sau đó của lão quản đốc này. Với Mike, mọi thứ diễn ra theo tuần tự thời gian và ký ức chết chóc gần như là sự kiện hiện diện cuối cùng. Quá khứ hay dòng tâm lý của tay cảnh sát tuần tra biên giới trẻ tên Mike có cảnh hai vợ chồng hắn lúc mới chuyển từ Cincinnati tới Texas, có cảnh vợ hắn chán chường lúc quan hệ cùng chồng, có cảnh hắn đánh gãy mũi cô gái Mễ vượt biên bỏ trốn... Cách Tommy Lee Jones xây dựng tâm lý nhân vật đã tạo ra cái chất nam tính cho bộ phim, một gã đàn ông gai góc và kiệm lời! Cũng lối kể chuyện ấy, nhưng cuộc khởi hành rời khỏi Nebraska của The Homesman gấp gáp hơn. Đấy là cái thời mà trên vùng đất bao la của miền tây nước Mỹ chỉ lác đác vài hộ dân sống bằng nghề chăn nuôi. Ở một ngôi làng sát biên giới, ba người đàn bà đã phát điên vì hoàn cảnh tự nhiên quá sức khắc nghiệt. Những gã đàn ông trong làng, kể cả những gã chồng, lấy lý do công việc, họ từ chối vận chuyển ba người đàn bà này đi về miền đông để chữa trị. Không kìm được lòng trắc ẩn, Mary Bee Cuddy, một phụ nữ quá lứa lỡ thì, đồng thời cũng từng sống ở New York đã tình nguyện lãnh nhận trọng trách này.

 Hành trình khổ hạnh của Tommy Lee Jones
Ảnh: Screencomment


 
Luôn có niềm tin tâm linh trong các tác phẩm của Tommy Lee Jones. Như bao tác phẩm nghệ thuật Mỹ lấy bối cảnh thuở xa xưa, The Homesman không thể thiếu vắng mục sư và giáo dân mộ đạo. Niềm tin tôn giáo, có lẽ, là một phần nguyên nhân khiến Mary Bee Cuddy quyết tâm gánh vác cây thánh giá mà “Chúa đã đưa đến cho cô”. Và hình ảnh Mike rệu rã trên đường đưa xác Melquiades quay về quê hương, dưới sự cưỡng bức bạo lực của Pete làm người xem liên tưởng đến hành trình sám hối của một con chiên tội lỗi.

Cả hai tác phẩm điện ảnh do Tommy Lee Jones đạo diễn đều điểm qua sự dữ dội của tự nhiên ở miền tây nước Mỹ. Năm 1872, họa sĩ John Gast có vẽ một bức tranh mang tên American Progress. Bức tranh là miêu tả mang tính biểu tượng về “Vận mệnh hiển nhiên”, và nàng Columbia một tay ôm sách, một tay căng đường dây điện báo được hiểu là nước Mỹ trên hành trình dẫn dắt văn minh và ánh sáng đi tới phía tây cùng những người định cư Mỹ. Phần tối của bức tranh, người Mỹ bản địa và thú hoang đang sợ hãi bỏ chạy. Nếu “Vận mệnh hiển nhiên” từ bao đời nay đã trở thành niềm tin của người Mỹ thì đạo diễn Tommy Lee Jones, qua hai tác phẩm điện ảnh của mình đã cực đoan nhấn mạnh rằng, người ta chỉ mất mát khi đi tới phía tây. Quả thực vậy, bên cạnh đời sống buồn tẻ và cô đơn trên mảnh đất khô cằn bậc nhất nước Mỹ, The Three Burials of Melquiades Estrada còn đề cập tới trái đắng của những người Mễ bỏ xứ tìm đến nơi đây lập nghiệp. Hay như trường hợp của gã cảnh sát biên phòng Mike Norton, ở một phạm vi nào đấy cũng được xem là di dân, tình cảm vợ chồng hắn đã thay đổi từ lúc họ chuyển từ Cincinnati tới Texas sinh sống.

Tương tự vậy, trong tác phẩm điện ảnh thứ hai của mình, The Homesman, Tommy Lee Jones tiếp tục khai thác vấn đề nói trên. Những người phụ nữ không thể tìm thấy hạnh phúc ở vùng đất mà mùa hè thì thiêu đốt và mùa đông thì cắt thịt, những con bò nằm trơ xác trên tuyết và những đứa trẻ sơ sinh khó sống sót được. Họ chỉ biết lầm lũi bên những gã đàn ông cục súc, và giả sử không tìm được một ông chồng, họ phải sẵn sàng gồng mình lên đóng vai một gã đàn ông cơ bắp thực thụ. Người ta không chơi đàn và thưởng thức giọng hát Nebraska, rồi thì, chính những gã đàn ông miền tây đã quyết chí đi tới miền đông tìm vợ. Lão già George Briggs kiệt quệ sau khi trải qua đoạn đường tháp tùng Mary Bee Cuddy đưa ba người đàn bà điên thoát khỏi miền tây đã nhắn nhủ với cô hầu gái ở xứ sở trù phú thuộc miền đông rằng: “Khi lớn lên đừng lấy một thằng tồi, chỉ biết mơ tới miền tây mà không xây dựng được gì chốn này”.

The Homesman không đề cập trực diện đến việc “chiếm đất”, mặc dầu chính đạo diễn Tommy Lee Jones đã lên tiếng xác nhận đấy là “chủ đề cơ bản” của bộ phim. Tuy nhiên, như đã nói, câu chuyện The Homesman cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh về lịch sử miền tây nước Mỹ. Chuyến đi ngược về miền đông và lời dặn dò đi ngược lý thuyết “Vận mệnh hiển nhiên” đã khắc họa chân dung một Tommy Lee Jones đầy chống đối, sần sùi và luôn luôn trăn trở.

Không phải chờ đến The Homesman Tommy Lee Jones mới bước vào hành trình khổ hạnh của ông. Ngay từ phim đầu tay The Three Burials of Melquiades Estrada, người ta đã thấy thái độ nghi ngờ vào cuộc sống của Tommy Lee Jones. Bộ phim không ít cảnh người Mỹ tại miền tây đuổi bắt dân nhập cư bất hợp pháp, và kỳ lạ hơn là chính một trong số người Mỹ đó đã đưa xác một người Mễ trở lại quê hương. Hành trình The Three Burials of Melquiades Estrada kết thúc bằng một câu hỏi không lời đáp của Mike ngay trên mảnh đất được xem là “quê hương hư vô” của Melquiades. Cũng có một cuộc sống kết thúc ở khoảng không vô định trong The Homesman tạo ra cảm giác hụt hẫng vô cùng tận.

Mark Twain nói: “Có hai ngày quan trọng nhất đời bạn, một là khi bạn được sinh ra, hai là khi bạn biết được tại sao”. Trước năm 2005, người ta vẫn tin rằng Tommy Lee Jones sinh ra để đóng phim, bởi thực tế đã chứng minh ông là một diễn viên tài năng với ba lần nhận đề cử và một lần đoạt giải thưởng Oscar. Nhưng ở tuổi già, ông đã bất ngờ làm ra hai tác phẩm tuyệt vời là The Three Burials of Melquiades Estrada The Homesman. Người ta thấy, Tommy Lee Jones có thể tin ở thượng đế, có thể tin ở tự nhiên, song Tommy Lee Jones dứt khoát không đặt lòng tin ở con người và những lý thuyết về vận mệnh mà con người đặt ra.

Mà chỉ khi làm đạo diễn, những nghi hoặc của Tommy Lee Jones mới có được một câu chuyện.

Ngân Vi

>> Diễn viên Tommy Lee Jones kiện hãng Paramount
>> Dự án mới của Phan Đăng Di giành giải thưởng tại LHP Busan
>> Biểu tượng nào của tự do?
>> Học làm phim với đạo diễn Trần Anh Hùng
>> Pieta, buông đao thành Phật
>> Phan Đăng Di: Đã có những đạo diễn Việt Nam tiếp cận với điện ảnh quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.