Hành trình kỳ diệu của cô giáo không tay

24/11/2023 08:42 GMT+7

Mặc dù không có hai tay vì khuyết tật bẩm sinh nhưng chị Lê Thị Thắm (trú thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, H.Đông Sơn, Thanh Hóa) vẫn vượt lên số phận, tốt nghiệp đại học và trở thành một cô giáo đặc biệt ở xứ Thanh.

"Tôi có thể học được và làm được"

Từ khi chào đời, chị Thắm đã không may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Khi mới sinh ra, chị Thắm chỉ nặng hơn 1 kg và không có hai tay. Gia đình làm ruộng, mẹ chị Thắm phải nghỉ việc để chăm con, cuộc sống rất khó khăn. Không ai dám nghĩ chị Thắm có thể vượt lên số phận, tốt nghiệp đại học và trở thành cô giáo.

Hành trình kỳ diệu của cô giáo không tay - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Thắm đã trở thành giáo viên sau hành trình nỗ lực tuyệt vời của mình

NVCC

"Khi tôi được 4 tuổi, mẹ cho tôi đi mẫu giáo. Ý nghĩ của mẹ khi cho tôi đi mẫu giáo chỉ là để giữ trẻ, chứ không nghĩ rằng tôi sẽ đi học như những bạn nhỏ khác. Ở lớp học, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại trừ tôi ra, nên tôi cũng đòi bằng được cô cho mình tập viết. Cô giáo nghĩ tôi không có tay thì viết làm sao, chỉ đưa cho tôi tờ giấy và cây bút chì để tôi vẽ nguệch ngoạc…", chị Thắm nhớ lại.

Rồi cô bé Thắm khi ấy đã luôn kiên trì lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. "Vì chân phải của tôi ngắn hơn chân trái, việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn. Những ngón chân của tôi nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến tôi rất đau và đêm về không thể ngủ được", chị Thắm kể.

Không nản chí, dù ở trên lớp hay ở nhà, Thắm đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Thấy Thắm kiên trì tập viết như vậy nên ở lớp cô giáo cũng rất thương, cô luôn cầm chân của Thắm để dạy tập viết. Về nhà, mẹ Thắm cũng mua vở, bút và dạy con tập viết.

"Nhưng dù tôi có kiên trì, chăm chỉ tập viết đến đâu thì cũng không viết được giống như các bạn. Vì chân cứng, kẹp bút thì bút cứ bị rơi ra, có hôm tập nhiều đến nỗi chảy máu phải bị buộc giẻ. Mẹ bảo tôi đừng viết nữa để khi nào lớn hãy viết, nhưng tôi vẫn không từ bỏ. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ có viết được thì tôi mới được đi học, giống các bạn...", chị Thắm nói.

Sự kiên trì đã giúp Thắm không chỉ viết thành thạo lúc 5 tuổi mà còn đọc được số và chữ cái. Bố mẹ và gia đình rất vui, không nghĩ Thắm có thể làm được. Vì vậy, khi lên 6 tuổi, mẹ cho Thắm vào lớp 1 trường làng như bao bạn bè cùng trang lứa.

Cứ như vậy, với sự trợ giúp của gia đình, thầy cô, chị Thắm đã hoàn thành 12 năm học và tiếp tục phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình - được đặt chân vào giảng đường đại học. Năm 2016, chị Thắm là một thí sinh đặc biệt tham dự kỳ thi THPT quốc gia. "Tôi may mắn được thầy Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức, đặc cách vào trường và vào Khoa Sư phạm tiếng Anh hệ đại học như ước mơ của tôi. Dù được nhà trường đặc cách, tôi vẫn đăng ký dự thi, đi thi giống tất cả các bạn bình thường khác và tôi đã trúng tuyển", chị Thắm tự hào chia sẻ.

Nhờ sự kiên trì, cố gắng của bản thân và nhờ sự trợ giúp, động viên của gia đình, thầy cô giáo, bạn bè ở trường, năm 2020, chị Thắm hoàn thành 4 năm học đại học, tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiếng Anh.

"Cứ đi về phía mặt trời"

Sau khi tốt nghiệp, chị Thắm về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, bổ trợ tiếng Anh cho các em gần nhà. "Thời gian đầu, tôi mở lớp miễn phí cho trẻ em trong làng, sau này một số phụ huynh gửi con học thêm, nâng cao kiến thức nên tôi quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy. Với tôi, đó là một công việc, thay lời cảm ơn của tôi đến bố mẹ, hàng xóm, bạn bè và thầy cô đã đồng hành và giúp đỡ trong suốt những năm qua", cô giáo trẻ bày tỏ.

Trước nỗ lực phi thường và hành trình sống đẹp của mình, trong lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023), chị Thắm là một trong những gương điển hình tiên tiến về học tập Bác. Tại buổi lễ kỷ niệm do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, chị Thắm đã có bài phát biểu hết sức cảm động nói về quá trình học tập, sau khi tốt nghiệp đã trở về quê nhà dạy học miễn phí và có mong muốn được làm giáo viên.

Tại chương trình này, chị Thắm bày tỏ: "Mặc dù thân hình tôi khiếm khuyết và nhỏ bé nhưng mong muốn, ước mơ, quyết tâm và nỗ lực của bản thân tôi thì rất to lớn. Hiện tại, ước mơ có một lớp học tại nhà của riêng mình đã được hoàn thành, nhưng mơ ước lớn nhất của tôi là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp, được cống hiến trong một môi trường giáo dục.

Tôi sẽ luôn hoàn thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng tôi tự tin sẽ nỗ lực nếu được trao cơ hội. Vì tôi nghĩ rằng, trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ, dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước".

Sau sự kiện này, chị Thắm đã được đặc cách tuyển dụng vào làm giáo viên tại Trường tiểu học - THCS Đông Thịnh (xã Đông Thịnh, H.Đông Sơn, Thanh Hóa).

Chị Lê Thị Thắm là một trong 35 gương thanh niên khuyết tật được vinh danh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2023 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức. 

Chương trình vinh danh diễn ra tối 23.11 tại Hà Nội. Trong tháng 10 vừa qua, chị Thắm cũng vừa giành được Giải thưởng Thanh niên sống đẹp của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.