Vượt thách thức, viết nên lịch sử
Ngay quý đầu tiên của năm 2022, VPBank thu hút sự chú ý của thị trường khi lợi nhuận hợp nhất của nhà băng trong quý 1 đạt hơn 11.000 tỉ đồng, một con số kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay.
Kết quả này với VPBank không bất ngờ. Bởi trong gần 30 năm có mặt trên thị trường, những kỷ lục và đột biến tại VPBank như kết quả trên là thành quả của sự đầu tư, chuẩn bị, thậm chí phải trải qua nhiều thử thách với nhiều nỗ lực để đạt được.
Thành lập từ năm 1993, nhưng đến 20 năm sau đó VPBank vẫn chỉ là nhà băng quy mô nhỏ, được xếp ngồi “chiếu dưới” trong hệ thống khối ngân hàng thương mại cổ phần. Đến năm 2010, VPBank có một cơ cấu mới khi ông Ngô Chí Dũng xuất hiện trong cơ cấu Hội đồng Quản trị và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch.
Tiên phong khai mở thị trường
“Chúng tôi bắt đầu chuyển đổi đầy khó khăn và vất vả, vì những cái mới như một tờ giấy trắng cho điểm xuất phát ban đầu, và cũng là chuyện nhạy cảm, đụng chạm rất nhiều tới lợi ích. Nhưng quá trình chuyển đổi chiến lược được triển khai quyết liệt, quán triệt và đồng lòng toàn hệ thống để thành công”, một đại diện của VPBank, nhớ lại.
Cho đến những năm 2015-2020, nhiều nhà băng Việt Nam vẫn còn phải quyết liệt chuyển đổi cơ chế phê duyệt tín dụng tập trung, trọng quyền đặt tại hội sở chính, thì VPBank đã làm được điều đó từ giai đoạn 2010-2014.
Khi những khoản cho vay hoặc huy động bán buôn vẫn là mục tiêu kinh doanh của nhiều ngân hàng, VPBank đã tiên phong chuyển hướng sang bán lẻ những năm 2010-2014. Vài năm sau, “Ngân hàng bán lẻ” mới thực sự là yêu cầu, xu hướng gần như bắt buộc tại thị trường Việt Nam.
Một trong những thành công lớn của chiến dịch chuyển đổi bán lẻ chính là FE Credit. Vượt qua những hoài nghi và cả quan ngại rủi ro, FE Credit đột phá ở phân khúc tín dụng tiêu dùng và trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, chiếm ưu thế thị phần số 1 một cách tuyệt đối cho đến nay.
Và 5 năm trước, tiếp xúc với giới phân tích, một lãnh đạo của ngân hàng đã hé lộ về việc chiêu mộ các chuyên gia hàng đầu nước ngoài để chuẩn bị cho chiến lược tiên phong số hóa, khi mà nguồn nhân lực trong nước còn đang xây dựng.
Kết tinh số hóa được cụ thể hóa bằng hàng trăm giải pháp, sản phẩm nổi bật trên thị trường, như là nhà băng đi đầu trong phê duyệt tín dụng tự động, thiết lập ngân hàng số toàn diện từ nhiều năm trước và trở nên quen thuộc với một thế hệ khách hàng trẻ, đi đầu về công nghệ định danh điện tử e-KYC, hay gần đây là thương hiệu Ngân hàng số toàn năng VPBank NEO…
Khi mà công cuộc chuyển đổi số bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam thì VPBank đã gần hoàn tất mục tiêu chuyển đổi gần 100% giao dịch và hoạt động vận hành trên nền tảng số.
Vị thế mới, sứ mệnh mới
Doanh nghiệp càng mạnh, nền kinh tế càng củng cố thêm những động lực phát triển. Hành trình vượt vũ môn hóa rồng của VPBank gắn chặt trong mối quan hệ đó, được cụ thể hóa ở tên gọi “Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng”.
Nhận thức rõ sứ mệnh của một trong những ngân hàng lớn hàng đầu đất nước, đầu tháng 4 này, VPBank chính thức công bố tái định vị thương hiệu, đặt mục tiêu trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam cam kết hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.
“Sau giai đoạn thành công khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng, VPBank đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu lớn mạnh hơn, hiện thực hóa những tham vọng và hoài bão mà từ 10 năm trước chúng tôi đã gửi gắm vào tên gọi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết.
Thực tế, trong 2 năm đại dịch, VPBank đã có rất nhiều hoạt động khích lệ tinh thần “Vì một Việt Nam thịnh vượng” như truyền cảm hứng với giải chạy marathon mang tính biểu tượng của thủ đô, hay đóng góp hơn 600 tỉ đồng để đồng hành cùng những hoạt động an sinh xã hội khắp đất nước.
Bước sang năm 2022, VPBank được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá với sự trở lại mạnh mẽ của FE Credit và sự xuất hiện của thành viên mới Công ty Chứng khoán VPBank Securities, dự kiến sẽ tạo đột phá ở phân khúc ngân hàng đầu tư. Ngân hàng đặt mục tiêu đạt gần 30.000 tỉ đồng lợi nhuận trong năm nay.
Kỳ vọng đó càng có cơ sở khi VPBank đã sở hữu một tầm thế quy mô vốn hàng đầu. Thậm chí, với kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đang trong lộ trình triển khai, quy mô vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể lên tới 120.000 tỉ đồng, dẫn đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Bình luận (0)