>> Chùm ảnh Vừ Già Pó trong giây phút đoàn tụ với gia đình
>> Vừ Già Pó khóc nức nở trong giây phút đoàn tụ gia đình
>> Đang hoàn tất thủ tục để đưa công dân Vừ Già Pó về nước
>> Video: Phút giây trùng phùng cảm động của người lưu lạc 5.800 km
>> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Trốn chạy và đi mãi
>> Đi qua vùng đất Tazai xuống tận... biển
|
Được đi tàu hỏa
Lúc trốn khỏi chỗ làm việc tại Trung Quốc, trên người Vừ Già Pó chỉ mặc độc một bộ quần áo người H’Mông. Sau khi đi bộ hàng tháng trời, ăn bờ ngủ bụi, quần áo rách nát cả. Cũng may là Pó gặp những người bán quần áo ven đường. Pó kể: “Mình xin quần áo mặc, họ thương tình cũng cho mình. Mặc hỏng lại xin bộ khác”. Pó cũng không nhớ nổi mình đã thay bao nhiêu bộ quần áo nữa.
Rời hồ nước mặn Chilka, men theo đường lộ, Pó tiếp tục đi về hướng mặt trời lặn. Anh gặp nhiều ô tô chạy trên đường, nhiều làng mạc mà anh nhớ “ở đấy có những cái chùa màu trắng. Người ta ngồi chơi ở cổng rất đông. Những người phụ nữ họ đánh cái dấu đỏ ở giữa trán, còn mấy ông già thì vạch mực đen mấy đường trên mặt”. Pó còn phát hiện “mình biết họ làm mực bằng cách mài cái rễ cây ra màu đen để đánh dấu mặt”.
Pó nhận xét về đất nước Ấn Độ rất hồn nhiên: “Ở thành phố thì nhiều nhà to nhưng ở vùng khác thì nghèo lắm. Tình hình vệ sinh công cộng ở nơi nghèo cũng kém lắm”.
Trên đường băng ngang Ấn Độ, Pó cũng từng bị cảnh sát “hỏi thăm” hai lần. Pó kể: “Hai lần cảnh sát giữ lại hỏi giấy tờ. Mình nói mà họ không hiểu. Họ lập biên bản rồi cho đi. Cả hai lần đều được đi tàu hỏa. Đoàn tàu dài lắm, có mấy chục toa. Lần đầu đi khoảng 2 tiếng thì xuống xã của người ta. Bến tàu đông bao nhiêu là người, nhiều hơn cả chợ huyện Mèo Vạc ở mình nữa. Lần thứ hai đi tàu thì nhanh hơn. Mình xuống tàu rồi lại đi tiếp”.
Mấy tháng đi bộ ròng rã trên những vùng đất bằng phẳng, nóng ran, Pó đến được một thành phố lớn ở phía đông của Ấn Độ. Đó là Mumbai (dân địa phương vẫn gọi theo tên cũ là Bombay). Anh hào hứng kể: “Cái chỗ ấy gọi là Bombay, nhiều xe ô tô lắm, bao nhiêu là nhà cao, mình đếm hơn 20 tầng. Mình đi mãi mới qua cái thành phố ấy. Đi một đoạn, hết đường thì lại gặp biển”. Pó đã qua phía tây Ấn Độ, phía biển Ả Rập. Hết đường để đi, Vừ Già Pó cho biết cảm giác lúc ấy là rất sợ hãi và hoang mang không biết phải đi đâu: “Mình cứ theo hướng mặt trời lặn để đi. Chỗ ấy không còn đường nữa. Chả biết đi thế nào nữa. Mặt trời nó chui xuống dưới nước rồi. Mình sợ lắm, sợ không về được nhà”.
Từ Mumbai ngược lên phía bắc - bị bắt và tẩu thoát
Nhận ra mình đã đi lạc đường. Sau hồi lâu lo sợ thì Pó quyết định hỏi thăm một người. Pó kể: “Mình hỏi ông ấy chỗ núi. Tiếng của họ núi là pa-ha (pahara - tiếng Hindu - PV). Ông ấy chỉ lên phía bắc. Thế là mình cứ đi theo đấy. Nhà mình ở núi mà”.
Theo Pó thì cảnh vật ở trên đường đi rất đẹp. “Đi qua khỏi Bombay 5 - 6 ngày thì gặp cả cánh đồng rất nhiều hoa vàng, có năm cánh. Vùng ấy nhiều cây to hơn cột nhà. Có nhiều bọn khỉ màu nâu, đuôi dài. Đông lắm. Mình cũng sợ bọn ấy nhưng mình đi ngang bọn nó chỉ nhìn mình thôi, không làm gì cả”.
Vừa đi dọc đường Pó vẫn ghé vào nhà dân xin ăn. Lúc thì họ cho bánh paratha, lúc thì họ cho luti (bánh rán - PV). Thỉnh thoảng họ cho anh cả cháo và cơm. Pó nói: “Họ cho mình cơm. Cơm trộn với rau, mỡ, hạt tiêu, ớt rất cay. Mình hỏi xin đũa mà họ không có. Họ toàn ăn bốc thôi. Mình cũng bốc ăn giống như họ”.
Trong một lần vào xin ăn. Pó kể bị một gia đình kia bắt lại nhốt 3 ngày. Đấy là lần ở lại một nơi lâu nhất của anh trong suốt hành trình đi bộ không nghỉ hơn 18 tháng. Vừ Già Pó nhớ lại: “Lúc ấy mình bị người ta bắt ở lại làm cho người ta. Gia đình ấy cũng đông, có 3 người đàn ông, 5 người phụ nữ trong ấy có 1 bà già, 3 đứa trẻ con bé, bé hơn thằng Vư con út mình. Hằng ngày mình đi hốt phân bò. Mà người ở đấy họ không dùng xẻng mà dùng tay. Thế là mình cũng phải dùng tay để hốt”.
Khi người viết hỏi tại sao không chống cự ngay từ đầu thì Pó cho biết: “Bọn đàn ông ấy rất to. Cái tay của nó to bằng chân mình. Nó đứng lên cao hơn mình 1 cái đầu. Mình sợ lắm!”. Pó cao chừng 1 m 75 cũng là người có chiều cao hiếm có trong cộng đồng người H’Mông (PV). Anh kể tiếp: “Hằng ngày người ta cho mình ăn, rồi mình hốt phân bò thôi. Nhà ấy nuôi nhiều bò lắm. Con nào cũng rất to. Mình chỉ đứng hơn lưng nó thôi. Cái sừng của con bò cũng to không giống như bò của người H’Mông đâu”. Đến ngày thứ ba, những người đàn ông trong nhà có việc đi vắng. Trước khi đi, một người còn dặn vợ phải trông chừng Pó - anh kể lại - “Ông ấy nói gì như là phải trông nó. Còn bà vợ thì trả lời là “cho nó ăn bánh luti no thì nó không đi đâu!”. Khi trời sẩm tối, lúc người phụ nữ đi ra cho bò ăn, Pó trèo thoát ra ngoài rồi chạy trốn.
“Mình chạy mãi đến tối thì vào trong một cái chùa rồi trốn trong ấy. Cái chùa màu trắng, trên lợp mái trông như cái nón. Trong chùa có một cái máy bơm nước bằng tay. Mình bơm nước lên uống xong thì thay quần áo. Vì ở nhà kia họ bắt mặc một bộ quần áo dài như họ. Mình mặc lại quần áo của mình rồi vứt bộ ấy đi” - Pó kể lại hành trình chạy trốn của mình.
Cứ đi mãi lên phía bắc, Pó đã nhìn thấy núi. Anh kể: “Cái núi to ấy có 9 ngọn, đẹp lắm! Mình thích cái núi ấy quá nên dừng lại ngắm nhìn nó rất lâu. Mình nghĩ trong đầu là qua núi ấy là mình được về Khâu Vai rồi. Mình sắp được về nhà với vợ và con. Mình vui lắm!”. (còn tiếp)
Na Sơn
>> Người lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan: Phút giây trùng phùng
>> Người lưu lạc 5800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan đã đoàn tụ với gia đình
>> Video clip: Lời kêu cứu của người lưu lạc hàng ngàn km từ Mèo Vạc sang Pakistan
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan - Kỳ 3: Chờ một hồi kết đẹp
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan - Kỳ 2: Nhân vật bí ẩn Wu Ta Puma
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan
Bình luận (0)