Hành trình phiêu bạt của Vừ Già Pó dừng lại ở đồn cảnh sát Zila Neelum, bang Azad Jammu & Kashmir của Pakistan.
>> Video: Phút giây trùng phùng cảm động của người lưu lạc 5.800 km
>> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Đối mặt xe tăng
>> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Bị bắt và trốn chạy
>> Hành trình phiêu bạt 5.800 km của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: Trốn chạy và đi mãi
|
Vậy là kể từ tháng 3.2012 khi anh và những người bạn trốn khỏi nhà chủ đâu đó ở Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), anh đã đi bộ ròng rã gần 18 tháng, băng qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vào biên giới và ngang qua miền trung Myanmar tới bang Manipur (Ấn Độ) rồi đến Bangladesh. Pó tiếp tục vào Ấn Độ ở Đông Bengal, rồi bang Orissa (hay còn gọi là Odisha).
Anh tiếp tục đi cắt ngang qua miền trung Ấn Độ tới tận phía tây của đất nước này, nơi thành phố Mumbai đông đúc. Từ đó anh ngược lên phía bắc đến tận chân dãy Himalaya ở Himachai Pradesh rồi tiếp tục hướng tây bắc lên Jammu & Kashmir cho tới khi vào đất Pakistan bị quân báo nước này bắt vào khoảng tháng 9.2013. Tổng quãng đường bộ ấy, tính sơ lược vào khoảng 7.300 km. Theo lời kể của anh, Vừ Già Pó chỉ đi xe lửa tổng cộng chưa đến 4 tiếng khi ở đất Ấn Độ. Còn lại quãng đường hơn 7.000 km, qua 5 quốc gia, anh hoàn toàn đi bộ bằng đôi chân dẻo dai, không tiền bạc, không giấy tờ và không cả ngôn ngữ giao tiếp trừ một vài từ đơn giản anh học được trên đường đi để xin ăn, uống.
Những giọt nước mắt đoàn tụ
Có lẽ Pó sẽ sống nốt quãng đời còn lại ở đất Pakistan như anh từng nghĩ nếu một ngày tháng 12.2013 ông Mukhtar Qreshi, nhân viên phụ trách các vấn đề thảm họa của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở địa phương không ghé qua đồn cảnh sát Zila Neelum. Ông tò mò khi biết cả tình báo quân đội, cả cơ quan điều tra tội phạm của bang và cả cảnh sát ở đồn không tài nào biết được nguồn gốc của người đàn ông nói thứ tiếng kỳ lạ đang được giam lỏng mà họ gọi là Wu Ta Puma kia. Như đã đề cập trong những loạt bài đầu tiên, ông Mukhtar đã xác định anh là người Việt Nam khi cho anh xem ảnh cờ và tiền Việt trên máy tính. Và rồi ông viết thư gửi cho Đại sứ quán Việt Nam ở Islamabad để thông báo.
Sau đó, những nỗ lực của Đại sứ quán, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc và xã Khâu Vai cũng như sự hợp tác nhiệt tình của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ Pakistan cùng với sự quan tâm của báo giới cả hai nước, tối 10.5.2014, Pó đã được trở về trên chuyến bay TG350 sang Bangkok (Thái Lan) và tiếp tục với TG560 về Hà Nội lúc 9 giờ 35 ngày 11.5.2014. Trước đó, hai viên cảnh sát ở đồn Zila Neelum đã thuê xe đưa anh đi từ Neelum vượt hơn 700 km đường núi về đến sân bay Benazir Brutto ở thủ đô Islamabad.
|
Pó nhớ lại: “Lúc máy bay hạ cánh, nhìn thấy 2 người công an Việt Nam, một đàn ông, một đàn bà ra máy bay dẫn mình vào là mình biết mình đã được về quê rồi. Các anh chị ấy còn chụp ảnh chung với mình nữa. Một lúc sau, có anh Pó, Công an huyện Mèo Vạc vào nói tiếng H’mông với mình thì mình mừng quá”. Chỉ ít phút sau, anh được gặp vợ, Ly Thị Lía sau hơn 2 năm 3 tháng anh xa nhà. Hai vợ chồng ôm nhau khóc to thành tiếng. Pó còn đứng không vững, cứ ngồi thụp xuống đất ôm mặt, nấc từng hồi.
Cảm động nhất có lẽ là giây phút Pó được gặp con vào trưa hôm sau khi về đến xã Khâu Vai. Nghe tin bố về, Vừ Mí Súa và Vừ Mí Chả đã được cô giáo cho nghỉ buổi học chiều cùng với chị là Vừ Thị Hờ chạy lên trụ sở ủy ban xã. Pó lao ra ôm gọn đàn con vào lòng và mấy bố con òa khóc khiến những người chứng kiến cũng không thể kìm được xúc động. Những giọt nước mắt đoàn tụ của Pó còn rơi suốt dọc đường từ xã đi về xóm Lũng Lầu thân thuộc mỗi khi gặp những người họ hàng xóm quen, nhất là khi gặp mẹ vợ và cậu con út Vừ Mí Vư của mình ra đón.
“Ở nhà thôi”
Sáng 12.5.2014, khi xe của chúng tôi đang bò ì ạch trên những con đường dốc ngoằn ngoèo từ thị trấn Mèo Vạc qua Cán Chu Phình để vào Khâu Vai, nhìn những đám ngô đang lên xanh non giữa toàn những đá tai mèo lởm chởm, cậu phóng viên trẻ đi cùng buột miệng hỏi: “Làm sao mà họ lại trồng ngô được trên đá thế kia?”. Chưa kịp trả lời thì Sùng Mí Pó, cậu sinh viên người H’mông người viết dẫn theo để phiên dịch đã trả lời thay: “Cứ trồng thì nó khắc mọc lên thôi”. Có lẽ, với Vừ Già Pó cũng vậy - khắc đi rồi khắc đến.
Vừ Già Pó đã đi bằng mục tiêu đơn giản duy nhất: được trở về quê nhà đoàn tụ với vợ con và với một đường hướng cũng đơn giản, rõ ràng - đi về hướng mặt trời lặn cùng niềm tin không hề bị lung lạc suốt 1 năm rưỡi trên đường. Rõ ràng, anh đã gặp quá nhiều may mắn khi không hề bị ốm trận nào trong suốt thời gian ấy và nhận được sự cưu mang, giúp đỡ đầy lòng nhân ái của vô số người anh gặp trên đường. Nhưng có lẽ, những may mắn ấy của số phận đã chọn anh, người đàn ông H’mông thật thà, chất phác hiếm có. Đúng như câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” vậy.
Cuộc phỏng vấn 2 ngày trời của người viết với Vừ Già Pó, thỉnh thoảng lại bị ngắt ngang bởi những tiếng cười giòn tan của lũ con anh khi chúng nhái lại những từ ngữ xa lạ tiếng Hindu, Urdu mà anh học được cũng như những câu chuyện kỳ thú anh kể khi gặp trên đường. Còn Ly Thị Lía, vợ anh thì chỉ ngồi bên cạnh anh không nói, duy đôi mắt sáng của chị là không rời chồng một giây nào.
Để kết thúc cuộc trò chuyện, khi được hỏi “có dám đi Trung Quốc làm nữa không?”, Vừ Già Pó khẳng định ngay: “Không đời nào! Bây giờ có đứa nào đến rủ mình đi làm bên Trung Quốc thì có trả mình 100 triệu hay cả tỉ thì mình cũng không đi, mình sẽ báo công an bắt ngay. Còn nếu có người quen nào cứ muốn đi làm thì hãy đến gặp mình, uống với mình chén rượu để mình kể chuyện của mình cho nghe rồi hãy quyết định có đi không. Ở nhà thôi! Nghèo thì cố làm chứ đừng đi đâu cả…”.
Na Sơn
>> Người lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan: Phút giây trùng phùng
>> Người lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan: Phút giây trùng phùng
>> Người lưu lạc 5800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan đã đoàn tụ với gia đình
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan - Kỳ 3: Chờ một hồi kết đẹp
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan - Kỳ 2: Nhân vật bí ẩn Wu Ta Puma
>> Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan
Bình luận (0)