Hành trình tại Nam kỳ: Cuộc khám phá đầu tiên

05/09/2023 07:29 GMT+7

Cuộc khám phá thành phố Sài Gòn được Albert Morice thực hiện trên hai trục đường chính là Catinat và Nationale mang đến cho vị bác sĩ cảm giác hân hoan.

Sáng hôm sau, sau một giấc ngủ bị quấy rầy vì quá nhiều kẻ hút máu - những kẻ buộc tôi phải đưa ra định nghĩa duy nhất phù hợp với cái màn: những tấm rèm vải mousseline nhốt muỗi - tôi thức dậy để đi thăm thành phố. Nhưng trước khi thỏa mãn sự tò mò chính đáng của mình, tôi muốn kiểm tra một số động vật mà tôi đem từ Pháp qua và đã được tôi hết lòng chăm sóc trên suốt hải trình dài đằng đẵng. Đó là hai con rắn ráo vẫn còn nhỏ nhưng vẻ đáng yêu non nớt của chúng làm tôi mê thích. Tôi mở tủ com-mốt, nơi tôi đã cất chiếc hộp chứa hai con rắn. Trời đất ơi! Hàng đàn kiến đen túa ra từ đó và tôi chỉ còn thấy hai bộ xương trơ trọi. Loài kiến của vùng nhiệt đới vừa cho thấy thế nào là hoạt động điên cuồng. Tôi sẽ không chìm đắm trong nỗi đau nhức nhối này nữa: phải có một trái tim của nhà tự nhiên học mới hiểu được nó.

Hành trình tại Nam kỳ: Cuộc khám phá đầu tiên - Ảnh 1.

Cảnh chợ Sài Gòn

Hình họa của D.Maillart, dựa theo các bức ảnh

Quá đau buồn vì cuộc phiêu lưu bi thảm ấy, tôi đành ra đường một mình vì tôn trọng giấc ngủ của người bạn mà tôi tin là rất say sưa. Bất cứ khi nào đi thăm thú một thành phố lần đầu, tôi đều muốn một mình; tôi cho rằng phải như vậy thì những ấn tượng mới khắc ghi bền lâu hơn.

Từ khách sạn tôi rẽ phải, một con chó nhỏ xấu tệ khinh thường chào tôi bằng một tiếng sủa chói tai, và tôi vào đường Catinat, một trong những trục lớn của thành phố. Lúc đó là sáu rưỡi sáng, người Hoa sống ở phía dưới đường này đang rửa ráy trước cửa nhà một cách thản nhiên và khiếm nhã...

Xe hơi do những người Ấn đen đúa gốc Malabar lái cứ nhằng nhẵng bám theo tôi: "Quan ba, quan ba, mời lên xe!". Những đứa trẻ con da bồ hóng hoặc ngăm đen, đầu tóc bù xù, đôi khi đội một chiếc mũ lính thủy sờn rách, mặc những bộ đồ đơn sơ hết sức, ào tới quanh tôi ngay khi tôi dừng lại ở một quầy hàng và liên tục nài: "Quan ba, dùng giỏ này nha!", vừa huơ huơ những chiếc giỏ bự chảng, sẵn sàng đựng bất cứ thứ gì mà tôi muốn mua.

Hành trình tại Nam kỳ: Cuộc khám phá đầu tiên - Ảnh 2.

Những đứa trẻ Sài Gòn

Hình họa của D.Maillart, dựa theo các bức ảnh

Càng rời xa bến cảng tôi càng thấy đường phố dâng cao và nhà cửa theo kiểu Âu mọc lên chi chít. Ở trên cùng con đường [Catinat], tôi thấy bên trái là cung điện nhỏ duyên dáng của Giám đốc Nội vụ [bản đồ Sài Gòn năm 1878 cho thấy vị trí này là Hôtel du directeur de l'Interieur và Direction de l'Intérieur, tức dinh Đổng lý Nội vụ hay còn gọi là dinh Thượng thơ], tọa lạc giữa một khu vườn xanh mát, từ trong vườn một con nai to lớn bỗng thò đầu ra tò mò nhìn tôi. Xa hơn nữa, tôi thấy sở làm, xưởng đúc tiền [nguyên văn: la Monnaie, về sau là trésor public (kho bạc hoặc nha ngân khố), nay là phần khu đất cao ốc Metropolitan, góc Nguyễn Du và Đồng Khởi], bưu điện [thành phố]. Đúng là phần lớn những tòa nhà này ngăn cách nhau bởi nhiều khoảng đất ít nhiều rộng rãi, nơi tre, thầu dầu, cà độc dược, dây leo to và cao và cỏ hoang chen lấn nhau. Nhưng đường nét táo bạo và độc đáo của huyết mạch chính chạy trong thành phố này cùng với tầm nhìn từ những ngôi nhà đẹp mắt đã tạo cho tôi một ấn tượng cực kỳ dễ chịu.

Quãng tám giờ, mặt trời trở nên không thể chịu đựng nổi, bất chấp chiếc mũ salaco, nên tôi trở về theo đường Nationale [nay là Hai Bà Trưng], song song với đường Catinat và thưa người hơn [tác giả đi về hướng quảng trường/bến cảng]. Trên đường này cũng có những ngôi nhà tiện nghi xen kẽ với những túp lều nhỏ bé và trảng bụi, giống như bụi rậm ở Pháp hay rừng rậm ở Ấn Độ. Tôi nhận thấy trong số những tòa nhà trên đường này có dinh Thống soái cũ [nguyên văn: ancien palais du Gouvernement, tức dinh gỗ, bấy giờ dinh Thống soái mới (nay ở vị trí chỗ dinh Độc Lập) đang trong giai đoạn hoàn thiện], trụ sở chính của trạm chăm sóc y tế [tức Service de Santé Militaire et Direction de l'Intendance, nay là khuôn viên IDECAF] và các tòa nhà của Công binh (Génie).

Tôi gặp vô số đàn ông và nhất là phụ nữ Ấn Độ, nước da đen đúa hoặc đỏ au, quấn vải thêu kim tuyến và màu sắc lòe lọe, vàng và xanh lá. Họ thường xỏ khuyên bạc ở mũi; vóc dáng cao lớn và mập mạp của họ khác hẳn với hình dung nhỏ bé và mảnh mai của phụ nữ An Nam mà tôi thấy ai nấy đều tất tả, oằn mình dưới những món hàng mang ra chợ; theo sau họ là những đứa trẻ, cũng mang những gánh nặng quá khổ khiến chúng phải thường xuyên dừng nghỉ. Đến giữa đường, bên tay phải là đồn cảnh sát, có mấy người Âu bước ra cùng với những người Malabar, Hoa và nhiều nhất là An Nam. Người An Nam bé nhỏ trong bộ cảnh phục, với thanh kiếm nhỏ, chiếc mũ salaco tin hin và búi tóc lớn trên đầu... Những người Hoa đi trước một thanh niên An Nam gánh đồ ăn, chốc chốc lại vượt qua tôi.

Tôi hân hoan trở về sau cuộc khám phá đầu tiên đã cho tôi một cái nhìn sơ khởi về các sắc tộc khác nhau cùng chung sống trong thành phố, và đánh giá những thành tựu tuyệt vời của một tự nhiên dư dả ánh sáng mặt trời và mưa gió. (còn tiếp) 

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ Voyages en Cochinchine của Albert Morice - Thư Nguyễn chuyển ngữ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.