(TNO) Hãng tin ABC (Úc) ngày 3.3 có bài phóng sự ghi lại hành trình tìm về cội nguồn của 2 trong số gần 300 đứa trẻ Việt Nam bị đưa sang Úc vào những ngày tháng 4.1975.
Ảnh lúc nhỏ của cô Chantal Doecke, một trong số những đứa trẻ Việt Nam được đưa lên máy bay để rời khỏi Sài Gòn vào ngày 5.4.1975, trên trang web của hãng tin ABC (Úc)
|
Vào những ngày tháng 4.1975, Mỹ tiến hành một chiến dịch mang tên Operation Babylift để đưa khoảng 3.000 trẻ em lên máy bay, gấp rút sơ tán khỏi Sài Gòn.
Những đứa bé này khi đó đang ở trong các bệnh viện và nhà trẻ mồ côi và chúng đã được máy bay Mỹ chở sang nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Úc và Canada, theo ABC. Trong số đó, gần 300 đứa bé đã hạ cánh xuống Úc, nơi chúng được nhận nuôi sau đó.
Hãng tin Úc cho biết vào tháng 4 tới, một vài người trong số những đứa trẻ Việt Nam được nhận nuôi ở Úc dự định sẽ trở lại Việt Nam. Nhiều người đang trong một hành trình dài tìm kiếm cha mẹ ruột của mình, trong khi số khác đã tìm đến phương pháp xét nghiệm ADN để tìm lại người đã sinh thành ra mình, theo ABC.
Cô Chantal Doecke là một trong số những đứa trẻ Việt Nam bị đưa lên máy bay để rời khỏi Sài Gòn vào ngày 5.4.1975.
“Giống như những đứa bé khác, tôi đã bị đặt vào trong hộp giày. Rõ ràng đây là một cách thức dễ dàng và an toàn”, cô Doecke cho hay.
Được một cặp vợ chồng người Úc nhận làm con nuôi, Doecke cho biết trước đây cô chưa từng nghĩ nhiều về gốc gác của mình cho đến khi cô có đứa con đầu lòng.
Chantal Doecke hiện đang sống ở Úc - Ảnh: ABC
|
“Tôi đã đứng nhìn mình trước gương, bế đứa con gái trong lòng và tôi đã nghĩ: Ôi trời, con giống mình quá!”, cô Doecke hồi tưởng lại.
“Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Chà, tôi không biết mình trông giống ai nhỉ. Và điều này bắt đầu lẩn quẩn trong đầu tôi”, cô nói.
ABC cho biết Doecke đã tìm kiếm cha mẹ ruột của mình trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa tìm ra. Cô đang có kế hoạch tham dự lễ hội ngộ những đứa trẻ được nhận làm con nuôi tại TP.HCM vào tháng 4 tới.
“Ngay cả giờ đây, tôi đã 40 rồi và tôi vẫn luôn tìm cách thay đổi ngoại hình của mình. Không phải vì tôi xấu hổ vì là người Việt hay vì tôi trông khác (với người bản xứ), mà tôi nghĩ là do thắc mắc về nguồn gốc của mình cứ ảm ảnh lấy tôi”, cô Doecke cho hay.
Tương tự, cô Sue Yen Byland, một người sống ở thành phố cảng Perth, tây Úc, cũng đã tìm kiếm cha mẹ ruột trong suốt 9 năm qua. Cô cho biết mẹ cô là người Việt Nam và phỏng đoán cha cô là một cựu binh Mỹ.
“Tôi có cảm giác như mình đã làm hết mọi thứ trong khả năng có thể để đến đó và để cho người phụ nữ mà là mẹ tôi biết là tôi đang tìm kiếm bà ấy”, cô nói với hãng tin ABC.
Byland cũng dự định sẽ tham gia buổi tiệc nhân dịp hội ngộ những đứa trẻ được nhận làm con nuôi tại TP. HCM vào tháng 4.
“Bất kỳ ai trong số chúng tôi cũng đã có thể bị đặt vào trong hoàn cảnh của người khác, để rồi sẽ đi loanh quanh và nhìn vào một người con nuôi nói tiếng Thụy Điển rồi nói: Chà, người đó có thể đã là mình”, cô Byland chia sẻ.
Tìm thấy cha ruột nhờ Facebook
Không giống như những người chung hoàn cảnh khác, cô Tricia Houston, một trong những đứa trẻ Việt Nam được nhận nuôi ở Mỹ, đã dùng phương pháp thử ADN để tìm cha mẹ ruột.
Ban đầu mọi người cứ nói với cô rằng cô là con lai, nhưng nhờ xét nghiệm ADN, cô phát hiện ra cả cha và mẹ cô đều là người Việt.
Tricia Houston tìm thấy cha ruột của mình tại Việt Nam nhờ Facebook - Ảnh: ABC |
Cô đã tìm ra cha ruột của mình trên Facebook nhờ mẩu miêu tả chi tiết cuộc tìm kiếm con gái kéo dài ròng rã 38 năm của ông trên trang mạng xã hội.
“Ông ấy trông rất buồn và giống như ông đang dành cả cuộc đời để tìm kiếm ai đó vậy”, cô Houston kể lại.
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy họ là cha con và cô đang chuẩn bị quay về Việt Nam vào tháng tới để gặp lại cha mình lần đầu tiên trong đời.
“Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ thắp lên hy vọng rằng vẫn còn có khả năng tìm thấy cha mẹ ruột”, công dân Mỹ gốc Việt này chia sẻ.
Chiến dịch Operation Babylift là gì? Theo trang adoptvietnam.org (Mỹ), chuyên đưa tin về việc nhận con nuôi ở Việt Nam, vào ngày 3.4.1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford thông báo chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu sơ tán trẻ mồ côi khỏi Sài Gòn bằng máy bay vận tải quân sự C-5A Galaxy. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên mang số hiệu 68-0218 đã bị nổ chỉ 12 phút sau khi cất cánh và đã rơi xuống một cánh đồng lúa gần sân bay Tân Sân Nhất, khiến 153 trên tổng số 328 người trên máy bay thiệt mạng. Trang adoptvietnam.org cho biết để chở càng nhiều trẻ càng tốt, những đứa bé mới chập chững biết đi hoặc lớn hơn được cài dây an toàn vào hàng ghế nhôm đặt dọc thân máy bay. Còn những đứa nhỏ hơn được đặt trong các hộp vuông, mỗi hộp chứa từ 2 đến 3 bé. Có một sợi dây dài dằn lên dãy hộp này để cố định chúng. Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số trẻ em bị đưa ra khỏi Việt Nam vào thời điểm đó, nhưng theo adoptvietnam, ít nhất 2.000 đứa bé đã được chở sang Mỹ và khoảng 1.300 đứa khác sang Canada, châu Âu và Úc. Chiến dịch này gây tranh cãi vì không phải toàn bộ các đứa bé bị đưa ra khỏi Việt Nam là trẻ mồ côi. |
Bình luận (0)