Tác phẩm điện ảnh đầy mê hoặc của Phạm Thiên Ân mở đầu bằng một cảnh quay dài, bao gồm thú vui và cả cái chết.
Trong con phố nhỏ náo nhiệt giữa lòng Sài Gòn, đám đông vừa nhậu vừa xem bóng đá. Một nhóm thanh niên ngồi uống bia và thảo luận về đức tin, sự tồn tại lẫn niềm vui sống. Thiện (Lê Phong Vũ đóng) trầm mặc, ủ rũ, chỉ tập trung một nửa vào cuộc trò chuyện ồn ào giữa lời chào hàng của một cô gái bán loại bia mới, tiếng rì rầm của cơn giông mùa hè bất chợt, rồi cả tiếng kim loại rít lên cùng âm thanh va đập mạnh của một vụ tai nạn xe máy chết người… Cú máy dài này không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện rõ ý đồ của đạo diễn: Thiện dường như tách biệt khỏi thế giới mà anh đang sống.
Phạm Thiên Ân (xuất thân là một thợ quay và dựng phim đám cưới) dẫn dắt người xem theo chân Thiện - cũng làm nghề dựng phim đám cưới trong phim - trải qua chuyến hành trình đưa xác chị dâu và mang đứa cháu trai về quê trao lại cho anh trai, từ đó tìm về cõi sâu thẳm tâm hồn mình.
Phim có sự mất mát và đau buồn gây xúc động mạnh nhưng cách kể chuyện bàng bạc của Ân khiến khán giả khó mà tìm được những cảnh bi lụy, đẫm nước mắt. Phần lớn cuộc đối thoại trong phim được dệt thông qua âm thanh của tiếng gia súc, gia cầm, tiếng chim hót, gió, nước nhỏ giọt róc rách và tiếng nói trên đài phát thanh. Những âm thanh này làm khán giả có cảm giác thời gian của phim trôi đi trong lặng lẽ, khi quá khứ và hiện tại, tỉnh và mơ, trần tục và thanh tao trượt vào nhau một cách tình cờ.
Có rất nhiều cảnh đẹp hoang sơ đến ngỡ ngàng ở vùng nông thôn miền núi VN trong phim, với màu xanh tươi tốt, ẩm ướt của khu rừng, màu xanh của bầu trời tượng trưng cho tương lai sáng đẹp chen lẫn với màn sương mù che lấp mọi thứ, như một sự bế tắc. Phạm Thiên Ân liên tục đưa ra những phép ẩn dụ cho sự cứu chuộc và thay đổi. Thiện lao vào một cuộc tìm kiếm phức tạp hơn, bất thường hơn trong vùng rừng núi, bề ngoài là tìm anh ruột Tâm nhưng thực chất là tìm lại linh hồn của chính mình. Theo chân nhân vật, khán giả cũng chiêm nghiệm lại bản thân: Chúng ta sống vì điều gì? Hạnh phúc và khổ đau có là vĩnh cửu hay chỉ là một thoáng trong cuộc đời này?
Vỏ kén vàng - theo Phạm Thiên Ân - tựa như vỏ bọc của con người trong xã hội, là những thứ lôi kéo họ vào một vòng tròn bất tận trong cuộc chạy đua với tiền bạc, danh vọng. Con nhộng bên trong giống như linh hồn của một người.
"BÀNG HOÀNG NHƯ ĐƯỢC ĐÁNH THỨC TỪ BÊN TRONG"
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ ngay sau khi xem ra mắt bộ phim vào tối 8.8: "Phải chia sẻ ngay cảm xúc sung sướng và xúc động khi được xem một thứ điện ảnh vừa thuần khiết vừa siêu nghiệm và thuần Việt không lẫn đi đâu được như thế này. Ba tiếng đồng hồ hoàn toàn bị đắm chìm vào thứ khí quyển điện ảnh vừa quá quen thuộc, quá thật nhưng cũng rất lạ lẫm, mơ hồ như không chạm tới được. Một bộ phim về hành trình đi tìm lại linh hồn đã mất của một "người phàm" mà tôi tin chắc ai cũng thấy một phần nào của mình trong đó, nếu thực sự đắm chìm vào nó. Để rồi bàng hoàng như được đánh thức từ bên trong "vỏ kén vàng", rằng ta đã đánh mất nó từ bao giờ, và liệu ta có tìm lại được nó?".
Diễn viên Hồng Ánh thổ lộ: "Ba tiếng trôi qua mình như được sống, được thở cùng với không khí, với tâm lý, với sự hoang mang, mông lung và chơi vơi trong câu chuyện của nhân vật chính mà Bên trong vỏ kén vàng đã kể thật sự khiến mình lâng lâng. Một bộ phim duy mỹ trong sự giản dị, mang đến thật nhiều cảm xúc và cũng gợi rất nhiều cảm giác! Tiết tấu của phim cũng là tiết tấu của nhịp sinh học, của cuộc sống. Phim như phá bỏ mọi niêm luật nhưng lại không làm người xem nhàm chán, chợt nghĩ phim sắp chán rồi đây thì lại bị cuốn theo. Cái này đạo diễn quá hay luôn. Phim rất đời như một thước phim tài liệu thực tế sống động, nhưng cũng gợi rất nhiều ý niệm và suy tưởng về cuộc sống, đức tin. Nó khiến người xem tò mò, luôn chất vấn bản thân và muốn đặt nhiều câu hỏi rồi trông ngóng nhận sự hồi đáp nhưng cuối cùng nhận ra không cần thiết giải đáp làm gì, mọi thứ cứ cảm nhận thôi".
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nhận định: "Chiến thắng của Ân là điều tuyệt vời cho điện ảnh VN năm nay. Nó không chỉ là niềm vui và tự hào cho giới làm phim, mà còn đại diện cho hình ảnh một thế hệ trẻ mới của VN đang vươn mình ra biển lớn một cách đàng hoàng tự tin, với toàn bộ sự trân trọng và đón chào của một liên hoan phim quan trọng bậc nhất trên thế giới".
NẾU KHÔNG LÀM PHIM VỀ VN SẼ KHÔNG CÓ GIẢI THƯỞNG NÀY
Tôi sinh ra và lớn lên ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), trưởng thành và làm việc ở TP.HCM nên dù hiện đang sống ở Houston (Texas, Mỹ), tôi vẫn mang tâm hồn thuần Việt. Những ký ức về quê hương luôn thấm sâu vào máu thịt nên tôi rất thuần Việt. Nước Mỹ chỉ là nơi tôi làm việc kiếm tiền, là nơi tôi thinh lặng để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua ở quê nhà, từ đó có chất liệu để làm Bên trong vỏ kén vàng.
Đời sống người Việt ở Mỹ chưa đủ tạo cảm hứng và trải nghiệm để tôi làm phim. Tôi tin chắc nếu không làm phim về VN tôi sẽ không vinh dự nhận giải Camera vàng vì đơn giản tôi là một người Việt.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân
Bình luận (0)