img
Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 1.

Chưa bao giờ chúng tôi hát và đọc thơ nhiều đến thế. Những bài hát, bài thơ về đất nước tôi thuộc hay được học cách đây 2- 3 thập kỉ bỗng ùa về, ngân nga trong trái tim khi xe chạy trên con đường vòng quanh triền núi theo hình xoắn ốc để lên tới đỉnh. Hùng vĩ đến choáng ngợp. Dù đã lang thang 4 ngày, nhưng khi ngước nhìn bầu trời trong lúc đứng chờ thông đoạn cuối cùng trên QL4C nối Quản Bạ với Hà Giang vào 9h đêm, chúng tôi vẫn nhầm những đốm sáng rải rác trên cao là các vì sao, ánh đèn nhấp nháy di chuyển là chuyến bay đêm nào đó. An, hướng dẫn viên kiêm tài xế chở chúng tôi cười bò giải thích, "vì sao" là ánh đèn hắt ra từ những ngôi nhà trên đỉnh núi và "máy bay" chính là chiếc ô tô hiếm hoi còn di chuyển vào giờ đó. Một khung cảnh ngoạm mục đến không tưởng.

Đêm cuối tháng 10 tiết trời Tây Bắc cuối thu se lạnh, không khí đông đặc khiến mọi đốm sáng đều trở nên rực rỡ. Đó cũng là lúc lòng tôi rộn ràng câu thơ "Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát...". Các đồng nghiệp của tôi cũng đang hát, thỉnh thoảng lại có tiếng ré lên hù dọa nhau... Họ đã quên không gian- thời gian; quên cả món cháo ấu tẩu ninh chân giò và tắm Dao đỏ mà chúng tôi đang háo hức chạy xuyên màn đêm từ Mèo Vạc về Hà Giang để kịp thưởng thức trước khi trở lại thành phố mang tên Bác.

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 2.

Những ngôi nhà nép mình bên bìa rừng, vách núi, xung quanh là cỏ cây hoa lá, khiến du khách như lạc vào cổ tích. Du lịch đã đánh thức các bản làng ở khắp Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh....

Nhưng thông báo của những người gác đường kéo chúng tối trở về với thực tại: Công trường sẽ thi công đến 1 giờ sáng hôm sau mới thông xe. Tôi phóng tầm mắt ra xung quanh, bóng tối bao trùm, thời tiết càng về đêm càng lạnh. Chỗ chúng tôi đứng, chỉ cách thành phố Hà Giang khoảng 26 km, nếu quay lại Quản Bạ thì sáng hôm sau phải chạy 60 km nữa mới ra tới thành phố, có thể sẽ không kịp chuyến bay về Sài Gòn như kế hoạch. Còn đợi đến 1 giờ sáng, nghĩa là sẽ đứng đây hơn 4 tiếng nữa, trong bóng tối đen đặc và những cơn gió hun hút của núi rừng Tây Bắc chớm đông. Tôi không có cảm giác ngần ngại hay lo âu như lẽ ra phải thế (với tư cách trưởng đoàn). Những đồng nghiệp của tôi cũng vậy, họ vẫn đang trêu đùa nhau. Bao mệt nhọc những ngày rong ruổi từ sáng đến khuya; không khí lạnh và màn đêm giữa rừng; những lo toan cơm áo gạo tiền hằng ngày... đều tạm gác lại trước bao la đất trời. Nhưng cũng chính giây phút đó, tôi hiểu hơn bao giờ hết giá trị của những con đường, huyết mạch của đất nước. Chỉ một đoạn ngắn cần sửa chữa, chúng tôi sau đó phải quay lại ngôi làng gần nhất ngủ tạm nhà dân chờ sáng hôm sau mới có thể tiếp tục hành trình.

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 3.

Con đường mòn nhỏ xíu vắt ngang sườn núi khúc khuỷ dẫn ra mỏm đá chơi vơi giữa không trung và phía dưới là sông Nho Quế thách thức lòng dũng cảm của bất cứ ai. Nhưng hầu hết du khách đến đây đều vượt qua nỗi sợ hãi để có được góc checkin ngoạm mục đến không tưởng

Hơn 60 năm trước khi chưa có Con đường Hạnh Phúc, một trong những con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam, gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ, Vách đá trắng... mà chúng tôi đi hôm nay, đồng bào nơi đây chỉ có thể di chuyển bằng ngựa thồ hoặc đi bộ giữa những mỏm đá tai mèo nhấp nhô trong rừng núi âm u hoang vắng. Họ- hơn 8 vạn người của 16 dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn bao đời đã phải sống biệt lập với thế giới bên ngoài, bị cái đói nghèo, lạc hậu, trình độ dân trí thấp bủa vây.

Cho tới mùa thu 1959, Con đường Hạnh Phúc đã chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành sau đó 6 năm, kết nối Hà Giang đến Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc. Nhờ thế mà ngày nay, hàng triệu người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài mới có thể đến tận điểm cực Bắc của tổ quốc, thưởng lãm các cung đường hùng vĩ, checkin những khung cảnh siêu thực...

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 4.

Có một điều rất đặc biệt trong những ngày chúng tôi rong ruổi ở Hà Giang, đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại luôn hiện diện trong mỗi người, trên mỗi cung đường.

Tôi cảm nhận điều đó khi dừng chân ở đèo Mã Pí Lèng, được mệnh danh là vua của các con đèo. Trước khi tới Hà Giang, tôi đã nghe kể, thậm chí bị "doạ" về độ hiểm trở cũng như vẻ đẹp phi thường của con đèo đứng đầu trong "tứ đại đỉnh đèo" ở Việt Nam. Giới phượt thủ có câu "Bất đáo Pí Lèng phi phượt thủ" để nói về thử thách khốc liệt của con đèo này. Ngay cả cái tên Mả Pí Lèng cũng hàm chứa rất nhiều điển tích về sự hiểm trở của nó. Mả Pí Lèng theo tiếng H'Mông chỉ sống mũi con ngựa. Ý rằng sự hiểm trở của ngọn núi, với con dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa...

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 5.

Km số 0 sông Nho Quế, con sông được mệnh danh là "nàng thơ giữa cao nguyên đá hùng vĩ". Sông Nho Quế là một phụ lưu của sông Gâm, bắt nguồn từ Trung Quốc, khi chảy vào Việt Nam, tạo ra một đoạn là biên giới Việt-Trung ở vùng cực bắc đất nước tại xã Lũng Cú và Má Lé, huyện Đồng Văn, sau đó chảy vào nội địa tỉnh Hà Giang. Để đến được đây, du khách phải qua nhiều khúc cua hiểm trở phi thường trên Con đường Hạnh Phúc. Với tính lịch sử, vị trí độc đáo và vẻ đẹp siêu thực của nó, checkin tại cột mốc số 0 sông Nho Quế là điều không thể thiếu với các du khách khi tới Hà Giang

Thế nhưng khi trực tiếp có mặt ở đây, những gì tôi nghe trước đó đều trở nên quá khiêm tốn. Nhìn từ phía đối diện, đèo Mã Pì Lèng như một "sợi chỉ" vắt giữa lưng chừng núi. Còn đứng trên đỉnh đèo ở độ cao 1.200m, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. Một cách tự nhiên lúc đó, tôi- bạn và có lẽ tất cả mọi người đều có chung câu hỏi: Bằng cách nào mà con người có thể xây dựng con đường trên địa hình đến hiểm trở như vậy. Và câu chuyện huyền thoại về Con đường Hạnh Phúc được tái hiện từ các hiện vật, con số... được lưu giữ trong bảo tảng nhỏ cùng tấm bia nhuốm màu thời gian nơi đây.

Ngược trở lại 64 năm trước, chỉ riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng dài hơn 20km đã mất đến 11 tháng thi công trong gian khổ, khốc liệt với mồ hôi và xương máu của không biết bao nhiêu người. Để mở đoạn đường 2 km qua những vách đá trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, công trường Đồng Văn quyết định thành lập đội thanh niên cảm tử (đội cơ dũng) với nhiệm vụ thông đường công vụ rộng 1 m - 1,2 m từ bên này sang bên kia Mã Pì Lèng làm cơ sở cho đội chủ lực mở đường. Phải leo cao và luôn trong tình thế hết sức nguy hiểm nên những người tham gia đội cảm tử đều được kiểm tra sức khỏe kĩ lưỡng, có bản lĩnh kiên cường, tính chiến đấu cao... Để thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy của mình, đội cảm tử đã đặt tại lán 10 chiếc quan tài, truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Mỗi buổi sáng, họ hô to "quyết thắng" rồi vác choòng, búa, thuốc nổ trèo lên vách đá dựng đứng, nhích từng centimet vào vách núi trong khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc.

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 6.

Du khách nước ngoài chia sẻ với nhau những bức hình về vẻ đẹp ngoạm mục của thiên nhiên Việt Nam. Đây là hình chúng tôi nhìn thấy ở khắp nơi, khắp các cung đường trong suốt hành trình đến điểm đầu cực Bắc của tổ quốc

Trên tấm bia đá sần sùi ở đèo Mã Pí Lẽng hiện nay vẫn lưu giữ số liệu về gần 6 năm ròng rã phá núi mở đường với trên 2 triệu lượt ngày công; đào đắp, di chuyển trên 3 triệu m3 đá để hoàn thành Con đường Hạnh Phúc có chiều dài 185km của hàng vạn thanh niên chủ lực; dân công huy động những năm 60 của thế kỉ trước. Một cách hết sức tự nhiên, chúng tôi đứng nghiêm trang dưới Tượng đài Thanh niên Xung phong chụp một tấm hình lưu niệm, lòng tràn ngập sự biết ơn.

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 7.

Để tưởng nhớ và tri ân thế hệ thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc, năm 2017 tỉnh Hà Giang đã hoàn thành xây dựng Cụm tượng đài Thanh niên xung phong. Ở đây, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, tình yêu và lòng biết ơn luôn dâng tràn trong mỗi con người Việt Nam

Những du khách nước ngoài, những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam mà chúng tôi gặp trên hành trình của mình cũng thế, ánh mắt rạng ngời pha lẫn sửng sốt trước khung cảnh đất nước hùng vĩ và con đường lịch sử. Giống như chúng tôi, họ có những phút giây đứng lặng khi đặt chân tới nơi bắt đầu "Con đường máu và hoa". Ở thời khắc đó, mọi khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, địa vị xã hội... đều không tồn tại. Chúng tôi chia sẻ với nhau những góc chụp đẹp nhất; chìa tay với những người lần đầu gặp (và rất có thể là lần cuối) trong lối đi nhỏ xíu ra mỏm đá chơi vơi giữa không trung, nơi ngước lên là lớp lớp các ngọn núi vươn thẳng lên bầu trời mênh mông và nhìn xuống bên dưới là vực sông Nho Quế sâu hun hút để có những tấm hình siêu thực, huyền bí...

Quá khứ và hiện tại, tình yêu và lòng biết ơn, niềm tự hào về đất nước- con người... đồng hành cùng chúng tôi trên mỗi khúc cua, mỗi điểm đến, mỗi góc máy trên Con đường Hạnh Phúc.

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 8.

A Páo, 24 tuổi, người dân tộc H'mong chở tôi đến Điểm cực bắc của tổ quốc cách cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) khoảng hơn 3 km bằng xe máy với giá 130.000 đồng. A Páo kể, cậu đã đi làm thuê ở Hà Nội, Bắc Ninh và mới từ Bình Dương về quê khoảng nửa năm vì việc ngày càng ít, thu nhập không đủ sống. "Ở đây không có nhiều nước nên chỉ trồng ngô được thôi. Hết vụ thì cũng hết việc nên bọn em đi làm thuê để có tiền. Từ hồi có du lịch, nhiều người trở về quê sinh sống"- A Páo nói và cho biết, mỗi ngày thu nhập của cậu dao động trong khoảng 200.000- 300.000 đồng. "Hồi chưa có xe điện bọn em nhiều khách hơn. Nhưng vẫn còn nhiều người thích đi xe máy như chị nên cũng kiếm được", A Páo nói, giọng lơ lớ và kéo dài ở cuối câu nghe lạ lạ. Cậu cũng chính là người giới thiệu với chúng tôi Điểm cực Bắc của tổ quốc mà theo cậu, không phải khách du lịch nào cũng biết. Quả thật, như nhiều người đến Hà Giang lần đầu, chúng tôi đều tưởng điểm cực Bắc là cột cờ Lũng Cú hay mốc giới số 428 (mốc có vĩ độ cao nhất trên tuyến biên giới Việt - Trung). Nhưng điểm cực Bắc thực tế nằm cách cột cờ Lũng Cú hơn 3 km. A Páo dẫn đầu đoàn chở chúng tôi băng qua đoạn đường mòn lởm chởm đất đá, vài khúc cua tay áo khá ngặt nghèo. Tuy nhiên đã trải nghiệm đủ các cung bậc hiểm trở trên Con đường Hạnh Phúc nên với tôi lúc này, mọi thứ đều trở nên đơn giản. Chạy hết con đường, leo thêm khoảng gần 100 bậc thang là tới cột mốc khắc tọa độ của Điểm đầu cực Bắc. Tại đây có một đài vọng cảnh, đứng trên đó có thể ngắm dòng Nho Quế bên dưới (thời điểm chúng tôi có mặt sông Nho Quế đoạn này cạn trơ đáy. Dọc lên phía trên có một đập thuỷ điện chặn dòng, không biết đó có phải là lí do khiến nước không thể chảy xuống hạ nguồn hay không), và phóng tầm nhìn sang lãnh thổ Trung Quốc phía bên kia. Niềm tự hào, tình yêu... cứ nhè nhẹ, xâm chiếm, một cảm xúc rất khó tả. Tôi tin tất cả mọi người đến đây đều như vậy.

Hơn chục cậu thanh niên chở đoàn chúng tôi toàn thế hệ 9x, có người sinh sau năm 2.000 nhưng đều vợ con "đề huề". Họ đã lang bạt khắp nơi từ Bắc vào Nam kiếm sống nhưng chỉ lao động chân tay, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Từ hồi về quê "làm du lịch", cuộc sống của họ ổn định hơn, thu nhập tốt hơn, "có tiền nuôi con học cái chữ"- như lời A Páo nói.

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 9.

Những bản làng xinh đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc là hành trang trong nỗi nhớ về Tây Bắc của du khách có dịp đến đây

Du lịch cải thiện cuộc sống của những người như A Páo nhưng chính A Páo và hàng vạn đồng bào dân tộc ở Hà Giang chính là thỏi nam châm thu hút du khách bằng sự hiếu khách và bản sắc văn hoá riêng biệt của mình. Chủ homestay Toong (thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ), người dân tộc Dao vẫn địu con trên bụng khi đón chúng tôi, rồi thoăn thoắt hướng dẫn khách nhận phòng với nụ cười thường trực trên môi. Tôi nhìn thấy trên bàn chị chiếc laptop đang mở. Toong homestay nằm sâu trong rừng, xung quanh là cánh đồng lúa rộng lớn. Nếu không được người bản địa dẫn đường, chúng tôi khó mà tìm được Toong đêm ấy. Con đường nhỏ, ngoằn nghèo và dù chỉ cách trung tâm huyện Quản Bạ 4km nhưng rất nhiều đoạn đồng không mông quạnh, nên có lúc cứ tưởng mình đi lạc. Nếu không có du lịch, Nậm Đăm chỉ là một bản nhỏ nằm giữa những quả núi, 99% dân bản là người dân tộc Dao sẽ chỉ quanh quẩn với ruộng vườn. Nhưng du lịch đã đánh thức Nậm Đăm cũng như nhiều thôn bản khác ở Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc...

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 10.

Những cô bé, cậu bé dân tộc bạn gặp trên đường đi học về, đi lấy củi cùng mẹ hay ở các điểm du lịch đều cất tiếng chào khi thấy du khách tới gần, tạo thành nét văn hóa đặc trưng cho du lịch Hà Giang

Những em bé nhỏ xíu trong bộ váy dân tộc mùa sắc sặc sỡ nổi bật giữa núi rừng, cứ nhìn thấy khách là cất tiếng chào, dù bạn có tiền lẻ cho hay không; những nhà sàn đơn sơ được chăm chút trở thành nơi lưu trú đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc cho khách du lịch; Người pha cà phê cho chúng tôi sáng hôm sau ở Toong là anh chồng cô chủ. Cũng như vợ, anh nhiệt tình, chân chất, hết sức dễ thương. Người nấu ăn cho chúng tôi ở Dong Van Eco Stone House cũng là chủ nhân của nơi này. Dù kinh doanh, họ vẫn giữ nguyên vẻ thuần phác, hiếu khách và thân thiện. Họ là một phần không thể thiếu trong nỗi nhớ của tôi về Hà Giang...

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 11.

Toang Homestay lung linh khi đêm về. Không có du lịch, Toong chỉ là một ngôi nhà nhỏ bình dị nép mình bên sườn núi. Người dân bản địa nơi đây chỉ quanh quẩn với ruộng vườn. Du lịch không chỉ thay đổi Toong, du lịch đã thay đổi những vùng đất, những phận người

Doanh thu từ du lịch của Hà Giang đã tăng vọt mấy năm gần đây nhưng tính trên con số tuyệt đối thì không cao, còn so với tiềm năng càng hạn chế. Nhưng cái du lịch mang lại cho Hà Giang giá trị hơn rất nhiều các con số thống kê. Đó là tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp cho những du khách có dịp tới đây; Là quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam qua các du khách nước ngoài. Doanh thu chưa nhiều nhưng du lịch đã thay đổi biết bao phận người ở Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh...

Như chúng tôi trở lại Sài Gòn, mang theo mình năng lượng và tình yêu đất nước đong đầy...

Hành trình tới cực Bắc của tổ quốc- Ảnh 12.

Khi đứng chụp ảnh dưới cờ tổ quốc ở Mã Pí Lèng cũng là lúc mỗi người Việt Nam đều đong đầy cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.