Hành trình triệt phá đường dây đánh bạc ngàn tỉ

13/03/2018 08:00 GMT+7

Ít ai biết rằng để bóc gỡ được đường dây đánh bạc cực 'khủng' này, Công an tỉnh Phú Thọ đã lần tìm từ những manh mối nhỏ nhất tại nhiều tỉnh, thành, phanh phui ra các nút thắt từ tố cáo của dân.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong quá trình hoạt động, đường dây đánh bạc qua mạng internet có liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã thu lợi bất chính gần 2.800 tỉ đồng.
Ít ai biết rằng để bóc gỡ được đường dây đánh bạc cực "khủng" này, Công an tỉnh Phú Thọ đã lần tìm từ những manh mối nhỏ nhất tại nhiều tỉnh, thành, phanh phui ra các nút thắt từ tố cáo của dân.
Từ vụ lừa đảo qua mạng
Giữa tháng 5.2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo của bà V.M.P (ở P.Nông Trang, TP.Việt Trì, Phú Thọ) về việc ngày 16.5.2017, bà bị một đối tượng sử dụng nick Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng. Ngay sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 26.7.2017 bắt giữ Lê Văn Huy (Quảng Trị), đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà P. Huy khai sau khi chiếm đoạt tài sản của bà P., Huy đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh Dũng ở Đà Nẵng để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.
Đồ họa: Hoàng Đình

Game đánh bài Rikvip là một ứng dụng trong game online được phát hành bởi doanh nghiệp của Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online, và Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao. Đây thực chất là cờ bạc trá hình, hoạt động theo phương thức người chơi tải ứng dụng game bài Rikvip từ Google Play của hệ điều hành Android và Apple Store trên hệ điều hành iOS để chơi các trò chơi như tá lả, ba cây, sâm lốc, poker...
Sau khi tạo tài khoản trong hệ thống, người chơi sẽ nộp tiền thật để mua tiền ảo dưới nhiều hình thức như: nộp qua thẻ cào điện thoại, thẻ ngân hàng... Mỗi ván bài, khi đánh thắng thì sẽ được lượng tiền ảo tương ứng như đã đặt cược, nhưng bị trừ phần trăm phí cho nhà cung cấp game; đánh thua thì bị mất số tiền cược. Trên danh nghĩa, những người tham gia các trò chơi chỉ sử dụng tiền ảo nhưng thực tế sau khi thắng người chơi có thể sử dụng tiền ảo trong game để đổi lấy hiện vật hoặc bán lại cho người khác có nhu cầu. Đường dây này đã thu hút hàng nghìn người chơi và đem lại những khoản lợi nhuận cực lớn cho đơn vị phát hành game.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, cơ quan chức năng đã xác định hoạt động của game bài Rikvip đã được một số cán bộ biến chất của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tay. Trong đó, các hoạt động đánh bạc trá hình không bị xử lý theo quy định pháp luật, mà ngược lại còn mang danh nghĩa công ty nghiệp vụ để phục vụ lực lượng công an. Đây cũng chính là lý do khiến Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, với vai trò đồng phạm cùng Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương về hành vi tổ chức đánh bạc.
Cho đến nay, kết quả điều tra cho biết Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 80 bị can; bước đầu làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỉ đồng; tạm giữ, kê kiên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỉ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỉ đồng và 13 xe ô tô các loại.
Chân dung 2 "ông trùm" điều hành đường dây
Phan Sào Nam (39 tuổi) là một trong những CEO công nghệ trẻ nổi đình, nổi đám một thời khi start-up cũng của VTC Online. Từ đầu năm 2006, khi mới 27 tuổi, Phan Sào Nam đã là Phó giám đốc của VTC Intecom, sau đó lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông trực tuyến (VTC Online) và sau đó làm Chủ tịch HĐQT VTC Online, Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC HCM. Nhân vật này cũng từng là “cha đẻ” của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của mạng Việt Nam go.vn...
Liên quan đến VTC Online, Phan Sào Nam vào thời điểm trước khi bị khởi tố đã không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT. Song, ở báo cáo giữa năm 2017, ông Nam vẫn đảm nhiệm "chân" ủy viên HĐQT, là cá nhân có tỷ lệ sở hữu cổ phần tại VTC Online lớn nhất, chiếm 4,5%.
Trong khi đó, Tập đoàn truyền thông VTC là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 42,4%, tương đương hơn 1 triệu cổ phần VTC Online. Trước đó, cuối năm 2017, VTC quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi VTC Online với mức giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần và kỳ vọng có thể thực hiện ngay trong năm 2017.
Còn Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, sinh tại Hà Nội) là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). CNC được thành lập trong tháng 9.2011, và có vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Cổ đông ban đầu của CNC gồm ông Nguyễn Văn Dương góp 18 tỉ đồng. Dương cũng từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC.
Công ty cổ phần đầu tư UDIC được thành lập tháng 1.2010 và nổi lên khi đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, có tổng vốn 12.188,66 tỉ đồng. Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, trong đợt tăng vốn từ 500 tỉ đồng lên 528,37 tỉ đồng của Công ty cổ phần đầu tư UDIC vào đầu năm 2016, ông Dương đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,05 lên 99,29%, tương đương giá trị vốn góp 524,6 tỉ đồng.
Trong đợt tăng vốn này, hai cổ đông sáng lập là Ngân hàng TMCP Đại chúng VN (PVCombank) và Công ty cổ phần thương mại Việt Hồng đã thoái hết vốn khỏi UDIC. Bản thân Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cũng giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,5% về 0,71%.
Tuy nhiên, mới đây, Tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho biết SBRC đã nắm 51% vốn cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư UDIC (tổng vốn điều lệ 781,73 tỉ đồng). Tháng 7.2017, Công ty cổ phần đầu tư UDIC cũng đã bố cáo thay đổi thông tin. Theo đó, người đại diện của Đầu tư UDIC hiện nay là ông Nguyễn Hữu Hùng (43 tuổi).
Cần thiết chế giám sát chặt chẽ
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng vụ việc của ông Nguyễn Thanh Hóa là rất nghiêm trọng. Để ngăn chặn những sự việc tương tự, cần phải tăng cường các thiết chế giám sát những cơ quan gắn liền với những hoạt động mang tính chất bí mật như an ninh, quốc phòng. “Bất cứ cơ quan nào mà các hoạt động mang tính chất bí mật đều cần có những thiết chế giám sát. Cơ quan càng bí mật, càng nhiều quyền lực thì càng cần phải giám sát chặt chẽ. Đó là vấn đề nguyên tắc. Còn nếu cứ để không như vậy thì sẽ rất gay go”, ông Dũng nêu.
Theo ông Dũng, chẳng hạn như cơ quan tình báo của Mỹ cũng có riêng một ủy ban giám sát thuộc Quốc hội. Mặc dù hoạt động của các cơ quan này không bao giờ công khai nhưng tất cả đều được ủy ban thuộc Quốc hội giám sát rất chặt. “Như ở ta hiện nay, những thiết chế giám sát hoạt động ngành công an, quân đội thì có Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, đó chỉ là quy định chung chứ chưa có những quy định thực sự chặt chẽ trong hệ thống pháp luật. Chẳng hạn, Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội có quyền giám sát đối với những vấn đề bí mật hay không thì pháp luật không quy định rõ”, ông Dũng nói.
Từ đó, ông Dũng cho rằng, cần có những quy định cụ thể của pháp luật trao quyền cho một ủy ban với chức năng giám sát những hoạt động mang tính chất bí mật thuộc vệ an ninh, quốc phòng. Hoặc, có thể trao quyền cụ thể cho Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội và nâng cao năng lực cho ủy ban này để có thể giám sát được các cơ quan này.
Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.