Hành trình trở thành nông dân hữu cơ

03/02/2025 19:30 GMT+7

Năm 2020, ước tính có khoảng 4,5 triệu nhà sản xuất trên toàn thế giới tham gia phong trào hữu cơ. Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ không chỉ đơn giản là thay đổi một vài kỹ thuật canh tác mà đòi hỏi kiến thức, quy trình và chứng nhận cụ thể.

Các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ

Nền tảng của nông nghiệp hữu cơ dựa trên các nguyên tắc ưu tiên cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Trong thực tế, các nguyên tắc này thường được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Quy định của EU về hữu cơ là một trong những tiêu chuẩn hữu cơ phổ biến nhất. Ngoài ra, còn có các tổ chức như Hiệp hội Nông dân Hữu cơ Naturland hoạt động dựa trên các quy định của EU về hữu cơ cùng với các hướng dẫn của riêng Hiệp hội.

Nông nghiệp hữu cơ tránh sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, sinh vật biến đổi gen (GMO) và hormone. Hình thức canh tác này chú trọng các quy trình và vật liệu tự nhiên, khuyến khích bảo vệ sức khỏe đất, phúc lợi động vật và sử dụng tài nguyên bền vững.

Đối với nhiều nhà sản xuất, các nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với giá trị và mục tiêu mà họ theo đuổi. Naturland không chỉ tuân thủ các quy định của EU về hữu cơ mà còn kết hợp thêm các tiêu chuẩn xã hội ủng hộ quyền con người và quyền của người lao động, củng cố hệ thống nông nghiệp hữu cơ toàn diện.

Hành trình trở thành nông dân hữu cơ

ẢNH: NATURLAND/ JUTTA ULMER

Nông nghiệp hữu cơ cũng chú trọng việc xây dựng hệ sinh thái khỏe mạnh. Các kỹ thuật như luân canh, đa canh và sử dụng phân compost hữu cơ góp phần cải thiện độ phì nhiêu và cấu trúc đất. Các thực hành này góp phần giảm thiểu nhu cầu sử dụng hóa chất và xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững hơn, tăng cường đa dạng sinh học, cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh của trang trại.

Phúc lợi động vật là một khía cạnh quan trọng khác trong nông nghiệp hữu cơ. Động vật được chăn nuôi trong điều kiện cho phép các hành vi tự nhiên, cung cấp đủ không gian, tiếp xúc với môi trường ngoài trời và được ăn thức ăn hữu cơ, từ đó đảm bảo sức khỏe của vật nuôi và giảm thiểu nhu cầu sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác.

Quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ

Quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ thường mất từ 2 đến 3 năm. Trong giai đoạn này, nông dân áp dụng các thực hành hữu cơ để đất phục hồi và thiết lập hệ sinh thái hữu cơ.

Giai đoạn đầu cần tiến hành đánh giá các thực hành hiện tại, sau đó lập kế hoạch chi tiết về thay đổi trong quản lý đất, luân canh, kiểm soát sâu bệnh và chăm sóc vật nuôi. Nông dân phải lập tài liệu và lưu giữ hồ sơ để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ.

Hành trình trở thành nông dân hữu cơ- Ảnh 2.

ẢNH: NATURLAND / CHRISTIAN NUSCH

Trong giai đoạn chuyển đổi, nông dân chưa thể bán sản phẩm của mình với nhãn hiệu hữu cơ. Việc chuyển đổi sang phương pháp canh tác (hữu cơ) mới thường đi kèm với những khó khăn như năng suất cây trồng giảm và gia tăng chi phí lao động. Những người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ thể hiện cam kết mạnh mẽ với các nguyên tắc hữu cơ và sẵn lòng áp dụng các phương pháp canh tác đổi mới.

Quy trình chứng nhận và kiểm định hữu cơ

Để được công nhận là 100% hữu cơ, các trang trại phải trải qua quy trình chứng nhận của một cơ quan kiểm định uy tín.

Nông dân phải nộp đơn xin cấp chứng nhận cùng kế hoạch chi tiết về các thực hành hữu cơ của mình. Trang trại sẽ được kiểm định ban đầu để đánh giá mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi không tuân thủ nào, nông dân sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục để giải quyết vấn đề.

Khi trang trại đáp ứng tất cả các yêu cầu, trang trại sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ. Trang trại vẫn sẽ được kiểm định hàng năm nhằm đảm bảo tuân thủ liên tục,giúp duy trì tính toàn vẹn của nhãn hiệu hữu cơ, mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng về chất lượng và tính xác thực của các sản phẩm hữu cơ.

Các hiệp hội nông dân như Naturland cung cấp thêm hỗ trợ cho nông dân, cũng như hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn lực cần thiết.

Cách nông dân nhận hỗ trợ tài chính và tư vấn

Quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ có thể đòi hỏi chi phí cao. Tuy nhiên, có các chương trình quốc gia và chương trình của EU cung cấp hỗ trợ tài chính trong cả giai đoạn chuyển đổi và duy trì. Các chương trình này cung cấp trợ cấp và tài trợ để hỗ trợ chi phí chứng nhận, cải thiện cơ sở hạ tầng và chi phí đào tạo, khuyến khích thêm nhiều nông dân áp dụng các thực hành bền vững.

Hành trình trở thành nông dân hữu cơ- Ảnh 3.

ẢNH: NATURLAND / CHRISTIAN NUSCH

Việt Nam cũng có các chương trình của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi, giúp họ vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội của nông nghiệp hữu cơ.

Các chương trình như Đào tạo nguồn (Training of Trainers - TOT) đảm bảo nông dân được trang bị những kiến thức, phương pháp mới và cần thiết để triển khai thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra còn có các dịch vụ tư vấn cung cấp hướng dẫn chuyên sâu về quản lý đất, kiểm soát sâu bệnh, lựa chọn cây trồng và marketing, giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho các trang trại hữu cơ.

Thay đổi đáng để đánh đổi

Hành trình trở thành nông dân hữu cơ đầy rẫy thách thức, nhưng là thay đổi đáng có, đòi hỏi tư duy đổi mới, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn, cam kết thực hành bền vững cùng với khả năng vượt qua khó khăn trong quy trình chứng nhận và kiểm định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.